Định xây căn cứ quân sự ngay đất đồng minh Mỹ, Trung Quốc không che giấu tham vọng hất cẳng Mỹ. Nhằm khẳng định vị thế thống trị, Trung Quốc đang nỗ lực “hất cẳng” Mỹ và Ấn Độ ra khỏi khu vực chiến lược châu Á – Thái Bình Dương.
Thông tin cho rằng, Mỹ đã thắng thế trong cuộc chiến “căn cứ quân sự ở nước ngoài” với Trung Quốc khi đã thuyết phục Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) không cho Trung Quốc bí mật xây dựng một cơ sở quân sự tại một cảng ở Abu Dhabi, không phải là một bất ngờ.
MỸ NHANH TAY PHÁ KẾ HOẠCH XÂY CĂN CỨ QUÂN SỰ CỦA TRUNG QUỐC
Những hình ảnh vệ tinh và các thông tin tình báo của Mỹ cho thấy Bắc Kinh bí mật xây dựng một cơ sở quân sự tại Abu Dhabi.
The Wall Street Journal (WSJ) trước đó cho hay các hình ảnh vệ tinh chụp cảng Khalifa ở Abu Dhabi đã hé lộ manh mối về công trình xây dựng đáng ngờ tại một cảng container, do hãng tàu Trung Quốc Cosco xây dựng và vận hành.
Chứng cứ bao gồm các hoạt động đào bới được cho là nhằm xây tòa nhà nhiều tầng, và cả khu vực bị che đậy nhằm tránh sự giám sát của bên ngoài.
Washington đã buộc phải can thiệp, cảnh báo với chính phủ UAE, một trong những đối tác quân sự lớn của họ ở Vùng Vịnh.
Mối quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc mua lại các căn cứ quân sự nước ngoài đã được cảnh báo liên tục trong hơn một thập kỷ qua.
Bắc Kinh đã mở căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti vào năm 2017. Nước này được cho là đang xây dựng căn cứ quân sự nước ngoài thứ hai tại Ream, Campuchia nhưng cả Bắc Kinh và Campuchia đều phủ nhận.
Trung Quốc từng tuyên bố, họ hoàn toàn khác với phương Tây và không quan tâm đến việc phô trương sức mạnh ra các vùng biển xa xôi hoặc các căn cứ quân sự nước ngoài. Trung Quốc cũng tích cực tuyên truyền quan điểm chống lại sự hiện diện quân sự của các nước ngoài ở châu Á. Với tư cách là một cường quốc phòng thủ trong nửa sau của thế kỷ 20, ưu tiên của Trung Quốc là chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài và củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế.
Nhưng chính sách đối với sự hiện diện quân sự ở nước ngoài bắt đầu thay đổi khi Trung Quốc nhanh chóng vươn lên trở thành một cường quốc trong thế kỷ 21.
Báo cáo thường niên gần đây của Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã công bố thông tin một số quốc gia có vị thế đặc biệt mà Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) nhắm tới để xây dựng các căn cứ quân sự.
Tại Vịnh Bengal, Myanmar, Thái Lan và Sri Lanka là những “ứng cử viên tiềm năng”, thì ở phía tây của Ấn Độ, Trung Quốc đang nhắm tới Namibia, Seychelles, Tanzania và UAE. Pakistan, tất nhiên, nằm trong một hạng mục riêng đặc biệt.
Với mối quan hệ chính trị và quân sự lâu dài và sâu sắc với Trung Quốc, Pakistan có khả năng nổi lên như một tiền đồn quan trọng nhất cho việc triển khai sức mạnh hải quân của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, có ý nghĩa quan trọng đối với kế hoạch quân sự của Ấn Độ.
CĂN CỨ QUÂN SỰ “ĐỘI LỐT” DÂN SỰ
Trung Quốc tập trung vào phát triển xây dựng các cơ sở dân sự nhưng có thể sử dụng cho mục đích quân sự trong tương lai.
Thứ nhất là họ nhận ra rằng Trung Quốc có lợi ích ngoại biên. Trong một loạt các báo cáo xuyên suốt những năm 2000, Bắc Kinh khẳng định rằng nền kinh tế lớn, toàn cầu hóa và sự phụ thuộc ngày càng lớn vào thị trường và tài nguyên nước ngoài đã tạo ra những lợi ích nằm xa biên giới của Trung Quốc. Khi đề xuất đó được đưa ra, Bắc Kinh bắt đầu bùng lên những tranh cãi về một câu hỏi mới vào đầu những năm 2000: Liệu Trung Quốc có nên mua các căn cứ quân sự nước ngoài để đảm bảo lợi ích toàn cầu và khu vực?
Cuộc tranh luận nhanh chóng nghiêng về câu trả lời “có”. Trung Quốc từ đó thận trọng trong chính sách thiết lập các căn cứ ở nước ngoài.
Đầu tiên, Bắc Kinh biết thuật ngữ “căn cứ quân sự” mang tính nhạy cảm chính trị và cẩn thận tránh sử dụng nó. Họ hiểu rằng, yêu cầu quân sự đối với các căn cứ, rất cần thiết cho chiến lược mở rộng quyền lực. Do đó, trọng tâm của Trung Quốc là xây dựng các “cơ sở lưỡng dụng” hơn là các căn cứ quân sự rõ ràng trên đất nước ngoài.
Cách tiếp cận lưỡng dụng của Trung Quốc nhằm giành quyền tiếp cận chiến lược ở các bờ biển xa xôi đã được hưởng lợi rất nhiều từ hoạt động xây dựng cảng nước ngoài ngày càng mở rộng trong hai thập kỷ qua và nhất là Sáng kiến Vành đai – Con đường.
Mở rộng phạm vi quân sự của riêng mình trong khi cố gắng đẩy Mỹ ra khỏi sân trước là một phần trong nỗ lực thiết lập vị thế thống trị của Trung Quốc ở châu Á và các vùng biển xung quanh. Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Mỹ cũng giống như chiến lược của họ ở Ấn Độ – tìm kiếm quyền tiếp cận quân sự tới các tiểu lục địa và Ấn Độ Dương trong khi cắt giảm các mối quan hệ đối tác chiến lược của New Delhi trong khu vực.
Đối với Trung Quốc trước đó, việc phản đối lập các căn cứ nước ngoài bắt nguồn từ những đánh giá hậu quả an ninh trực tiếp của các căn cứ quân sự nước ngoài. Ngày nay, khi khả năng quân sự của Trung Quốc được cải thiện và tham vọng chính trị tăng theo, Bắc Kinh đang cố gắng đẩy Mỹ ra khỏi châu Á một lần nữa.