Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn đang hừng hực khí thế và chưa đến hồi kết, nhiều người đã đưa ra dự đoán xem ai là người thắng cử. Nhìn lại lịch sử, mỗi khi một sự kiện trọng đại như vậy sắp xảy ra, thường sẽ có những dự ngôn tương ứng. Lời tiên đoán thường là ‘mờ mờ tỏ tỏ’, nhưng khi thực sự ứng nghiệm thì ai cũng phải công nhận là vô cùng chính xác.
“Đại hán giả đương Đồ Cao”
Ví dụ, trong thời Hán, có một lời tiên tri đã được lưu truyền hơn 300 năm mới được ứng nghiệm, chỉ vẻn vẹn có 6 chữ, gọi là “Đại hán giả đương Đồ Cao”.
Câu nói “Đại hán giả đương Đồ Cao” rất dễ hiểu, tức là “Đồ Cao” sẽ thay thế nhà Hán, vấn đề là không ai biết “Đồ cao” rốt cuộc là gì. Trong tiếng Hán cổ, “đồ” có nghĩa là đường đi, “cao” là cao lớn, vậy “Đồ cao” có nghĩa là gì? Người đàn ông cao lớn bên vệ đường? Hay là chỗ nhô cao giữa lòng đường? Lời giải thích thuyết phục nhất cho câu nói này phải chờ cho đến giữa thời Tam Quốc mới xuất hiện.
Lời tiên tri này xuất hiện sớm nhất ở đâu? Chính là trong cuốn “Xuân thu sấm”, nay đã thất truyền. Theo cuốn Sử ký nhà Tống “Thái bình ngự lãm” ghi chép, một lần Hán Vũ Đế cùng quần thần ăn uống, sau bữa ăn, Hán Vũ Đế đột nhiên nổi hứng, sáng tác bài từ “Thu phong” nổi tiếng, sau đó nói với các quần thần một câu như sau, “Lục thất tứ thập nhị Đại Hán giả, đương Đồ cao dã.”
Vào những năm đầu của triều đại Đông Hán, Quang Vũ đế Lưu Tú viết một bức thư cho Công Tôn Thuật – người đã xưng đế ở Tứ Xuyên, nói rằng: “Đại Hán giả đương Đồ cao, quân khởi cao chi thân tà?” Câu này có nghĩa là “lẽ nào ngươi cho rằng ‘Đồ Cao’ thay thế nhà Hán chính là ngươi sao?” Có thể thấy, đến cuối thời Tây Hán và đầu thời Đông Hán, lời tiên tri “Đại Hán giả đương Đồ cao” đã được truyền bá rộng rãi.
Nhưng rốt cuộc lời tiên tri này ám chỉ ai, trải qua vài trăm năm vẫn không ai giải thích được. Cho đến thời Tam Quốc, nhà Hán sắp diệt vong, rất nhiều anh hùng hảo hán lại tự “gán” mình vào lời tiên tri này, đầu tiên là Viên Thuật. Chúng ta đều biết rằng Viên Thuật không biết nghĩ ra làm sao, tự xưng là hoàng đế ở Thọ Xuân vào năm 197 sau Công Nguyên. Hai năm sau, vào năm 199 sau Công Nguyên, ông bị người ta đánh cho đầu toang máu chảy, nôn ra máu mà chết. Rốt cuộc thì dũng khí để Viên Thuật xưng đế từ đâu mà ra?
Viên Thuật tự cho rằng mình là tứ thế tam công, tức là bốn đời của gia tộc đều có người làm Tam công (Tam công là ba chức Tư đồ, Tư mã, Tư không), gia tộc tiếng tăm lẫy lừng. Lãnh thổ trên danh nghĩa của Viên Thuật cũng rất lớn, lúc đó Tôn Sách ở Giang Đông cũng lệ thuộc vào Viên Thuật, Viên Thuật làm chủ phần lớn Giang Tô, ngoài vùng trung nam bộ An Huy, cộng thêm phần lớn Giang Tây và Chiết Giang, quả thật là một lãnh thổ rộng lớn. Quan trọng hơn là, Viên Thuật cảm thấy câu nói “Đại Hán giả đương Đồ cao” là đang nói về mình.
