Tin tức Đa Chiều
Tâm Linh

Hay cậy quyền chửi mắng người dân, viên quan bị âm phủ đánh nhừ tử, rút ngắn thọ mệnh

“Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Một cái miệng trông có vẻ không lớn nhưng tác dụng của nó rất lớn. Có người miệng ngậm hoa sen, nói lời an ủi người khác. Có người ăn nói tùy tiện, đâm chọt thị phi, hại người hại mình. Có thể nói là phúc từ miệng mà tích, họa từ miệng mà ra.

Nói lời ác bị âm phủ giáng tội

Thời Đường Huyền Tông, triều đình thiết lập một chức quan vô cùng đặc biệt là “Trang trạch sử”: chủ quản tất cả trang điền, cối xay, kho, vườn rau, nhà xe… của triều đình ở 2 kinh thành Trường An, Lạc Dương.

Khi đến thời Đường Mục Tông, một vị trang trạch sử có thuộc hạ tên Vương Quốc Lương làm quan thanh tra. Người này thường cậy quyền cậy thế quát tháo thô lỗ, lăng mạ người khác.

Thứ sử Lý Phục Ngôn có một người em họ tên là Võ Toàn Ích, đã từng nhậm chức quan ở lăng tẩm Hiến Lăng. Sau khi bãi quan, thuê một căn nhà ở trong thành, đúng vào phạm vi mà Vương Quốc Lương quản lý. Gia cảnh nhà Võ Thị khá nghèo, mỗi lần nộp tiền thuê nhà bị trễ, Vương Quốc Lương sẽ đến phá cửa chửi lớn, ngôn từ độc địa, chói tai không thể tả, ai cũng cản không được.

Mùa đông năm Nguyên Hòa thứ 12 (năm 817), Lý Phục Ngôn đến nhà Vũ Thị làm khách, ở trong nhà cậu ta một thời gian. Khi đó, Vương Quốc Lương cứ năm ngày là đến một lần, mỗi lần đều nói ra những lời thô tục. Lý Phục Ngôn nghe không nổi những câu nói dơ bẩn ấy, thường bịt tai tránh đi nơi khác.

Rồi đột nhiên, 12 ngày liền Vương Quốc Lương không đến. Cho tới một hôm, người nhà họ Võ nghe được một tiếng gõ cửa nhẹ nhàng bên ngoài, họ phái người đi hỏi  thì đối phương trầm giọng trả lời: “Là tôi, Quốc Lương”.

Do cả nhà Vũ Thị rất kinh hãi hắn ta, sợ hắn lại đập cửa lớn tiếng chửi nên vội vã chạy ra đón tiếp. Cũng vì 12 ngày rồi không gặp, mọi người kinh ngạc phát hiện hắn ốm yếu lạ thường. Họ hỏi hắn đã xảy ra chuyện gì, sao dáng vẻ hoàn toàn khác trước kia.

Vương Quốc Lương trả lời: “Lúc trước sau khi tôi rời khỏi nhà mọi người, lập tức nhiễm bệnh nặng. Nằm trên giường bảy ngày rồi chết. Tuy nhiên 7 ngày sau khi chết, tôi sống lại. Quan sai âm phủ cho rằng tôi làm việc vô lễ nên đã đánh tôi một trận, đến hôm nay vết bầm của cây gậy vẫn còn. Vì cơ thể chưa phục hồi hẳn nên lâu rồi không tới”.

Lý Phục Ngôn mau chóng gọi hắn ngồi xuống, bảo hắn hãy kể thật chi tiết sự tình. Vương Quốc Lương nói: “Tôi trúng bệnh xong, vào thời khắc tính mệnh gặp nguy thì đột nhiên nhìn thấy vài vị tráng sĩ, tất cả bọn họ xắn tay áo lên, lộ ra cơ bắp, vung tay vung chân kéo tôi đứng dậy từ trên giường, dùng vải bố chụp lên đầu tôi, bắt tôi đi, tôi không biết mình đã đi mấy dặm cũng không biết ở thành quách nào. Đột nhiên bọn họ kéo vải bố trên đầu tôi xuống, mở mắt ra thì thấy đang đứng trước cửa quan phủ, trên đó có viết mấy chữ “Thái Sơn Phủ Quân Viện”.

“Hơi thở của tôi còn chưa ổn định thì đã bị họ đẩy ngã xuống trước sảnh. Tôi thấy một người mặc áo đỏ ngồi trên sảnh làm chủ quản, người đó nói với quan cấp dưới rằng: ‘Người ngày tội nghiệp quá nặng, nên cho vào địa ngục, ngày nào tội nghiệp vẫn chưa hết thì ngày đó không được thả ra. Phải nhanh chóng kiểm tra tội lỗi mà hắn đã phạm’. Tuy nhiên khi vị phán quan áo đỏ đó bước vào hành lang phía tây, ông ấy lại băn khoăn chần chừ không đi và nói: ‘Vương Quốc Lương ngươi từ nay về sau chỉ còn 10 năm sinh mệnh’. Có thể là vì tuổi dương chưa tận nên phán quan lệnh sai nha kéo tôi ra, cho tôi về nhà”.

“Nhưng khi vừa ra đến cửa, phán quan lại tức giận nói: ‘Đem hắn lôi qua đây! Người này ngôn từ ác độc, ô uế không thôi, thường xuyên chửi rủa ngỗ ngược với người vô tội. Nếu không tăng mức phạt, sẽ không đủ khiến hắn lấy đó làm gương’. Họ lập tức đánh tôi thêm 20 gậy. Phán quan còn đưa cho tôi một cốc nước ở trước sảnh, nói: ‘Uống xong cốc nước này, ngươi sẽ không quên chuyện xảy ra ở đây, hãy truyền lại lời của ta cho con người nhân gian, cẩn thận khẩu nghiệp. Miệng gây ra thị phi giống như động vào la võng. Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy’. Tôi trở về, mấy ngày sau mới về tới nhà, vừa đến cửa nhà là ngã ra”.

Vương Quốc Lương nói tiếp: “Khi đó người nhà của tôi đang khóc lóc, chuẩn bị đưa tôi nhập liệm, sau khi ngã ra trước cửa thì tôi đột nhiên tỉnh dậy. Khi hỏi thời gian mới biết cơ thể tôi đã lạnh cóng 7 ngày. Chỉ có phần đầu vẫn còn chút hơi ấm, người nhà không nỡ đưa tôi đi nhập liệm liền”.

“Năm sáu ngày sau khi tỉnh dậy, vết bầm trên người tôi vẫn còn”. Nói tới đây, Vương Quốc Lương để lộ phần lưng ra. Sau lưng anh ta toàn mảng đen đen, nhìn như da thịt sắp mưng mủ vậy, xung quanh xuất hiện những vết tím loang ra ngoài.

Vương Quốc Lương nói: “Tôi từ nhỏ đã hung dữ, không biết thiện ác, mỗi lần đều nói ra những lời cuồng vọng ương ngạnh, vì thế mà tích không ít tội nghiệp. Từ nay về sau, lấy việc đó làm gương, không dám kích động nói ra những lời tổn thương người khác nữa. [Các vị] phàm là người có chút tiền, tốt nhất đừng vi phạm kỳ hạn thuê nhà, đừng khiến tôi bị quan lớn trách tội vì điều đó”. Nói xong anh ta liền rời đi.

Từ đó về sau, mỗi lần Vương Quốc Lương đến, anh ta đều rất nhân từ. Đến tháng 9 năm sau, đột nhiên nghe nói anh ta qua đời. Từ lúc Vương Quốc Lương ăn gậy của âm phủ tính đến giờ vừa tròn 10 tháng. Vì không gian khác nhau có thời gian khác nhau. Phải chăng 10 năm mà âm phủ nói chính là 10 tháng ở nhân gian?

Không bàn chuyện đúng sai của người khác, tránh được tai họa

Trong thời nhà Minh, Văn Trưng Minh (1470 – 1559) là một trong bốn tài tử Ngô Trung. Ông rất xuất sắc trong lĩnh vực thư pháp và văn học. Khi đó, danh tiếng của ông rất lớn, phủ khắp Giang Nam, rất nhiều tử đều coi ông là thầy.

Cuộc đời ông không thích nghe người ta nói về lỗi lầm của kẻ khác. Nếu có người muốn bàn về chuyện đó, ông sẽ khéo léo dẫn dắt sang chủ đề khác, khiến họ muốn nói chuyện thị phi cũng không nói tiếp được. Suốt một đời, ông luôn duy trì thói quen này, cả đời đều rất chú trọng tu khẩu.

Lúc đó, Ninh Vương Chu Thần Hào có ý muốn tuyển Văn Trưng Minh nên đã phái người mang văn thư và vàng bạc đến nhà Văn gia. Văn Trưng Minh mượn cớ bệnh nặng không chịu xuống giường, từ chối nhận vàng bạc và thư mời, cũng không viết thư hồi âm cho Ninh Vương.

Sau khi sứ giả rời đi, bạn bè khuyên ông: “Đến nay, Ninh Vương là người mà ai ai đều hướng tới. Vương phủ của ông ấy đang trống một vị trí, mời tiên sinh làm quan. Cớ gì người không giống Mai Thừa, Tư Mã ở trong Vương phủ hưởng thụ một phen?”.

Văn Trưng Minh nghe xong chỉ cười mà không nói. Ông có tài xem xét đánh giá người khác, chắc đã biết trước Ninh Vương là người thế nào, nhưng không bàn về thị phi của ông ấy. Sau đó vào năm Minh Vũ Tông Chính Đức thứ 14 (năm 1519), Ninh Vương Thần Hào làm phản ở Nam Xương, cuối cùng bị Vương Dương Minh dẹp yên. Ninh Vương vì mưu phản nên thân bại danh liệt.

https://tinhhoa.net/

Related posts

Chính nhân quân tử sẽ không bị hồ ly quấy nhiễu, có hiện hình cũng phải ẩn đi

Tin Tức Đa Chiều

Sự ứng nghiệm và biến đổi của những lời tiên tri trong ‘’Kinh Thánh‘’ và ‘’Thôi Bối Đồ‘’ (P.1)

Tin Tức Đa Chiều

Ông ngoại xem bói người này thọ 38 tuổi, ai cũng cười 20 năm sau mới vỡ lẽ

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment