Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

Cuốc xích lô ngắn giá gần 3 triệu: Người Nhật xin lỗi, người Việt tỉnh ngộ?

Người Nhật luôn khiến thế giới nể phục với văn hóa xin lỗi trong tình huống họ không làm gì sai. Nhưng cho đến khi du khách Nhật Bản liên tục xin lỗi vì không hỏi giá trước, khiến người đạp xích lô Sài thành nổi lòng tham mà “lạm thu” gần 3 triệu đồng, dân ta chợt ngỡ ngàng: Không nhất thiết phải đắc tội mới nói lời xin lỗi. Cụ ông người Nhật muốn nhận trách nhiệm vì đã tạo cơ hội cho người khác làm việc xấu và tự hại mình, đó là một cấp độ cao hơn của sự tử tế.

Đây là lần thứ 5 ông Oki Toshiyuki (83 tuổi) sang Việt Nam kể từ khi cậu con trai út của ông lập gia đình và chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai để định cư. Hôm trước, khi đang đi dạo quanh trung tâm quận 1, ông được một người đạp xích lô đẩy xe theo mời đi. Tới gần chợ Bến Thành, ông Toshiyuki đồng ý thuê người đàn ông này chở về khách sạn trên đường Tôn Đức Thắng.

Sau chặng đường khoảng 1km với hơn 5 phút di chuyển, ông Toshiyuki đã cảm kích ý tốt của người đạp xích lô và trả anh 500.000 đồng. Tuy nhiên, chủ xe chỉ thả ông gần khách sạn và đòi thêm tiền. Trong lúc cụ ông người Nhật đang lóng ngóng lấy thêm tiền, anh xích lô đã thò tay vào ví của ông, lấy hết 5 tờ 500.000 và 2 tờ 200.000, rồi bỏ đi.

Ông Toshiyuki là người bị hại, nhưng khi được hỏi về vụ việc, ông đã liên tục nói: “Lỗi là tại tôi đã không hỏi giá trước khi lên xe”.

Sai là việc của người, xin lỗi là việc của ta

Đó là một nét văn hóa rất đặc trưng của người Nhật: họ không chỉ xin lỗi vì mình đã sai, họ xin lỗi vì đã không thể làm tốt hơn, xin lỗi vì đã khiến người khác kỳ vọng vào mình, xin lỗi vì đã khiến người khác phải bận tâm đến mình, xin lỗi vì đã để người khác làm việc sai trái… xin lỗi vì đủ mọi thứ.

Nữ diễn viên Nhật Bản Reiko Takashima đã từng tổ chức họp báo để xin lỗi vì chồng cô, Noboru Takachi bị bắt vì tội tàng trữ ma túy. Cô cảm thấy mình đã không làm tròn trách nhiệm của một người vợ.

Có một nữ phóng viên ảnh quốc tế đã kể lại câu chuyện khiến cô ngỡ ngàng khi còn sinh sống tại Nhật Bản. Trong một lần bị lạc và buộc phải tìm nhà ga tàu điện, không có bản đồ và không biết tiếng Nhật, cô đã nhờ một phụ nữ địa phương giúp đỡ. Như phần lớn người Nhật khác, bà đã giúp nữ phóng viên nhiệt tình, nhưng lại không biết tiếng Anh. Bà đã nói một câu gì đó trong đó có từ “Sumimasen”, nghĩa là xin lỗi.

Sau này, nữ phóng viên mới hiểu ra, người phụ nữ Nhật xin lỗi vì bà ấy không biết tiếng Anh, đã khiến cô phải vất vả để hiểu được bà. Bà ấy cũng có việc bận nên không thể trực tiếp đưa nữ phóng viên về tận khách sạn và cũng xin lỗi vì điều đó.

Một câu chuyện được biết đến rộng rãi hơn là của hãng Sony. Năm 2011, Sony đã phải xin lỗi vì cửa hàng online PSN bị hack, ảnh hưởng đến việc truy cập của khách hàng. Theo suy nghĩ thông thường, đây không phải lỗi của Sony, thế nhưng với cách nghĩ luôn tìm ra khuyết điểm của bản thân trước để hoàn thiện mình, người Nhật cho rằng một doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì phải dự đoán và có biện pháp kiểm soát, khắc phục được mọi rủi ro có thể xảy ra. Lỗi của Sony là đã không thể kiểm soát được khả năng bị hack của cửa hàng online.

Những lời xin lỗi trong các câu chuyện trên mang đậm nét văn hóa hàm dưỡng của người Nhật, đó là sự hối hận không xuất phát từ làm việc sai trái gây tổn hại trực tiếp cho người khác, mà vì sự thiếu hoàn thiện của bản thân. Trong tâm thức người Nhật, họ cho rằng đó là cơ hội để sửa chữa và đề cao đạo đức, nhân cách của mình. Hơn nữa, vì sự thiếu chu toàn của mình mà người khác có cơ hội làm việc xấu, góp phần dẫn tới suy thoái đạo đức của họ và xã hội, thì nên nhận lỗi.

Đó là một cấp độ cao hơn của sự tử tế: không chỉ sống tốt, làm tốt việc của bản thân, không xâm phạm tới người khác, mà còn có trách nhiệm duy trì đạo đức xã hội. Đó không phải là việc bao đồng, không xuất phát từ trách nhiệm cao hơn của người có địa vị – danh tiếng, hay việc của riêng các cơ quan chức năng. Bảo vệ đạo đức xã hội là việc của mỗi người, là việc ai cũng có thể làm được bằng cách ngăn chặn sớm những điều sai trái.

Như Napoleon Bonaparte từng nói: “Thế giới phải chịu tổn thất rất lớn, không phải vì sự tàn ác của kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”.

Lên án việc làm sai trái là điều đương nhiên, nhưng ngăn chặn chúng sớm hơn bằng cách tự hoàn thiện mình và luôn nghĩ cho người khác mới thật sự  là công phu hàm dưỡng. Bởi đó là khi ta quên đi được cái tôi, vì trách nhiệm với người mà không ngại nhận lỗi, không ngại sửa sai và không ngại mất mặt. Dũng khí là buông bỏ được tự ngã, biết khiêm nhường, cung kính ở thế thấp mà hướng lên trên, tự hoàn thiện thành người tử tế hơn nữa.

Sai lầm của thiên hạ nhiều khi ta chẳng thể quản hết, nhưng nhận lỗi và ngăn chặn sớm hành vi xấu diễn ra trong “tầm mắt” của mình là điều nên làm. Cũng giống như câu chuyện về vị thiền sư cứu con rắn khi biết nó sẽ cắn mình: cắn người là thiên tính tự vệ của rắn, nhưng thiện lương là việc của người tu hành.

Xã hội tử tế sẽ sinh ra những người muốn làm việc tốt

Khi sống trong một cộng đồng luôn nghĩ cho người khác như xã hội Nhật Bản, bạn sẽ “thèm” được làm người tử tế. “Vì bạn được nhận, được giúp quá nhiều” – tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh trong cuốn sách “Đến Nhật Bản học về cuộc đời” đã viết như vậy. Câu chuyện được nữ tác giả kể lại như sau.

Một hôm, trong nhà ga, cô nhìn thấy một em nhỏ khoảng 3 tuổi được mẹ dắt đi và bé làm rơi chiếc thẻ lên tàu của mình. Đang xếp hàng lên thang cuốn nhưng Linh vẫn bỏ hàng, nhặt thẻ, chạy theo em bé để trả lại. “Khi tôi làm rơi găng tay, rơi mũ… luôn có những người nhìn thấy, nhặt lên và chạy theo để trả. Tử tế sẽ nhận được lòng tốt, nhận được lòng tốt rồi thì tiếp tục trả lại bằng sự tử tế, thiện niệm cứ thế tiếp nối nhau…”

Khi chính bản thân chúng ta luôn nỗ lực làm người tốt hơn nữa, luôn thấy thiếu sót của mình, luôn có trách nhiệm với người khác và nghĩ tới người khác trước khi nghĩ tới bản thân, thì chúng ta sẽ tạo ra một môi trường mà ở đó ai cũng muốn làm người tốt.

Hôm nay, thay vì trách móc chồng buông lời nặng nề trước bữa cơm mình đã kỳ công nấu nướng, bạn hãy thử nghĩ xem có phải mình vừa nhờ anh ấy đi đón con với giọng hơi xẵng? Khi bị xe khác đâm phía sau, thay vì tức giận lớn tiếng, hãy thử nghĩ xem liệu có phải vì mình phanh quá gấp? Thay vì nói xấu cảnh sát giao thông về nạn “mãi lộ”, hãy thử nhớ lại có lúc chính bạn cũng đã dúi tiền cho họ để được đi ngay…

Chúng ta có lỗi, đó là cách nghĩ khiêm tốn để luôn trong tư thế sẵn sàng sửa chữa lỗi lầm và hành động trách nhiệm. Việc gì xảy ra xung quanh ta cũng là vì nó cần phải xảy ra, để ta hoàn thiện mình, để ta đáp lại những gì đã nhận được từ lòng tốt của người khác, và để ta trả lại những gì mình đã nợ khi làm điều sai trước đó…

https://www.dkn.tv/

Related posts

West Point đuổi học nhiều học viên trong vụ bê bối gian lận nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua

Tin Tức Đa Chiều

Cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chính thức bị kỷ luật, cách chức toàn bộ

Tin Tức Đa Chiều

CSVN quá lúng túng… “đóng cửa đi ăn mày”, mất cả người lẫn của —

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment