Tin tức Đa Chiều
Thế Giới

Ngoại trưởng Mỹ “kéo bè kéo cánh” Đông Nam Á đối phó Trung Quốc

“Kéo bè kéo cánh” thường hay xảy ra khi mà một bên biết rằng bên kia “khó nhằn”. Tuy nhiên trong tình huống này thì đúng là như vậy, lần này Ngoại trưởng Mỹ rất cứng rắn trong việc đối phó TQ. Lần này ông tới thăm 3 nước Đông Nam Á mang đầy ý đồ.

Sau hàng loạt động thái hợp tác và tăng cường hiện diện quân sự, Mỹ vừa đưa ra những cam kết hỗ trợ về kinh tế, an ninh mạng nhằm “lấy lòng” các nước Đông Nam Á trong chiến lược đối phó Trung Quốc.

Tờ Nikkei Asia dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua (14.12) tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với các nước ASEAN. Tuyên bố được đưa ra khi Ngoại trưởng Blinken công du đến Indonesia nằm trong khuôn khổ chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Thái Lan rồi quay về Hawaii.

Tăng cường đối phó Trung Quốc

Bên cạnh việc tăng cường quan hệ với ASEAN, ông Blinken cũng cam kết củng cố an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) cùng với các đồng minh, đồng thời ngăn chặn “các hành động gây hấn” của Trung Quốc trong khu vực.

Cụ thể, theo Ngoại trưởng Mỹ, các hành động gây hấn của Trung Quốc xảy ra từ khu vực Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, sông Mê Kông và cả các đảo ở phía nam Thái Bình Dương. Kèm theo đó còn là các hoạt động mang tính “thao túng” về kinh tế.

Để đối phó với Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken khẳng định Washington sẽ “thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng”, xây dựng nền tảng “internet an toàn và đáng tin cậy”. Đường hướng này được cho là bắt nguồn từ tình trạng tham nhũng, công trình kém chất lượng liên quan Trung Quốc. Ông cho biết Mỹ và các đồng minh sẽ làm việc với các nước trong khu vực để “cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tiêu chuẩn cao”. Ông trích dẫn nhóm “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ) gần đây lên kế hoạch điều phối cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào Indo-Pacific, cũng như sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” mà nhóm G7 theo đuổi, thông qua nguồn quỹ được huy động lên đến hàng trăm tỉ USD để hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các nước một cách “minh bạch và bền vững”. Việc tài trợ xây dựng hạ tầng chất lượng cao mà Mỹ cùng các đồng minh theo đuổi có thể xem là đòn đối phó với sáng kiến Một vành đai – Một con đường và các chương trình hợp tác kinh tế, thương mại của Trung Quốc.

Không những vậy, theo Ngoại trưởng Mỹ, Washington cũng “áp dụng chiến lược hợp tác chặt chẽ hơn” khả năng quân sự của mình với các đồng minh và đối tác ở Indo-Pacific. Ông cho biết thêm Mỹ và các đồng minh ở Indo-Pacific sẽ nỗ lực phát triển “một hệ thống liên minh và quan hệ đối tác chưa từng có trong khu vực”, đặc biệt là sự tham gia của các nước châu Âu như đã diễn ra gần đây.

Sự thay đổi chiến lược cần thiết

Gần 5 năm qua, kể từ khi nhấn mạnh chiến lược Indo-Pacific tự do và rộng mở nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ đã tăng cường nhiều hoạt động hợp tác và hiện diện quân sự ở Đông Nam Á. Cách thức này đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh chỉ trích Washington đang “kéo bè kéo cánh” và gây căng thẳng trong khu vực. Các tờ báo, quan chức Trung Quốc cùng với những chuyên gia phân tích quốc tế có quan hệ “hữu hảo” với nước này đã nhiều lần đưa ra quan điểm vừa nêu.

Trong khi đó, như một phân tích đăng trên tạp chí The Diplomat hồi tháng 9, ASEAN nói chung, cũng như các thành viên của khối này nói riêng, lại có quan hệ kinh tế khá chặt chẽ với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tài trợ nhiều cơ sở hạ tầng trong khu vực, với nhiều công trình phục vụ cho sáng kiến Một vành đai – Một con đường của Trung Quốc. Ngoài ra, thời gian qua, Trung Quốc cũng đã áp dụng các hình thức trừng phạt về thương mại, điển hình là hạn chế nhập khẩu thịt bò và rượu vang của Úc, nhằm sử dụng sức mạnh thương mại để răn đe các nước.

Trong bối cảnh như vậy, theo phân tích trên, nếu các nước ASEAN tăng cường hợp tác với Mỹ mà chủ yếu tập trung vào lĩnh vực an ninh, quốc phòng, thì có thể bị Trung Quốc chỉ trích, đồng thời bị gây áp lực về kinh tế. Chính vì thế, Washington cần có những chương trình hợp tác về nhiều mặt, nổi bật là kinh tế, để các nước ASEAN có thể cân bằng quan hệ thương mại, tránh lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Trong đó, hạ tầng mạng và an ninh mạng cũng là vấn đề quan trọng.

Chính vì thế, việc Ngoại trưởng Blinken tăng cường các cam kết với Đông Nam Á về nhiều mặt có thể xem là chuyển biến đúng đắn của Washington.

Bảo đảm quyền tự do hàng hải ở Biển Đông

Nhắc đến vấn đề Biển Đông trong bài phát biểu tại Indonesia, ông Blinken cam kết: “Chúng tôi quyết tâm đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh… đe dọa sự ổn định của tuyến hàng hải trị giá hơn 3.000 tỉ USD mỗi năm”.

Related posts

FBI bắt giữ Nghị sĩ Đảng Dân chủ vì nhận hối lộ để đổi lấy phiếu bầu

Tin Tức Đa Chiều

Facebook kiểm duyệt đoạn video ông Trump được con dâu phỏng vấn

TT Trump chia sẻ video ‘Âm mưu đánh cắp nước Mỹ’

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment