Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn

Sóng Thần, bức ảnh Giáng Sinh cách đây nửa thế kỷ và câu hỏi chúng ta nhỏ bé thế nào

Cơn sóng Thần ở Indonesia vào một ngày trước Giáng Sinh 2018 và thảm họa Ấn Độ Dương một ngày sau Giáng Sinh 2004 sẽ mãi là nỗi đau với những người ở lại. Đây cũng là cơ hội để chúng ta cùng suy nghĩ về sự vô thường của thế nhân.

Thiên tai xảy ra hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng những con sóng khổng lồ cướp đi sinh mạng của hàng trăm, hàng nghìn người vào đúng dịp lễ Giáng Sinh sẽ khiến nhiều người, vốn luôn hoài nghi, thêm khẳng định rằng lời cầu nguyện của con người là vô ích, và rằng chẳng có Chúa nhân từ nào cứu rỗi chúng ta. Đó là cách lý giải mang đầy tâm phán xét và có phần hả hê. Nhưng niềm tin đâu phải chỉ để được đền đáp và cầu xin điều tốt cho bản thân. Niềm tin vào sinh mệnh siêu việt hơn con người ở trên cao kia, đơn giản chính là thể hiện sự khiêm nhường và biết rằng chúng ta quá nhỏ bé trong vũ trụ này.

Quà Giáng Sinh cho loài người từ 50 năm trước: “Trái đất đang mọc lên”

Đúng vào mùa Giáng Sinh cách đây nửa thế kỷ, con người đã có được một góc nhìn hoàn toàn mới lạ và ngỡ ngàng về nơi mình đang sống. Ngày 24/12/1968, phi hành gia Bill Anders đã chụp một bức hình mang tính biểu tượng nhất trong 50 năm qua từ cửa sổ con tàu Apollo 8: “Trái đất mọc” (Earthrise). Đã bao đời nay, chúng ta chỉ quen với khái niệm “Mặt trời mọc”, nhưng ở một góc nhìn khác, khi Trái đất đang lên cao khoảng 5 độ so với đường chân trời của Mặt trăng, đó là lúc con người nhận ra ngôi nhà của mình cũng chỉ là một hành tinh nhỏ bé trong hệ Mặt trời, là hạt bụi trong dải ngân hà, và thậm chí không là gì cả trong vũ trụ rộng lớn.

Khi nhà triết học người Áo Ludwig Wittgenstein hỏi bạn của mình rằng: “Tại sao người ta luôn thấy rất tự nhiên khi cho rằng Mặt trời quay xung quanh Trái đất chứ không phải ngược lại?”

Người bạn của ông đã trả lời: “Thì tất nhiên rồi, vì ta nhìn thấy Mặt trời như thể đang quay quanh Trái đất”.

Wittgenstein lại hỏi: “Vậy nó phải như thế nào thì chúng ta mới nhìn thấy Trái đất như thế đang quay quanh Mặt trời?”.

Đó là cách nhìn ngây thơ và rất trực diện của triết học gia, những người luôn tò mò và đặt câu hỏi với mọi thứ hiển nhiên nhất trên đời. Nhưng nó cũng cho chúng ta thấy, thật ra tầm nhìn của con người bị giới hạn đến mức nào.

Chúng ta đứng tại Trái đất để nhìn Mặt trời và thấy rõ ràng Mặt trời đang quay quanh Trái đất. Chúng ta nhìn chiếc bát đựng nước và thấy rõ ràng nó đặc và không có lỗ hổng nào nên nước mới không bị rò rỉ ra. Chúng ta không nhìn thấy rất nhiều loại sóng nên không biết đại não của mình khi suy nghĩ cũng phát ra một loại sóng.

Vậy nên con người đã từng không biết rằng các hành tinh trong hệ Mặt trời xoay quanh khối plasma này. Chúng ta cũng từng không biết rằng hóa ra chất rắn được cấu tạo từ các phân tử mà khoảng cách giữa chúng rộng lớn vô cùng nếu nhìn dưới kính hiển vi. Và ngạc nhiên thay, nhờ chứng minh được sự hiện diện của sóng não, người ta đang dần tin rằng tinh thần có thể tác động tới được vật chất.

Con người không phải sinh vật siêu việt như mình tưởng

Giữa vũ trụ mênh mông này, có lý nào chỉ có một mình Trái đất là phát sinh sự sống và tồn tại loài sinh vật mà chúng ta gọi là “cao cấp”? Các nhà khoa học cũng đang nghi ngờ rằng xác suất xuất hiện sự sống vũ trụ không hề nhỏ như chúng ta tưởng. Và nếu như có những sinh mệnh “cao cấp” hơn chúng ta, có thể họ sẽ nhìn chúng ta như cách chúng ta nhìn những con vi khuẩn. Dù rằng bạn không thể cho khả năng đó một xác suất lớn hơn 0%, thì cũng phải công nhận rằng, chúng ta còn chẳng thể quyết định cuộc đời của mình và bị rất nhiều quy luật chi phối. Con người không phải sinh vật siêu việt như mình tưởng!

Vậy mà trong khi đang nhìn vũ trụ với con mắt giới hạn và tầm nhìn mù mịt, khi đang được che chở để có điều kiện sinh tồn tuyệt vời trên mặt đất này, dưới bầu trời này, chúng ta lại phá hủy ngôi nhà duy nhất tính đến thời điểm hiện tại của mình. Và ngây ngô thay, chúng ta tin rằng mình là “duy ngã độc tôn” trong vũ trụ này!

Con người bị hai loại phương thức tư duy giới hạn bản thân, một là: “tiên nhập vi chủ” (cái gì tới trước sẽ làm chủ) và hai là: “nhãn kiến vi thực” (ý tứ là: mắt thấy mới tin – điều gì thấy mới cho là thật). Thế nên với những kiến thức mới dù đã được chứng minh nhưng chưa được phổ cập rộng rãi, người ta vẫn không tin; và tất nhiên với những điều không thể nhìn thấy, cảm thấy, ta càng không thể tin. Vậy nên người ta vẫn cứ bảo nhau kiểu như: ‘Trăm nghe không bằng một thấy’; lại có người cố cựu hơn nói: ‘Trăm thấy không bằng một sờ’. Với những người cứ phải là: Tai nghe, mắt thấy, tay sờ mới tin, đó chẳng phải là sự tự giới hạn, tự cắm ‘tấm ba-ri-e’ ngăn cách mình với thế giới rộng lớn hay sao?

Thiên tượng và thế nhân

Người xưa có nói: “Quan sát thiên tượng, biết thiên ý”, nghĩa là chỉ cần nhìn các hiện tượng thiên văn, hiện tượng tự nhiên quanh ta thì sẽ hiểu được “lời nhắn gửi” của thế lực siêu nhiên nào đó với loài người. Thường thì đó sẽ là những lời cảnh báo, liên quan tới đạo đức con người.

Rất khó để tin những lời “các cụ” nói khi chúng ta luôn cho rằng người thời xưa kém phát triển, u mê lạc hậu. Chúng ta tự tin rằng thời đại mình đang sống, con người đã đặt chân lên Mặt trăng, có kính viễn vọng và tàu du hành vũ trụ, chắc chắn sẽ hơn hẳn thời cổ đại. Nhưng chúng ta cũng lại không giải thích nổi vì sao Trương Hành (78 – 139) thời Đông Hán lại có thể biết được Trái đất hình cầu, giải thích chính xác hiện tượng nguyệt thực, chế tạo ra máy định vị thiên thể “Hỗn thiên nghi” (tương tự như mô hình hệ mặt trời Celestial globe bây giờ). Ông còn đo được tương đối chính xác đường kính góc (một thông số trong ngành thiên văn học) của Mặt trời và Mặt trăng. Hay như nhà thiên văn học Hy Lạp Aristarque (thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên) cũng đã từng đề xuất Trái đất quay xung quanh Mặt trời và bị phản đối kịch liệt.

Còn các nhà khoa học thực chứng hiện đại phải chờ tới sau khi Galileo (1564 – 1642) phát minh ra kính viễn vọng thì mới bắt đầu quan sát được các thiên thể. Cùng thời đó, nhà thiên văn học Kepler người Đức cũng xác định được quỹ đạo các hành tinh. Thời kỳ của khoa học thực chứng của những người chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe đã hình thành và chứng minh lại những điều tổ tiên đã làm được từ trước đó khá lâu.

Nhưng cũng vì “nhãn kiến vi thực” – mắt thấy mới tin, nên chúng ta chỉ sửng sốt trước những tri thức đã được chứng minh của người xưa, và tiếp tục phủ nhận những “kinh nghiệm” chưa được chứng minh như thuyết “Hỗn thiên”, “Thiên nhân hợp nhất” hay “Thiên nhân cảm ứng”. Đối với con người thời nay, động đất chỉ là động đất, sóng thần là sóng thần, thiên tai này khác là sự vận động khách quan của thiên nhiên. Nhưng với người thời xưa, đó đều là thiên tượng cảnh báo, là tín hiệu để thế nhân cần lập đàn tạ tội với Thiên Địa, là lúc vua quan phải nhìn lại xem mình đã làm sai điều gì, có trái với Thiên ý hay không? Lê dân bách tính nhìn lại xem đạo đức xã hội đã xuống dốc tới đâu.

Trong cuốn Đại Chính Tàng Kinh có đoạn: “Nếu có nhật nguyệt bạc thực, hoặc ngũ tinh hình sắc biến dị, hoặc sao chổi bùng phát thì đó là dấu hiệu của tai họa, dịch bệnh hoành hành, quỷ thần bạo loạn, quân giặc dị quốc xâm lược”.

Sách Khải Huyền, tiết 12 chương 6 có viết: “Khi Chiên Con mở ấn thứ sáu, tôi thấy một trận động đất khủng khiếp xảy ra, mặt trời trở nên tối đen như một bao tải làm bằng lông đen, cả mặt trăng trở nên đỏ như máu”.

Nghĩa là thiên tượng hoàn toàn phù hợp với diễn biến ở thế nhân. Dị tượng xuất hiện đều là để cảnh báo loài người, và đều có thể là lời nhắn gửi của những sinh mệnh cao cấp hơn mà chúng ta không thể nhìn thấy. Chúng ta không hề cô đơn và biệt lập trong vũ trụ này.

Cũng chẳng hề xa xôi quá, trong sử sách nước nhà cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp các vị vua cận đại xuống chiếu tự trách mình, lập đàn tạ tội trước Trời Đất khi thiên tượng có dị biến, như các vua: Lê Thánh Tông, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông.

Vua Minh Mạng lại không xuống chiếu vì cho rằng: “lỗi của mình thì tự trách vậy, sao lại phải xuống chiếu, đến việc cầu lời nói thẳng là một việc hư văn”. Nên khi có hạn hán xảy ra, ông không xuống chiếu, nhưng lại lập tức cho các quan bộ Hình tra lại những hồ sơ vụ án còn tồn đọng để xử, những người bị tội nhẹ được xét khoan giảm án, những kẻ phạm tội nặng thì cho tạm hoãn xử hoặc tạm hoãn thi hành án tử với những tội nhân phạm trọng tội. Sau đó trời mưa lớn đúng vào dịp tiết Vạn thọ, tức là ngày mừng sinh nhật vua.

Đầu năm Giáp Thân (1824), vua Minh Mạng định tổ chức yến tiệc ban thưởng cho các quan nhưng thấy trời nắng quá nên bãi bỏ việc này. Vua nói với quan Thượng thư bộ Hộ rằng: “Nắng hạn hầu muốn làm tai, cần phải lo sợ, sửa mình xét việc, há dám dối trời mà vui với tai họa vậy sao?”

Đó đều là những chuyện cũ, người thời nay không thể lý giải, nhưng cũng chẳng thể xem thường mà cười sự ‘ngây thơ’ của người xưa. Việc biết kính sợ thiên nhiên hay đặt niềm tin vào thế lực siêu nhiên nào đó ít nhất cũng thể hiện sự khiêm nhường và không tự đóng chặt cánh cửa dẫn tới những bí mật to lớn của vũ trụ. Chúng ta không mất gì khi tin tưởng và khiêm cung trước thế lực to lớn của tự nhiên, vũ trụ. Chỉ có ảo tưởng rằng mình có thể làm chủ thiên nhiên mới mang tới tai họa. Cho tới bây giờ, thực tế đã chứng minh những hành động chủ quan, sỗ sàng ngạo mạn của con người với thiên nhiên đều đang đem lại hậu quả khôn lường. Khoa học thực chứng cũng đang chứng minh loài người là nhỏ bé và cuộc sống của chúng ta là vô thường thế nào trước vũ trụ rộng lớn ngoài kia.

https://www.dkn.tv/

Related posts

West Point đuổi học nhiều học viên trong vụ bê bối gian lận nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua

Tin Tức Đa Chiều

Lời tiên tri của bà Vanga về vận mệnh thế giới năm 2022 thật đáng sợ

Tin Tức Đa Chiều

Linh Mục Đinh Hữu Thoại bị phạt tiền sau khi viết “quỹ vaccine là quỹ lừa đảo”

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment