Lễ tưởng niệm cho hơn 23 ngàn người dân Việt Nam đã không may qua đời trong đại dịch COVID-19 diễn ra vào tối ngày 19/11/2021.
Hoạt động này được cho biết do Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì cùng với hai địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Trong dịp này các cơ sở tôn giáo như chùa chiền và nhà thờ cũng đánh chuông tưởng niệm, tuy nhiên một số người dân đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của nhà cầm quyền trong cái chết của hơn hai vạn đồng bào để tránh lặp lại những sai lầm như vậy trong tương lai.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, một người dân sinh sống tại Sài Gòn cho hay, việc tưởng niệm là cần thiết tuy nhiên để những nạn nhân không bị lãng quên thì cần công khai các số liệu khoa học đầy đủ để người dân biết vì sao số người thiệt mạng lại nhanh và nhiều như vậy. Ông nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Về cái chuyện đại dịch đi qua với số lượng người chết như vậy ở trong một đất nước, thì nó đặt ra một câu hỏi hỏi rất lớn là trách nhiệm thuộc về ai.
Cho nên hôm nay chúng ta tưởng niệm nhưng chúng ta không có sự thành tâm hối lỗi của những người – đã có những thất bại và sai lầm nhất định trong việc chống dịch để cho người chết ở Việt Nam, đặc biệt là là Sài Gòn với số người chết đột biến như vậy.
Thì rõ ràng chúng ta vẫn chưa nói thật hết tất cả những gì đang xảy ra, và chưa nói ở trong cái đại dịch này nó có một chi tiết rất quan trọng để ngăn chặn số người chết, đó là vào tuần thứ hai của đại dịch.
Khi đó ông Nên và ông Mãi nói rằng là mấy ông (chính quyền-PV) cần phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để làm sao chống dịch hiệu quả nhất.
Nhưng cái lời nói đó chỉ là một cú trống đánh để mà mà người dân đang tin rằng mấy ông đang cố gắng thực chất, nhưng đến giờ này người ta thấy rằng mọi cái công cuộc chống dịch chỉ là duy ý chí chính trị chứ không có giá trị khoa học nào tuyệt đối.“
Kỹ sư Trần Bang, một người thường quan sát tình hình chính trị – xã hội ở Việt Nam cũng ủng hộ việc tưởng niệm đồng bào đã qua đời, tuy nhiên ông lại cho rằng cần thừa nhận nguyên nhân sâu xa của những sai lầm không đáng có ở đại dịch lần thứ tư. Ông bày tỏ:
“Theo tôi cái ê-kíp của ông Nguyễn Văn Nên và Phan Văn Mãi vừa qua thể hiện cái tính cách có vẻ trung thực hơn, đó là cũng biết thừa nhận những cái sai của chính quyền, thừa nhận là làm chưa tốt trong chống dịch.
Nguyên nhân sâu xa đó là việc lựa chọn cái người lãnh đạo thì các ông ấy không nói đến, cái không tốt đó là nguyên nhân từ đâu? Đó là từ con người, con người là do đâu? Đó là do đảng Cộng sản lựa chọn, nếu để người dân chọn thì những người đấy sẽ không tồn tại.
Phải có những người giỏi người ta biết tiếp thu những cái chữa trị những cái “dịch cúm” trên thế giới để áp dụng cho Việt Nam chữa trị.“
Các trang báo điện tử nhà nước trong ngày 19/11 hầu hết đều chuyển qua một phông nền đen toàn bộ hoặc một phần như một hình thức tưởng niệm và tri ân.
Cho đến hôm nay, cả nước đã có hơn 1 triệu ca nhiễm COVID-19, có hơn 23 ngàn người trong số đó đã qua đời trong đó có nữ ca sĩ hải ngoại Phi Nhung cũng nằm trong số đó.
Một số nhà quan sát đã bày tỏ lo lắng trên báo chí về việc Hà Nội hiện nay đang đi vào vết xe đổ của thành phố Hồ Chí Minh trong những tháng vừa qua. Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng, cần phải quy trách nhiệm để quốc gia có 100 triệu dân này không lặp lại sai lầm như trước đó.
“Nhưng cái kinh khủng nhất hiện nay cho đến giờ là vẫn chưa biết được ai là người chịu trách nhiệm chính về những chuyện chống dịch sai lầm đã diễn ra ở trong Việt Nam, mà vốn người dân Việt Nam nhìn thấy rõ ràng tất cả cả những hình ảnh đó nó xuất phát từ sự rập khuôn ở Trung Quốc vào những thời kỳ căng thẳng và tệ hại nhất.
Không hiểu sao những kịch bản như vậy, những cái bối cảnh như vậy cả thế giới lên án và sợ hãi thì Việt Nam lại áp dụng một cách hết sức là tuyệt đối, và dẫn đến chuyện mà giống như như ông Mãi và ông Nên đã từng nói rằng là cái việc giam nhốt cách ly người ta chỉ vì hiểu lầm.
Những cái hiểu lầm đơn giản trong lời nói cửa miệng của một quan chức đưa ra ra đó dẫn đến một cái chết của hàng chục ngàn người đó là một giá trị khác và cái đó cần phải được làm rõ chứ không chỉ là một lễ tưởng niệm chung chung như vậy.“
Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trong những ngày đầu tháng 10 sau khi quyết định sống chung với COVID-19 đã thú nhận, thành phố đã không ban bố tình trạng khẩn cấp mặc dù trên thực tế đã áp dụng tình trạng khẩn cấp như thời chiến.
Ông Nên cũng cho biết, thời điểm đỉnh dịch Việt Nam chưa có vắc-xin nên chỉ tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến với tinh thần là “ai khỏe vượt qua, ai bệnh nằm viện” chỉ biết giữ các ca dương tính lại để ngăn chặn nguồn lây, nhưng giữ không biết làm gì vì không có thuốc chữa trị.