Tin tức Đa Chiều
Cuộc Sống

8 cách giúp tâm trí an định giữa đại dịch viêm phổi Vũ Hán

Trong cuốn sách “Influenza Pandemics” (Các đại dịch cúm) năm 2011, tác giả Lizabeth Hardman đã viết: “Một dịch bệnh làm xói mòn sự gắn kết xã hội bởi nguồn nguy hiểm của bạn chính là đồng loại của bạn… nếu một dịch bệnh xảy ra đủ lâu… đạo đức sẽ bắt đầu tan vỡ”. Trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), liệu điều này có xảy ra hay không? Làm sao để chúng ta có thể giữ được sự bình tĩnh, giảm bớt những lo lắng trước nhiều thách thức về kinh tế, xã hội và đời sống?

Cuốn sách “Các đại dịch cúm” của tác giả Lizabeth Hardman ghi lại các trận đại dịch cúm trong lịch sử nhân loại: từ đại dịch cúm năm 412 trước Công Nguyên ở Hy Lạp tới đại dịch cúm H1N1 năm 2009. Từ những đại dịch cúm trong lịch sử thế giới, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những thách thức trong ngắn hạn và dài hạn ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội trong phạm vi quốc gia và toàn cầu.

Theo các nghiên cứu, đại dịch càng kéo dài sẽ khiến đời sống kinh tế – xã hội càng có thêm nhiều gánh nặng và căng thẳng. Vậy làm cách nào để có thể duy trì cân bằng cuộc sống tốt nhất và giảm thiểu những tổn hại mà đại dịch gây ra?

Dưới đây là 8 cách giúp cân bằng tinh thần, giữ tâm an định giữa “cơn bão” đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

1. Hiểu rõ những thách thức trước đại nạn giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn

Một trong những thách thức lớn đối với mỗi quốc gia và toàn cầu là vấn đề y tế cộng đồng. Số lượng người nhiễm bệnh và tử vong tăng lên theo cấp số nhân ở từng khu vực gây nên những căng thẳng trong việc đáp ứng các nhu cầu khám chữa bệnh, tăng cường đội ngũ bác sĩ, y tá và các dịch vụ y tế khác. Đồng thời, tình trạng này cũng dẫn tới việc thiếu hụt các dược phẩm và trang thiết bị y tế liên quan.

Một thách thức khác khi dịch bệnh kéo dài trên toàn cầu là vấn đề an ninh lương thực. Một đại dịch sẽ khiến các kệ hàng tạp hoá trống rỗng. Rất nhiều cộng đồng (đặc biệt là các trung tâm đô thị) phụ thuộc vào các siêu thị. Việc cách ly hàng ngàn người và hạn chế giao thông để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh khiến lực lượng sản xuất lương thực bị giảm sút và chuỗi vận tải cung ứng hàng hoá bị gián đoạn. Không chỉ trong nước, việc xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng bị ảnh hưởng. Nhiều nguồn cung cấp sản phẩm từ nước ngoài bị ngưng trệ vô thời hạn.

Kệ hàng siêu thị trống rỗng.

Trong đại dịch cúm, một vài nhóm dân cư sẽ dễ bị tổn thương hơn những người khác. Nhiều mặt hàng tăng giá sẽ khiến những người công nhân hay những người có thu nhập thấp khó tiếp cận hơn. Trong khi đó, khi sức mua giảm sút trầm trọng và nguồn cung ứng nguyên liệu bị ngưng trệ, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản hoặc tạm dừng hoạt động trong dài hạn. Điều này sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nhiều công nhân bị mất nguồn thu nhập ảnh hưởng đến tổng thu nhập của cả gia đình.

Vì vậy, một kế hoạch cân đối lại về nguồn thu nhập, các chi phí cho sinh hoạt hàng ngày, chi phí cho giáo dục, y tế, đầu tư… được chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp mỗi cá nhân và gia đình ứng phó chủ động hơn khi dịch bệnh kéo dài.

2. Làm chủ suy nghĩ và thay đổi cảm xúc

Tiến sĩ – nhà tâm lý học David Hawkins (Hoa Kỳ) đã chứng minh được rằng suy nghĩ của chúng ta tạo nên cảm xúc và mỗi cảm xúc có một mức năng lượng nhất định. Các kết quả nghiên cứu này được trình bày trong cuốn sách nổi tiếng của ông mang tên “Power vs Force”.

Theo nghiên cứu, những suy nghĩ tiêu cực tạo nên các cảm xúc như: lo lắng, tức giận, uất hận, tuyệt vọng, hận thù có mức năng lượng thấp, sẽ khiến các tế bào cơ thể trở nên yếu đi. Ngược lại, những suy nghĩ và cảm xúc tích cực như: vui mừng, yêu thương, điềm tĩnh, lạc quan, tha thứ có thể khiến các tế bào trở nên mạnh khoẻ hơn. Các mức năng lượng này còn gọi là tần số rung động. Tần số rung động của con người được đo theo thang từ 1 – 1000, tần số rung động thấp hơn 200 sẽ dễ mắc bệnh.

những suy nghĩ và cảm xúc tích cực như: vui mừng, yêu thương, điềm tĩnh, lạc quan, tha thứ có thể khiến các tế bào trở nên mạnh khoẻ hơn.

Tiến sĩ David Hawkins cho biết những người hay lo âu, oán giận, chỉ trích, đố kỵ, trách móc, ích kỷ, hận thù, đòi hỏi người khác có tần số rung động rất thấp. Những suy nghĩ có tần số rung động trên 200 gồm có: quan tâm đến người khác, giàu lòng từ bi, nhân ái, bao dung… Đây đều là những đức tính có tần số rung động rất cao, ở mức 400-500.

Bị ảnh hưởng bởi trường năng lượng này, khi người có năng lượng cao xuất hiện, họ sẽ làm cho vạn vật trở nên tốt đẹp hơn. Còn những người có suy nghĩ tiêu cực, không chỉ làm tổn hại chính họ mà còn làm cho từ trường xung quanh cũng bị xấu đi. Bởi vậy, khi nhiều người trong cộng đồng cùng có những suy nghĩ lạc quan, cảm xúc tích cực, môi trường xung quanh họ sẽ trở nên bình yên, vui tươi và hạnh phúc hơn.

Vì vậy, bạn hãy thử nghiệm một thói quen mới: suy nghĩ về những điều tích cực, lạc quan trong 15 phút mỗi ngày. Chỉ sau 2 tuần, bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt cả về sức khoẻ và tinh thần.

3. Càng trong hoàn cảnh rối ren, càng cần tĩnh lặng – không gây loạn 

Tĩnh lặng không có nghĩa là hoàn toàn im lặng. Việc giữ một tâm thái điềm tĩnh theo dõi những diễn biến trong đại dịch và có cách thích nghi, xử lý thận trọng không chỉ có tác dụng trấn an bản thân và gia đình mà còn giúp cộng đồng không bị rối loạn.

Ví dụ như: tâm thái lo lắng và sợ hãi ở mỗi cá nhân sẽ có các mức độ khác nhau, nhưng việc chủ động khắc chế trạng thái tâm lý này bằng những suy nghĩ tích cực mỗi ngày sẽ giúp bản thân dần loại bỏ đi sự lo lắng, trấn an tinh thần.

Đọc sách có thể giúp tĩnh lặng.
Còn nhớ, trong thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản, sự tĩnh lặng và trật tự của người dân Nhật Bản khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính phục. Ở đất nước “mặt trời mọc”, người dân được học và diễn tập ứng phó với thảm họa thiên tai từ nhỏ. Nhưng không chỉ có vậy, một trong những lý do tạo nên sự điềm tĩnh kỳ lạ của người Nhật chính là 4 bài học hành động im lặng (gọi là Yonmoku) được dạy khi còn nhỏ.

Bốn bài học hành động im lặng bao gồm: đọc sách buổi sáng trong im lặng; dọn vệ sinh lớp học trong im lặng; suy nghĩ trong im lặng và di chuyển trong im lặng. Đây cũng là nội dung quan trọng trong môn học đạo đức của người Nhật. Qua các bài học này, trẻ em Nhật Bản không chỉ học được cách giữ im lặng ở nơi công cộng mà còn học được cách tĩnh lặng nhìn nhận lại bản thân và suy nghĩ cho người khác… Hơn thế nữa, sự điềm tĩnh còn có thể giúp cơ thể tiết kiệm năng lượng hoạt động, không làm náo loạn không gian, giúp cá nhân có thể tập trung vào những gì cần làm.

4. Khi nỗi sợ hãi bao trùm, hãy để âm nhạc “lên tiếng”

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng âm nhạc có khả năng hỗ trợ chữa bệnh, làm dịu tinh thần. Trong các ca phẫu thuật, âm nhạc giúp giảm thiểu cảm giác đau đớn cho bệnh nhân, đồng thời giúp bệnh nhân bớt lo âu, sợ hãi trước và sau mổ. Khi cơ thể mệt mỏi, những giai điệu âm nhạc tươi vui có thể mang đến sự khích lệ, giúp giảm đi những phiền muộn.

Vì sao âm nhạc có khả năng như vậy? Lý do có thể sẽ khiến bạn bất ngờ. Kỳ thực, người Trung Hoa cổ xưa đã biết rằng âm nhạc có khả năng trị bệnh. Những ai đã từng học chữ Hán (phồn thể) đều có cảm nhận rằng đằng sau mỗi ký tự đều có nội hàm to lớn. Khác với các ngôn ngữ khác trên thế giới, loại chữ hình tượng Hán tự Trung Hoa không phải chỉ là các nét ngang dọc ghép lại mà còn là cả một kho tàng kiến thức về lịch sử, thiên văn, vũ trụ, địa lý, vật lý, sinh mệnh…

Chữ “Dược” và chữ “Nhạc” trong Hán tự thực tế đã tiết lộ cho chúng ta rằng: chức năng nguyên thuỷ của âm nhạc là để trị bệnh. Trong Hán tự, chữ “Dược” (藥) được ghép bởi chữ “Nhạc” (樂) ở bên dưới và bộ “Thảo” (艹) (tức là cỏ cây) ở phía trên. Điều này có nghĩa là khi tìm kiếm dược phương (thuốc chữa bệnh), người ta có thể tìm thấy từ âm nhạc. Về sau, khi phát hiện ra một số loại thảo mộc nhất định cũng có thể trị bệnh nên chữ “Dược” đã được ghép từ bộ “Thảo” và chữ “Nhạc” như vậy.

Tuy nhiên, theo thời gian, chức năng nguyên thuỷ chữa bệnh của âm nhạc dần dần bị quên lãng và bị che lấp bởi sự phát triển phóng túng với mục đích giải trí, tiêu khiển, có thể kích thích tạo nên những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực.

Kỳ thực, âm nhạc hoà hợp, mang năng lượng tích cực sẽ tiếp thêm năng lượng cho người nghe, từ đó cải thiện các trạng thái cảm xúc và tinh thần như: giảm bớt lo lắng, xua tan đi bực dọc, tức giận hay oán thán, quên đi những phiền muộn, khiến tâm thái trở nên điềm tĩnh, khoan dung và nhân hậu hơn. Vì vậy, không chỉ trong đại dịch Covid-19, việc lắng nghe thường xuyên âm nhạc thuần khiết sẽ giúp hàn gắn những tổn thương trong cả tinh thần, tâm trí và thân thể.

5. Sức mạnh của thiện ngôn là năng lượng tuyệt vời khó có thể tưởng tượng được

Giữa năm 2018, hãng sản xuất đồ nội thất nổi tiếng của Thụy Điển là IKEA đã thực hiện một thí nghiệm mang tính cộng đồng cho thấy những tác hại của những lời miệt thị, cay độc.

Thí nghiệm được thực hiện với hai cây thiết mộc lan khỏe mạnh, có cùng môi trường chăm sóc như nhau về ánh sáng, nước tưới…  Điều khác biệt giữa hai cây là trong vòng 30 ngày, một trong hai cây sẽ được các học sinh tại một trường trung học nói những lời khen ngợi, động viên; cây còn lại sẽ nhận được những lời hận thù, chế giễu.

Kết quả thí nghiệm sau 30 ngày là gì? Bạn có biết cây thiết mộc lan được nhận những lời khen tặng, yêu thương hàng ngày phát triển mạnh mẽ, lá xanh tươi. Trong khi đó, cây nhận được những lời chỉ trích và tiêu cực mang dáng vẻ u buồn với những chiếc lá chuyển sang màu vàng, ủ rũ.

Thí nghiệm này của IKEA gợi lên nhiều suy ngẫm. Nếu như thay hai cây thiết mộc lan trong thí nghiệm bằng mỗi cá nhân trong cộng đồng, chắc hẳn không ai sẽ muốn mình trở thành cây thiết mộc lan bị héo úa. Giống như cây thiết mộc lan, hàng ngàn những lời nói cay độc cùng thái độ kỳ thị sẽ dần làm cả cộng đồng trở nên xơ xác. Vì vậy, hãy gửi đi những lời động viên, cảm ơn và chia sẻ cùng nhau mỗi ngày, chúng ta sẽ có cả một cộng đồng “thiết mộc lan” xanh tốt và khoẻ mạnh.

6. Tiết kiệm hơn và sẵn sàng sẻ chia những gì bạn có thể cho những ai đang cần

Chúng ta đều không biết đại nạn này sẽ kéo dài trong bao lâu và kịch bản tồi tệ nhất cho thảm hoạ này như thế nào. Vậy nên một chút thay đổi trong thói quen sinh hoạt hàng ngày như tiết kiệm điện, nước cùng các chi phí khác… sẽ giúp tăng cường hơn khả năng chịu đựng và ứng phó trong đại nạn.

Trong khi khẩu trang y tế trở thành mặt hàng khan hiếm, hãy ưu tiên cho những người đã nhiễm virus, những người trong khu vực cách ly hay để dành cho những bác sĩ, y tá, nhân viên y tế ở tuyến đầu đang chống chọi với đại dịch. Bạn có thể sử dụng khẩu trang vải với nguồn gốc rõ ràng, ghi rõ nguyên liệu và cần có khả năng kháng bụi, kháng khuẩn. Khẩu trang vải tái sử dụng này cần được giặt thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn và phơi khô dưới nắng.

Khẩu trang vải tái sử dụng này cần được giặt thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn và phơi khô dưới nắng.
Để giảm bớt những căng thẳng về an ninh lương thực, mặc dù các chuyên gia khuyến cáo sự tích luỹ lương thực, thực phẩm khi tình hình bệnh dịch lan rộng là việc cần thiết nhưng việc cân nhắc số lượng hàng hoá tích trữ trong mỗi gia đình cũng rất quan trọng. Thay vì tích luỹ các đồ dùng và nhu yếu phẩm cho nhiều tháng, mỗi gia đình cần bình tĩnh tính toán và nên chọn mua hàng hoá đủ dùng trong khoảng 1 – 2 tuần. Điều này không chỉ giúp giảm tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm đột ngột mà còn giúp các nhà sản xuất, nhà phân phối, các cửa hàng và siêu thị có kế hoạch cung ứng hài hoà.

Bạn có thể trồng rau tại nhà ở vườn hoặc trong các hộp xốp (nếu ở chung cư) để có thêm rau xanh trong trường hợp bệnh dịch kéo dài, các khu vực cách ly mở rộng và hạn chế đi lại. Không những thế, bạn cũng có thể chia sẻ rau trồng này với những người hàng xóm của mình. Đây cũng là một cách giảm stress, lo âu hiệu quả.

7. Luyện tập khí công dưỡng sinh

Trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại nhiều nơi ở Trung Quốc, ngày 25/2/2020, Tổng cục Thể thao Quốc gia Trung Quốc đã khuyến khích người dân tập luyện khí công dưỡng sinh ở nhà để tăng cường sức đề kháng của cơ thể trong đại dịch.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra những lợi ích của khí công đối với sức khoẻ và tinh thần.

Luyện tập khí công dưỡng sinh

Năm 1998, Giáo sư Lu Yanfang và hàng chục nhà khoa học Mỹ đã triển khai nghiên cứu đối với các khí công sư ở Trung Quốc. Trong báo cáo nghiên cứu, Giáo sư Lu đã phát hiện cơ thể của khí công sư có thể phát ra sóng hạ âm cường đại, mạnh gấp 100 đến 1.000 lần người bình thường.

Khi tự luyện khí công, có thể thông qua nhập tĩnh, ý thủ, điều tức, động tác mà người tập có thể tăng cường năng lượng của các phân tử nào đó trên kinh lạc huyệt vị (vốn ban đầu có các vật chất độc hại), từ đó làm hồi phục sự vận động bình thường của kinh lạc. Nhờ đó, thân thể sẽ trở nên cường tráng, phòng bệnh trị bệnh tốt hơn và kéo dài tuổi thọ.

Việc tăng cường sức đề kháng của cơ thể trong thời gian lâu dài là điều cần thiết. Trong tình huống hạn chế đến những nơi đông người, bạn có thể tập luyện các bài tập khí công tại nhà giúp tăng cường sức khỏe và tinh thần.

8. Thiền định mỗi ngày

Theo các nghiên cứu khoa học, nếu bạn là người hay suy nghĩ, lo âu và phiền muộn thì thiền định có thể giúp bạn có một tâm trí an hòa và thân thể khỏe mạnh. Các cuộc thử nghiệm khoa học cho thấy nếu bạn thiền định chừng một tiếng đồng hồ trong vòng 8 tuần, bạn sẽ có một hệ thống miễn dịch mạnh và “sở hữu” một bộ não phát sinh nhiều ý niệm tốt.

Những năm 1990, nhà thần kinh học người Mỹ Richard Davidson dẫn đầu nhóm các nhà nghiên cứu của trường ĐH Wisconsin (Mỹ) đã tới Tây Tạng và thực hiện hàng loạt các cuộc thử nghiệm đối với các thầy tu – những người đã dành cả đời để Thiền tịnh.

Trong hàng loạt các thí nghiệm, sau khi gắn 256 cảm biến lên não của thầy tu Matthieu Ricard trong khi ông ngồi thiền, các nhà nghiên cứu nhận thấy não bộ của ông phát ra mức sóng gamma cao chưa từng thấy trong ngành khoa học Thần kinh mà họ từng biết. Đây là loại sóng có liên quan tới sự tỉnh táo, tập trung, học tập cũng như trí nhớ.

Thầy tu Matthieu Ricard (Ảnh: Wikimedia Commons)
Cùng với đó, việc quét MRI (cộng hưởng từ) cũng cho thấy não bộ của vị tu sĩ này có những cảm xúc tích cực cực kỳ cao và những cảm xúc tiêu cực không đáng kể. Các máy nội soi não bộ cho thấy rằng việc thiền định đã làm thay đổi chất xám của não, củng cố các khu vực tập trung trí óc, nuôi dưỡng lòng thiện lương, vị tha, đồng thời làm trầm tĩnh những vùng có liên hệ với sự sợ hãi hay tức giận.

Bởi vậy, thầy tu Matthieu Ricard được mệnh danh là “Người hạnh phúc nhất trên thế giới”. Ông chia sẻ: “Đó là một hiệu ứng tự nhiên. Bạn cởi mở và tử tế với những người khác, và ngay cả không chú tâm, bạn sẽ thấy mình hạnh phúc”. Nói cách khác, vị tu sĩ coi lòng vị tha là “liều thuốc thần” cho một nội tâm an bình và một cuộc sống hạnh phúc.

Hy vọng rằng dù đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) có kéo dài trong bao lâu đi nữa, mỗi người trong chúng ta đều có thể giữ được tâm trí an định, mở rộng sự sẻ chia, gửi đi thật nhiều những thông điệp động viên và yêu thương để lan tỏa nguồn năng lượng thuần chính. Đạo đức thiện lương không bị xói mòn sẽ giúp chúng ta vượt qua đại nạn.

https://tinhhoa.net/

Related posts

Chàng trai 18 tuổi công khai yêu bạn gái U60, phản ứng của bố mẹ nam thanh niên gây choáng

Tin Tức Đa Chiều

Không còn tin vào chính quyền, không còn gì để sống’ khiến dân tháo chạy khỏi Sài Gòn

Science

Chính trị gia xông vào tát nhau trên sóng truyền hình

Leave a Comment