Tin tức Đa Chiều
Cuộc Sống

Chín tộc người trên thế giới ít ai biết đến, có bộ tộc sắp bị tuyệt chủng

Từ nhỏ, chúng ta đã được dạy, trái đất có hơn 7,5 tỷ người, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, trong đó, có dân tộc thiểu số. Nhưng thực tế, vẫn còn nhiều nhóm sắc tộc khác với nền văn hóa và truyền thống đặc biệt mà chúng ta chưa từng được nghe đến hoặc học trong sách giáo khoa.

Mặc dù, trong nền văn minh hiện đại ngày nay, đã góp phần không ít vào sự đồng hóa các tộc người, khiến một số dân tộc đang dần dần biến mất. Nhưng may mắn thay, nhiều dân tộc vẫn còn cố gắng duy trì những nét truyền thống và phong tục của họ, với bề dày lịch sử trải dài nhiều thế kỷ cho đến tận ngày nay.

Dưới đây là những tộc người hiếm trên Trái Đất sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên vì chưa hề được học và biết đến họ.

1. Người Aleut

Đây là nhóm người dân bản địa của quần đảo Aleut. Hầu hết người Aleut sống tại bang Alaska, một số thì sống ở Vùng Kamchatka của Nga.

Năm 2018, có khoảng 6.700 người Aleut định cư tại Alaska và chưa đầy 500 người sống tại Nga. Họ có ngôn ngữ riêng, được chia thành nhiều thổ ngữ. Nhưng thực tế, tiếng Aleut đang ngày một chết dần, vì chỉ còn khoảng 150 người Aleut còn sống và nói tiếng mẹ đẻ, còn lại phần lớn đều chuyển sang sử dụng tiếng Nga hoặc tiếng Anh. Người Aleut hiện nay sống trong các thị trấn và khu định cư nhỏ, chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản.

Về phần tôn giáo, từ thời cổ đại, thuyết vật linh là một quan niệm phổ biến đối với người Aleut.

2. Người Atacama 

Atacama, hay còn gọi là Atacameños, là những người bản địa sống tại phía bắc của Chile và Argentina, tập trung chủ yếu ở dãy Andes tại hoang mạc Atacama. Đây được coi là hoang mạc khô cằn và khắc nghiệt nhất trên Trái đất. Một số khu vực tại hoang mạc chỉ có mưa đúng một lần trong suốt nhiều thập kỷ.

Theo Điều tra dân số Argentina, vào năm 2010, có khoảng 13.000 người tự nhận mình là người Atacama thế hệ đầu. Khoảng 30.369 người Atacama sinh sống ở Chile.

Người Atacama từng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ là tiếng Kunza, nhưng thứ tiếng này đã biến mất vào giữa thế kỷ XX. Hiện họ chỉ còn nói tiếng Tây Ban Nha.

3. Người Baduy

Người Baduy, hay Badui, sống trên vùng núi thuộc tỉnh Banten của hòn đảo Java tại Indonesia. Hiện nay, tổng dân số của người Baduy rơi vào khoảng 26.000 người. Họ sống một cuộc sống vô cùng cô lập với thế giới bên ngoài.

Người Baduy tín ngưỡng vào Agama Sunda, có liên hệ chặt chẽ với thuyết vật linh và khả năng là nguyên nhân góp phần dẫn đến sự cô lập này.

Người Baduy cũng đặt ra nhiều điều cấm kỵ, trong đó, có một vài luật cũng giống như bao hành vi nghiêm cấm thông thường, như cấm giết người, trộm cắp, gian dối, ngoại tình hoặc say xỉn. Nhưng cũng một số điều cấm kỵ có phần khá kỳ lạ như: Họ không được phép ăn tối, sử dụng phương tiện giao thông dưới mọi hình thức, trồng lúa, dùng nước hoa, nhận vàng, bạc hoặc đụng vào tiền.

4. Người Bororo

Người Bororo sống tại Brazil và Bolivia. Ngày nay, chỉ còn chưa đầy 2.000 người Bororo bản địa còn sống, và họ tự gọi mình là “Orarimogodo”. Họ có ngôn ngữ riêng là tiếng Boe Wadáru, nhưng phần lớn người dân đều nói tiếng Bồ Đào Nha. Tỷ lệ người Borono biết chữ chưa tới 30%. Họ chủ yếu làm nông nghiệp, trồng ngô, sắn và gạo.

Một đặc trưng của người Bororo chính là toàn bộ người dân đều có chung nhóm máu. Do đó, mỗi người dân đều có thể hiến máu để giúp đỡ dân tộc của mình.

5. Người Vodi

Người Vodi được coi là tộc người Phần Lan-Ugria, hiện đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Chỉ còn chưa đầy 100 người Vodi đang sinh sống trên thế giới.

Nhiều nhà dân tộc học trước đây từng ghi nhận rằng, phụ nữ Vodi vô cùng xinh đẹp với mái tóc trắng như tuyết hoặc vàng óng, cùng với đôi mắt xanh.

6. Người Samari

Nhiều tín đồ sẽ biết đến cụm từ “người Samari nhân hậu” trong Kinh thánh. Cụm từ này trở nên phổ biến từ câu chuyện ngụ ngôn về người du hành bị cướp giật và một người đàn ông đã ra tay cứu anh. Vị cứu tinh quên mình đó chính là một người Samari.

Trên thực tế, người Samari là một nhóm dân tộc tôn giáo đặc biệt có bề dày lịch sử đa dạng của riêng mình. Ngày nay, họ sinh sống tại Israel. Tuy nhiên, vào một giai đoạn, số lượng người Samari bắt đầu sụt giảm một cách thảm khốc, và đến đầu thế kỷ 20, chỉ còn 146 người Samari còn sống trên thế giới.

Nhưng may mắn thay, tộc người này vẫn tồn tại được đến ngày nay. Để người Samari không bị người Do Thái đồng hóa, năm 1954, chính phủ Israel quyết định tập hợp tộc người này lại để họ sinh sống với nhau tại thành phố Holon. Tổng dân số người Samari hiện là vào khoảng 800 người.

Người Samari có lịch riêng, nhưng đồng thời cũng tiếp nhận ngày lễ Sabát và phong tục ăn uống truyền thống của người Do Thái. Từ trước đến nay, người Samari chỉ kết hôn với những người cùng bản tộc, nhưng dạo gần đây, các nhà lãnh đạo của tộc người này đã quyết định cho phép người dân của họ kết hôn với người Do Thái Israel và phụ nữ Ukraine đã cải đạo.

7. Người Moriori

Moriori là tộc người bản địa sống ở quần đảo Chatham. Có ý kiến ​​cho rằng, người Moriori gốc cuối cùng đã chết vào năm 1933, do đó thế hệ người Moriori hiện nay đều là người lai.

Mặc dù vậy, nhưng người dân Moriori vẫn ủng hộ và bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống của họ. Theo điều tra dân số mới nhất, có khoảng chưa đầy 800 người Moriori còn sống trên thế giới.

Khả năng cao những người này là hậu duệ của các bộ tộc Maori, vì họ có ngôn ngữ và truyền thống tương tự với nhóm bộ tộc này. Nhưng trái ngược hoàn toàn với người Maori, người Moriori lại có những điều cấm kỵ điển hình khi đề cập đến chiến tranh và bạo lực.

Họ cho rằng: “Khi đàn ông tức giận và muốn tấn công, họ có thể làm điều đó, nhưng chỉ được thực hiện với một cây gậy có độ dày bằng ngón tay cái và dài bằng cánh tay. Trận chiến sẽ kết thúc khi xuất hiện đổ máu, sau đó hai phe phải chấp nhận và thỏa mãn với kết quả”.

Hệ tư tưởng này đã giúp ngăn chặn được nhiều cuộc chiến tranh phá hoại, đảm bảo đời sống hòa bình cho người dân trong suốt nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của David Mitchell, Cloud Atlas, có đề cập đến câu chuyện của người Moriori.

8. Người Semang

Người Semang sống tại Thái Lan và Malaysia. Trong một thời gian dài, họ sống theo lối sống du mục và chỉ thực sự định cư vào thế kỷ XX. Ngày nay, dân số của người Semang rơi vào mức dưới 5.000 người.

Tộc người này vẫn có sự phân công lao động, nam giới sẽ đảm nhiệm vai trò săn bắn, còn nữ giới thì hái lượm, nấu ăn và làm đồ lưu niệm. Cả nam và nữ đều có thể làm pháp sư, nhưng chỉ nam mới có thể được chỉ định làm người hòa giải. Theo truyền thuyết, các pháp sư sở hữu khả năng biến thành hổ và giao tiếp với các linh hồn, người Semang cũng có một nỗi sợ mê tín về giông bão.

9. Người Hadza

Hadza là một nhóm dân tộc bản địa tại Tanzania, với dân số không quá 1.300 người. Họ giao tiếp bằng ngôn ngữ riêng của dân tộc. Lần đầu tiên tộc người này tiếp xúc với người châu Âu là vào thế kỷ XIX, nhưng nguồn gốc của họ vẫn chưa thể tìm hiểu rõ ràng.

Ngày nay, người Hadza chủ yếu làm nghề săn bắt và hái lượm. Họ thường săn bắn bằng cung tên có đầu mũi bằng đá hoặc sắt. Toàn bộ các quyết định quan trọng đều được biểu quyết theo nhóm. Đáng buồn rằng, dân số người Hadza đang dần suy giảm dưới sức ép của các nhóm sắc tộc khác.

https://tinhhoa.net/

Related posts

TQ ‘cướp cơm’ của ngư dân các nước trên Biển Đông như thế nào?

Science

Thêm kiến nghị khởi tố cha ruột bé gái bị bạo hành ở TP HCM

Tin Tức Đa Chiều

Ngỡ ngàng: Binh sĩ “ăn rác thải” trên chiến trường – Quân đội ngày nay khổ như vậy sao?

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment