Chứng kiến đồng bào miền Trung chịu cảnh bão lũ đói khổ, người dân trên khắp cả nước, đều chung tay, người có tiền góp tiền, có của góp của, có sức góp sức…. Thế mà, trong một hình ảnh gần đây được lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy quần áo và hàng trăm gói bánh chưng bị vứt lăn lóc bên vệ đường không ai nhặt, khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Nhưng thực hư câu chuyện này là thế nào?
Thực hư hình ảnh những chiếc bánh chưng và quần áo từ thiện bị vứt xó
Gần đây trên mạng xã hội, nhiều bài đăng xuất hiện, kèm hình ảnh và video cho thấy những chiếc bánh tét, bánh chưng bị vứt lăn lóc bên vệ đường, hầu hết đều còn mới nguyên, chưa hề bóc vỏ, trông vô cùng đáng tiếc. Ngoài ra, có nơi còn có một núi quần áo từ thiện cũng bị vứt bên vệ đường.
Những hình ảnh này đã gây nên một luồng tranh luận mạnh mẽ trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra bức xúc, và thậm chí còn dè chừng việc tiếp tục hỗ trợ người miền Trung. Cho rằng, người miền Trung không trân trọng những món quà từ thiện, kén cá chọn canh, làm uổng bao công sức của những đoàn từ thiện đã vất vả vì họ.
Trước những phẫn nộ của nhiều người, anh Trần Ngọc Thắng người ở Quảng Trị, đã lên tiếng đính chính về sự việc này.
“Dạ em chào các anh chị! Lời đầu tiên em xin giới thiệu em là người Quảng Trị – nơi vùng lũ và được các mạnh thường quân của đất nước đến làm từ thiện, giúp đỡ từ quần áo, thức ăn, tiền bạc.
Không chỉ riêng em mà tất cả người dân miền Trung rất biết ơn và quý trọng tình cảm anh chị em trên mọi miền đất nước đã ứng cứu và giúp đỡ kịp thời lúc miền Trung khó khăn hoạn nạn.
Nhưng hôm nay trên mạng đầy rẫy những hình ảnh và thông tin cho rằng người dân miền Trung vứt áo quần và bánh chưng lại, không lấy. Cư dân mạng lao vào chửi nhiệt tình mặc dù không biết đúng sai thế nào. Này thì làm ơn sai chỗ, này thì không biết quý trọng.
Thực sự em và mọi con dân miền Trung rất buồn rất sốc về những tin đó. Em đã lặn lội các trang mạng đọc bình luận và gom nhặt ít thông tin. Đó là những hình ảnh sau vụ lật ghe nên họ phơi cho ráo hoặc bánh bị hỏng nên không ăn được. Mọi người xin đừng đánh đồng tất cả người dân miền Trung đều xấu như vậy. Nếu có thì chỉ một số thôi, không phải tất cả đều như vậy.
Mọi người ơi! Không có chuyện người dân vứt đồ của các mạnh thường quân lặn lội đường xa nguy hiểm đưa đến như vậy đâu. Nhà em ở Quảng Trị may mắn đất cao nhưng em đã theo chân mấy anh chị đi từ thiện thấy áo không có để mang, cơm không có ăn thì làm gì có chuyện đó. Có lẽ một số người dựng chuyện câu like thôi. Xin hãy giúp miền Trung lúc khó khăn này”.
Thực hư video ‘bóc phốt’ người miền Trung vứt bánh tét từ thiện
Sau khi đoạn video của một người phụ nữ đăng tải lên mạng xã hội, quay lại những đòn bánh tét, bánh chưng còn mới nguyên bị vứt bên lề đường. Theo chia sẻ của người phụ nữ này, cô tỏ ra khá bức xúc vì người dân đã phụ tấm lòng của những đoàn từ thiện như mình. Nhiều bình luận sau đoạn clip cũng lên tiếng chỉ trích nặng nề người miền Trung.
Tuy nhiên sau đó, đại diện của xã Hướng Sơn đã lên tiếng đính chính về sự việc này. Theo vị này, việc người dân vứt hàng cứu trợ là chuyện không đúng sự thật.
Thực tế vào 25/10, một đoàn từ thiện ngoài Hà Nội vào cứu trợ bà con ở Hướng Sơn. Trong lúc bà con ra chọn quần áo, có vô tình dẫm phải một số đồ đạc, khiến đồ bị bẩn. Do đó, những bộ quần áo này, được để sang bên đường, để người dân lấy túi khác bỏ vào đem về nhà.
Tuy nhiên, trong lúc quần áo còn chưa nhận xong, thì không may nước suối dâng cao, bà con vội vàng di chuyển đến địa điểm khác. Còn với bánh chưng, bánh tét, thì bà con nơi đây rất trân trọng, không hề có chuyện vứt đi như đoạn clip chia sẻ.
Người miền Trung thật sự không cần đồ từ thiện?
Ngoài những tin tức có phần không vui được đề cập ở trên, chúng ta từng chứng kiến không ít hình ảnh bà con trong vùng tâm lũ, nhiều ngày không có miếng ăn, hay áo ấm để mặc, tài sản bị cuốn trôi đi hết. Họ đã vui mừng hạnh phúc biết chừng nào khi nhận trên tay từng gói mì, hộp cơm, cái bánh chưng, bánh tét mà ăn ngấu nghiến. Làm sao có ai lại đi kén cá chọn canh trong khi bản thân đang đói khổ như vậy?
Rồi hình ảnh của một cụ ông, chỉ mặc độc một cái quần cộc và chiếc áo thun đã ướt đẫm nhiều ngày. Nhận trên tay bộ quần áo mới do đoàn từ thiện đưa cho. Cụ mừng rơi nước mắt. Làm sao cụ có thể không trân trọng những tấm áo, tấm chăn mền có thể giữ ấm cho cụ trong lúc mưa bão như vậy?
Có người chỉ cần nhận vài gói mì thôi mà họ đã quý đến mức mừng rơi nước mắt, liên tục cảm ơn những đoàn cứu trợ.
Thực tế, trong lúc khó khăn như vậy, nhìn thấy có nhiều người đến giúp đỡ mình, cho dù chẳng thể bù đắp nổi những thiệt hại mà họ đã chịu. Có người mất hết cả trâu bò, gà vịt, thóc lúa… đó là tài sản, là vốn liếng làm ăn cả đời họ, chưa kể có người còn mất cả người thân, hỏi không đau sao được? Vậy nên, một tấm lòng đến chia sẻ, giúp đỡ thôi, dù không sao bù đắp nổi thiệt hại, nhưng cũng đủ khiến họ cảm thấy rất trân trọng và an ủi rồi.
Hãy đến đúng nơi và thông cảm nhiều hơn
Nói tóm lại, mặc dù có hay không việc bà con vứt đồ từ thiện như những thông tin gần đây, thì quả thực có một số đoàn do chưa nắm rõ tình hình, đi đến những khu vực không thực sự cần đến sự cứu trợ, do đó mà xảy ra nhiều tình huống không hay, như nơi cần chưa đến, nơi không cần thì dư.
Ví dụ như những nơi bà con đang trong tâm lũ, quần áo chăn mền bị cuốn đi hết, họ mới thật sự cần để ủ ấm ngay lúc đó, chứ những nơi ngập nhẹ, hay khô ráo, thì đó không phải thứ họ cần.
Mà giả sử, nếu có thấy những hình ảnh người dân từ chối nhận đồ, thì cũng hãy thông cảm cho họ. Vì nếu, đó là thứ họ thật sự cần, thì họ sẽ chẳng bao giờ đem vứt đi cả.
Ví như giữa lúc tình hình nguy cấp, mưa bão như thế, nhà ở còn không có, phải trú tạm trên những mái gác nhà, thì chỗ đâu, tâm sức đâu họ còn phải bận tâm thêm việc làm hài lòng người khác, mà đem những món đồ mình không cần thiết đem về nhà. Rồi cuối cùng, không sử dụng được cũng phải bỏ đó.
Vậy nên, hãy thông cảm cho bà con nhiều hơn, đừng vì vài điều không như ý mà bỏ rơi bà con miền Trung, những người đang thực sự cần rất nhiều đến sự giúp đỡ của chúng ta.
Ví dụ: Bà 75 tuổi thì nhận váy dài nửa đùi, quần đùi jean 35cm, quần jean loe, thì làm sao mà mặc… ví dụ như 1 phụ nữ nặng 40kg mà mặc áo 2XL. Còn đâu đó may mắn họ mặc vừa thì họ sẽ thấy quý… ”, một người dùng mạng góp ý.