Viên Thuật, tự Công Lộ, “Đồ” có nghĩa là con đường, Viên Thuật cảm thấy mình là Viên Công Lộ thì chẳng phải là “Đồ cao” sao. Theo tôi, đây gọi là dối mình gạt người, tự Công Lộ của Viên Thuật, tương ứng với “Đồ” là khá hợp lý, nhưng Viên Thuật đâu có cao, không hề mang hàm nghĩa “cao”. Viên Thuật tự cho rằng mình là thiên mệnh, thực ra là mượn cớ thiên mệnh mà thôi. Sau đó Viên Thuật xưng đế, 2 năm sau thì mất.
Vậy chính xác thì “Đại Hán giả đương Đồ cao” đang nói về ai? Lời tiên tri này dần dần được hé lộ vào giữa và cuối thời Tam Quốc. Chúng ta cùng xem các ghi chép trong “Tam Quốc chí”, có rất nhiều các chuyên gia khác nhau thành thạo trong việc quan sát các vì sao và bói toán, đều đưa ra câu trả lời giống nhau.
Đỗ Quỳnh, là quan viên nhà Thục Hán, khi trả lời câu hỏi của Tiêu Chu, ông nói: “Ngụy là tên gọi của Khuyết, Khuyết đứng sừng sững bên vệ đường. Các bậc thánh nhân cổ đại rất hay sử dụng thủ pháp ẩn dụ trong lời tiên tri.” Hơn nữa một nhà chiêm tinh khác của nhà Thục là Chu Thư cũng nói, “Đương Cao đồ giả, Ngụy dã.”
Thái sử Ngụy quốc Thừa Hứa Chi nói với Tào Phi rằng, “Đương đồ cao, tựu thị Ngụy; tượng Ngụy thị cung môn ngoại lộ biên cao cao đích thành lâu. Đương đồ nhi cao đích tựu thị Ngụy. Tại lộ biên nhi cao đại đích bất tựu thị Nguỵ yêu.” Có nghĩa là Đương Đồ cao chính là Ngụy; giống như thành lầu cao sừng sững bên đường ngoài cung. Đương đồ mà lại cao chính là Ngụy. Ở ven đường lại cao to há chẳng phải là Ngụy sao.
“Đương đồ cao” có nghĩa là một cái gì đó cao lớn ở bên đường. Theo Từ điển Khang Hy, “tượng Ngụy”, “Khuyết dã” là những tòa thành lầu cao chót vót ở hai bên đường bên ngoài cổng cung. Nói cách khác, Ngụy chính là thành lầu cao sững ở ven đường bên ngoài cổng cung. “Đại Hán giả, Ngụy dã”, quả là danh xứng với thực.
Có người sẽ nghĩ rằng, liệu có phải sớm đã có người nhìn thấu dự ngôn này, cố ý đặt tên nước Ngụy để tương xứng với lời tiên tri? Vậy thì chúng ta hãy bàn luận một chút về nguồn gốc của cái tên Ngụy quốc trong thời Tam Quốc.
Sau trận Quan Độ, trong vài năm Tào Tháo bình định miền Bắc, sau đó chuyển đại bản doanh từ Hứa Xương đến Nghiệp Thành. Nghiệp Thành là đô thị lớn nhất ở phía Bắc sông Hoàng Hà ở Trung Quốc vào thời điểm đó, và Viên Thiệu cũng định đô ở Nghiệp Thành.
Năm 213 sau Công Nguyên, Tào Tháo được phong là Ngụy Công. Tại sao nó được gọi là Ngụy? Bởi vì nơi Nghiệp Thành tọa lạc là Ngụy quận. Đất đai mà Tào Tháo được ban cho là thuộc một số quận, chủ yếu là Ngụy quận, thủ phủ cũng đặt tại Ngụy quận, nên Tào Tháo được phong là Ngụy Quốc công.
Sau đó, Tào Tháo được phong là Ngụy Vương, còn Tào Phi kế thừa chức tước của Ngụy Vương, thành lập nên triều Ngụy. Danh hiệu của triều Ngụy thực ra bắt nguồn từ địa danh Ngụy quận, hoàn toàn không phải do người ta đặt, cũng không có dấu hiệu của sự “cố ý”.
Dự ngôn “Đại Hán giả Đương đồ cao” lưu truyền hơn 300 năm, cuối cùng đến thời Tào Tháo đã ứng nghiệm.
Ai đó sẽ nghĩ, nếu tất cả chúng ta đều biết trước lời tiên tri này, rồi chúng ta cố gắng thay đổi nó… thực ra điều này không hề dễ dàng. Nhiều người đã làm điều này trong lịch sử, chúng ta cùng kể thêm một vài câu chuyện.
“Điểm kiểm tác thiên tử”
Mọi người đều biết Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận. Có một câu chuyện thú vị liên quan đến việc đăng cơ hoàng đế của Triệu Khuông Dận. Theo ghi chép của Lịch sử nhà Tống: Chu Thế Tông Sài Vinh vào năm 959 sau Công nguyên, trên đường đi thảo phạt, khi kiểm tra tấu thư từ các nơi trình lên, thì thấy một tấm bảng gỗ viết “Điểm kiểm tác thiên tử” (Điểm kiểm làm thiên tử). Vừa thấy Sài Vinh đã cảm thấy bất an, ông lập tức nghi ngờ Trương Vĩnh Đức – người giữ chức Điện tiền đô điểm kiểm lúc bấy giờ sẽ soán ngôi.
Điện tiền đô điểm kiểm là Tướng quân của Điện tiền thân quân, là một chức vị quân sự có quyền lực to lớn. Sau đó Sài Vinh bãi bỏ Trương Vĩnh Đức, bãi bỏ người cũ, thì phải đề bạt người mới. Sài Vinh xem xét những người xung quanh, nhất định phải tìm một người có năng lực, còn trẻ, mấu chốt là không có căn cơ thâm sâu, suy đi tính lại thì tìm được một người, người này tên là Triệu Khuông Dận.
Vì vậy Triệu Khuông Dận được bổ nhiệm làm Điện tiền đô điểm kiểm. Năm đó Sài Vinh chết vì bệnh, sáu tháng sau Triệu Khuông Dận đã khoác lên mình chiếc áo hoàng bào, chẳng tốn binh đao máu đổ trở thành Tống Thái Tổ. Sài Vinh nghĩ rằng con người có thể thay đổi vận mệnh, nào ngờ những việc làm của mình đã chấm dứt vận mệnh vương triều Chu, khiến câu “Điểm kiểm tác thiên tử” được ứng nghiệm.
“Đặng Thông cuối cùng sẽ chết đói vì nghèo”
Hán Văn Đế có một quần thần rất được sủng ái tên là Đặng Thông, Hán Văn Đế rất thích Đặng Thông và ban cho ông ta vô số tiền bạc. Một lần Hán Văn Đế nhờ một thầy xem tướng bói cho Đặng Thông, thầy bói nói: “Đặng Thông sẽ chết đói vì nghèo.” Hán Văn Đế nghe xong rất buồn, ta thân là hoàng đế của một nước, lẽ nào không thay đổi được phú quý của một người sao, ta sao có thể để Đặng Thông chết đói? Được rồi, ta ban cho Đặng Thông một núi đồng ở Thục quốc, để hắn tự đúc tiền, vậy chẳng phải là xong sao.
Tất cả chúng ta đều biết rằng, trước kia tiền đúc từ vàng, bạc và đồng, giao cả núi đồng cho Đặng Thông tương đương với việc trao quyền phát hành tiền tệ cho một người, có thể in bao nhiêu tiền tùy thích. Quả nhiên, như sơ nguyện của Hán Văn Đế, Đặng Thông giàu nhất thiên hạ.
Nhưng vận mệnh của con người ngay cả hoàng đế cũng không thể thay đổi được. Khi Hán Văn Đế qua đời, kế vị là con trai của ông – Hán Cảnh Đế, từ khi là thái tử, Hán Cảnh Đế đã vô cùng căm ghét Đặng Thông. Việc đầu tiên ông làm sau khi lên ngôi là bãi bỏ chức quan của Đặng Thông. Sau đó ông tịch thu toàn bộ tài sản của Đặng Thông để sung công với tội khai thác quá cảnh, cuối cùng Đặng Thông rơi vào cảnh bần hàn và chết đói trên đường.
“Có thể không kịp ăn vụ lúa mạch mới của năm nay”
Vào thời Xuân Thu nhà Đông Chu, có một nước lớn tên là Tấn quốc ở Sơn Tây, theo ghi chép trong “Tả truyện”, Tấn Cảnh công bị ốm nặng, ông nằm mơ thấy mình bị tà ma đuổi theo, nên đã nhờ Tang Điền Vu xem bói cho mình. Tang Điền Vu nói với Tấn Cảnh Công, người có thể không được ăn vụ lúa mạch mới của năm nay. Tấn Cảnh Công đã mời một danh y của Tần quốc đến khám cho mình, sau khi khám bệnh, vị danh y nói rằng bệnh đã ăn sâu vào “Hoang chi thượng, cao chi hạ”, vô phương cứu chữa. Đây chính là điển cố của thành ngữ “Bệnh nhập cao hoang” (Chỗ dưới tim trên hoành cách mô gọi là hoang).
Sau đó, khi vụ lúa mạch mới được thu hoạch vào mùa thu, Tấn Cảnh Công lệnh cho người nấu cháo, và sau đó gọi Tang Điền Vu đến, ám chỉ rằng chẳng phải ta chuẩn bị ăn lúa mạch mới đây sao, sau đó giết chết Tang Điền Vu. Khi Tấn Cảnh Công chuẩn bị ăn lúa mạch mới, thì đột nhiên cảm thấy đau bụng, vội chạy vào nhà vệ sinh, chưa ăn nổi một thìa cháo. Kết quả là sau khi đi vệ sinh một lúc lâu vẫn không thấy ra ngoài. Người hầu vào nhà vệ sinh tìm Tấn Cảnh Công và phát hiện ra ông đã rơi xuống một cái thùng và chết đuối, quả đúng là ông không kịp ăn vụ lúa mạch mới năm nay.
“Trump là người được Chúa lựa chọn”?
Những lời tiên tri của người Trung Quốc có lịch sử lâu đời và phương Tây cũng có những lời tiên tri tương tự, Nostradamus đã tiên đoán nhiều sự kiện lớn lao, bao gồm cả Hitler, Napoleon, Thế chiến thứ hai. Và gần đây có một lời tiên tri được lưu truyền rộng rãi, đó là về Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhiều bạn bè người Mỹ theo đạo Cơ đốc của tôi đều cho rằng, Trump là người mà chúa trời đã lựa chọn. Tại sao lại nói như vậy?
Đây là hai lần mà Trump được nhắc đến trong các bức thư của Phao-lô, lần một là Cô-rinh-tô Chương 15 câu 52 và lần 2 là Tê-sa-lô-ni-ca Chương 4 câu 16:
“In a moment, in the twinkling of an eye, at the last trump: for the trumpet shall sound, and the dead shall be raised incorruptible, and we shall be changed. (1Cor 15:52)”
“For the Lord himself shall descend from heaven with a shout, with the voice of the archangel, and with the trump of God: and the dead in Christ shall rise first: (1Th 4:16)”
Hai đoạn kinh văn này đều cùng nói về một chuyện: trước khi mạt thế đại tai nạn đến, Chúa Giê-su sẽ đưa giáo hội của ngài trở lại thiên đàng để tụ hội với ngài, và những tín đồ Cơ đốc đã chết vì đạo trong hai ngàn năm qua sẽ được sống lại trước, thân thể bất tử vinh hiển, những tín đồ Cơ Đốc vẫn còn sống trên đời vào lúc đó sẽ được bay lên không trung để gặp Chúa, thân thể họ trong chốc lát sẽ biến đổi từ thân thể bằng xương bằng thịt thành thân thể vinh hiển và bất tử. Từ đó trở đi, Đấng Christ và giáo hội của ngài sẽ không bao giờ tách rời! Và những tín đồ Cơ đốc chỉ khi nghe tiếng kèn (Trump) cuối cùng mới biết rằng thời khắc đã đến!
Nói cách khác, trong mắt những tín đồ Cơ Đốc, Trump được coi là xuất hiện trong khoảnh khắc cuối cùng với ý chỉ của Đức Chúa Trời. Điều này có thể giải thích tại sao Trump lại rất được lòng những người theo đạo Cơ Đốc ở Mỹ. Nhiều hành động của Trump cũng gián tiếp xác nhận phán đoán của một số người.
https://tinhhoa.net/