Ảnh vệ tinh do CNN thu thập, cho thấy Ả Rập Saudi sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo từ ít nhất một địa điểm. Trong vài tháng qua, các cơ quan tình báo Mỹ đã phát hiện các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Ả Rập Saudi trao đổi công nghệ tên lửa đạn đạo với quy mô lớn.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang đánh giá động thái mới nhất có tác động đáng kể đến cán cân quân sự ở Trung Đông hay không, cũng như khả năng làm phức tạp nỗ lực ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Iran và Ả Rập Saudi là hai đối thủ truyền kiếp, rất khó để Mỹ thuyết phục Iran ngừng chế tạo tên lửa và vũ khí hạt nhân nếu Ả Rập Saudi đã có thể tự sản xuất tên lửa đạn đạo.
“Mỹ đã quá chú trọng vào chương trình vũ khí của Iran, chưa quan tâm đúng mực tới chương trình tên lửa đạn đạo của Ả Rập Saudi”, Jeffrey Lewis, chuyên gia về vũ khí và là giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, nói trên CNN.
Khi được hỏi về việc Trung Quốc và Ả Rập Saudi trao đổi công nghệ tên lửa đạn đạo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời CNN: “Hai quốc gia là đối tác thương mại toàn diện, có quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả quân sự”.
“Các hoạt động hợp tác này không vi phạm luật pháp quốc tế và không liên quan đến việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”, tuyên bố cho biết.
Theo CNN, Ả Rập Saudi bắt đầu hợp tác với Trung Quốc để chế tạo tên lửa đạn đạo kể từ năm 2019, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhưng ông Trump đã không mạnh tay trừng phạt để ngăn chặn đồng minh tiếp cận công nghệ vũ khí chiến lược. Theo CNN, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc trừng phạt Ả Rập Saudi, dù vẫn còn các luồng ý kiến trái chiều.
Các hình ảnh vệ tinh mới do CNN thu thập được, cho thấy Ả Rập Saudi chế tạo tên lửa đạn đạo tại một địa điểm được xây dựng với sự hỗ trợ của Trung Quốc.
Các bức ảnh vệ tinh do công ty hình ảnh thương mại Planet chụp từ ngày 26.10 đến ngày 9.11, cho thấy một hoạt động đốt cháy xảy ra tại một cơ sở gần Dawadmi, Ả Rập Saudi.
Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury mô tả đây là “bằng chứng rõ ràng rằng cơ sở này đang sản xuất tên lửa”.
“Bằng chứng quan trọng nhất là cơ sở này đang vận hành một ‘hố đốt’ để xử lý các chất thải rắn còn sót lại từ quá trình sản xuất tên lửa đạn đạo”, chuyên gia Lewis nói.
“Việc đúc động cơ tên lửa dẫn đến chất nổ còn sót lại. Các cơ sở sản xuất tên lửa đẩy dạng rắn thường có các hố đốt để xử lý các chất thải rắn còn sót lại bằng cách đốt cháy. Đây là dấu hiệu cho thấy cơ sở ở Ả Rập Saudi đang tích cực sản xuất tên lửa”, ông Lewis nói thêm.
Hiện chưa rõ về loại tên lửa mà Ả Rập Saudi đang sản xuất hàng loạt, cũng như kích thước đầu đạn và tầm bắn.