Tin tức Đa Chiều
Cuộc Sống

Tại sao bị can Lê Tùng Vân được tại ngoại?

Vì sao bị can Lê Tùng Vân được tại ngoại, sẽ bị bắt tạm giam trong trường hợp nào? Luật sư phân tích rằng, hiện Lê Tùng Vân bị khởi tố bị can về một tội danh ít nghiêm trọng và thoả mãn các quy định chưa cần áp dụng tạm giam nên được tại ngoại. Chỉ khi những tình huống tiếp theo xảy ra, bị can này mới bị áp dụng biện pháp tạm giam.

Ngày 7/1, Công an tỉnh Long An đã khởi tố bị can với Lê Tùng Vân (SN 1932), Lê Thanh Hoàn Nguyên (SN 1990), Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991), Lê Thanh Trùng Dương (SN 1995) để điều tra về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ vi phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân”.

Trong đó, bị can Lê Tùng Vân bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm di chuyển khỏi nơi cư trú (tại ngoại), còn các bị can khác bị bắt tạm giam.

Lý giải về việc Lê Tùng Vân chưa bị bắt giam, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, Lê Tùng Vân được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú có thể là do người này mới chỉ bị khởi tố bị can về một tội danh ít nghiêm trọng.

Trước đó, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về nhiều tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Loạn luân; Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi của tổ chức, cá nhân.

Về nguyên tắc, sau khi khởi tố vụ án hình sự (do có dấu hiệu tội phạm) thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xem xét làm rõ vai trò của các nghi can để tiến hành khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

“Khởi tố vụ án” và “khởi tố bị can” là các quyết định tố tụng khác nhau, hậu quả pháp lý khác nhau. Hai quyết định khởi tố này có thể thực hiện đồng thời hoặc cũng có thể khởi tố vụ án trước, sau đó tiến hành điều tra, trong quá trình điều tra làm rõ hành vi của bị can nào sẽ khởi tố bị can.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ khởi tố các bị can về các tội danh đã được khởi tố trước đó. Có thể khởi tố một bị can với nhiều tội danh, theo đó sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác nhau theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015.

Với tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLTTHS thì việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Tùng Vân là có căn cứ.

Theo quy định tại Điều 331 thì tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân là tội ít nghiêm trọng nếu truy tố theo khoản 1 và là tội nghiêm trọng nếu truy tố theo khoản 2 của điều luật.

Ngoài ra, CQĐT chỉ tạm giam khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 119 BLHS như (không có nơi cư trú rõ ràng, bỏ trốn, cản trở hoạt động điều tra…), nếu không thuộc trường hợp trên thì sẽ áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Bên cạnh đó, Khoản 4, Điều 119 BLTTHS quy định đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Như vậy, kể cả trường hợp khởi tố theo khoản 2 Điều 331 với mức hình phạt lên đến 7 năm tù nhưng bị can Lê Tùng Vân được xác định là người “già yếu” (trên 75 tuổi) và không thuộc một trong các trường hợp bắt buộc phải áp dụng biện pháp tạm giam theo Điều 119 thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú với bị can này.

Sau khi khởi tố bị can thì cơ quan điều tra sẽ áp dụng biện pháp tạm giam để phục vụ điều tra hoặc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú tùy thuộc vào từng diễn biến vụ án cụ thể.

Khi nào bị can bị tạm giam?

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong quá trình điều tra, nếu cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố Lê Tùng Vân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Xâm phạm tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu…) với tình tiết định khung là “có tính chất loạn luân” thì rất có thể CQĐT sẽ áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can này.

Trừ trường hợp có căn cứ cho thấy bị can thuộc trường hợp “là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng”. Ông này đã gần 90 tuổi thì được xác định là “người già”, tuy nhiên phải là “già + yếu” thì mới thuộc trường hợp được cấm đi khỏi nơi cư trú, hoặc là người bị bệnh nặng và có lý lịch rõ ràng.


TS. Luật sư Đặng Văn Cường

Nếu chỉ là người già nhưng “không yếu” hoặc là người bệnh nặng nhưng không có lý lịch rõ ràng thì vẫn tiến hành tạm giam theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, nếu chỉ bị khởi tố về một tội danh theo Điều 331 BLHS nhưng ông này có dấu hiệu tiếp tục phạm tội, bỏ trốn, cản trở hoạt động điều tra thì sẽ thay đổi biện pháp ngăn chặn là tạm giam.

Như vậy có hai tình huống xảy ra thì Lê Tùng Vân sẽ bị tạm giam đó là nếu khởi tố thêm về tội Lừa đảo hoặc tội Xâm phạm tình dục với tình tiết định khung là “có tính chất loạn luân” hoặc trong trường hợp ông này có dấu hiệu tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, có dấu hiệu bỏ trốn hoặc cản trở hoạt động điều tra.

Vấn đề này sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra cũng như thái độ, nhận thức, hành vi của bị can này trong thời gian tới.

Điều 331 tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân:

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 – 7 năm.

Related posts

‘Người chết’ sống lại sau một đêm nằm nhà xác

Tin Tức Đa Chiều

Đụng độ đẫm máu trong nhà tù, 100 người chết

Tin Tức Đa Chiều

Diễm My đang ở đâu, liệu có căn hầm bí mật ở Tịnh Thất Bồng Lai?

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment