Chiến sự Nga-Ukraine ngày 1/3: Nga tăng cường pháo kích dữ dội, Mỹ lo Kiev khó cầm cự. Như vậy cuộc chiến ở Ukraine bước sang ngày thứ 6 khi giới chức phương Tây cho biết, Nga không có dấu hiệu dừng tấn công Ukraine. Giao tranh ác liệt và pháo kích được cho là đã khiến hàng chục người thiệt mạng và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Mỹ lo sự kháng cự của Ukraine có thể bị đè bẹp
Quân đội Ukraine đã cố gắng giành lại Kharkiv sau khi thành phố lớn thứ 2 của Ukraine rơi vào tay Nga. Ảnh Getty
Theo CNN, các cuộc pháo kích vẫn diễn ra ác liệt ở Kharkiv, thành phố lớn thứ 2 của Ukraine khi các nhà ngoại giao đang thúc đẩy đối thoại để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.
Hàng chục người được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng tên lửa ở Kharkiv. “Kharkiv vừa bị không kích hàng loạt bằng tên lửa. Hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương”, Anton Herashchenko, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine cho biết trong một bài đăng trên Facebook sáng nay 1/3.
Trong khi đó, rạng sáng 1/3, nhiều tiếng nổ lớn vang lên ở Kiev khiến nhiều người phải chạy trốn xuống hầm trú ẩn.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên án “các cuộc tấn công của Nga vào các thành phố Ukraine, khiến dân thường thiệt mạng”.
Ông Blinken đã đưa ra các tuyên bố như vậy trong cuộc gọi với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Bộ trưởng đề nghị đoàn kết với người dân Ukraine, những người đang dũng cảm chống lại và đẩy lùi cuộc tấn công có tính toán trước và vô cớ của Nga”.
Trong khi đó, các quan chức chính quyền Mỹ giấu tên cũng cảnh báo về việc các đoàn quân Nga sẽ tràn ngập ở Ukraine.
Theo họ, làn sóng tấn công mới có khả năng sẽ giúp Nga kiểm soát thêm nhiều khu vực bên trong Ukraine. Nga, với sự áp đảo về mặt quân sự được cho là có thể đè bẹp sự kháng cự của Ukraine, CNN dẫn hai nguồn tin quen thuộc với các cuộc họp của chính quyền Mỹ cho biết.
Các quan chức cũng lo ngại rằng, Nga có khả năng sẽ bao vây thủ đô Kiev của Ukraine và dự đoán những kịch bản tồi tệ của chiến tranh đô thị.
Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Biden tỏ ra lạc quan hơn về sự thống nhất từ các nước phương Tây, cả trên phương diện trừng phạt Nga lẫn viện trợ vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là từ các quốc gia như Đức – vốn từng phản đối các động thái như vậy chỉ vài ngày trước.
Sự cô lập ngày càng tăng của Nga
Theo Reuters, Moscow đang phải đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng vào thứ Ba khi Mỹ và các đồng minh tìm cách trừng phạt kinh tế Nga vì đã phát động cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Họ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp, nhà tài phiệt và quan chức hàng đầu của Nga, bao gồm cả chính Tổng thống Putin.
Mỹ và các đồng minh cũng đã hứa sẽ viện trợ quân sự cho Kiev nhiều hơn nữa khi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cảnh báo thủ đô Kiev vẫn đối mặt với mối đe dọa thường xuyên.
“Kiev là mục tiêu quan trọng. Chúng tôi đã không để họ phá vỡ hàng phòng thủ của thủ đô, và họ gửi những kẻ phá hoại đến… Chúng tôi sẽ vô hiệu hóa tất cả”, ông Zelenskiy cho biết trong một video vào cuối ngày thứ Hai.
Cuộc tấn công của Nga, được phát động vào tuần trước, dường như không đạt được những lợi ích ban đầu mang tính quyết định mà Tổng thống Putin mong đợi, theo Reuters. Các cuộc đàm phán ngừng bắn được tổ chức hôm 28/2 đã không đạt được bước đột phá và các nhà đàm phán vẫn chưa cho biết khi nào một vòng đàm phán mới sẽ diễn ra.
Hơn 500.000 người đã chạy trốn khỏi Ukraine, theo cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc, gây ra một cuộc khủng hoảng tị nạn khi hàng nghìn người đang chờ đợi đi qua các cửa khẩu biên giới châu Âu.
Ít nhất 102 thường dân ở Ukraine được báo cáo là đã thiệt mạng kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu vào thứ Năm 24/2 nhưng con số thực có thể cao hơn nhiều, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết.
Về phần mình, Nga từ đầu nói rằng các hành động của họ không phải nhằm chiếm đóng lãnh thổ mà là để phá hủy khả năng quân sự của Ukraine và bắt giữ những gì nước này coi là những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.