Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn Tiêu Điểm Việt Nam

Chính quyền Hà Nội muốn vụ tai tiếng Tô Lâm để mọi việc chìm xuồng?

Theo như lời của một nhà quan sát từ trong nước nhận định rằng, chính quyền Hà Nội chỉ còn cách ‘để mọi việc tự lắng xuống’ còn ông Lâm ‘chỉ bị ảnh hưởng về uy tín’ chứ ‘sẽ không bị suy suyển gì’ từ vụ tai tiếng Bộ trưởng Công an Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng ở Anh ‘đẩy chính quyền vào thế bị động, lúng túng’.

Trước đó, hình ảnh video rò rỉ trên mạng xã hội cho thấy ông Tô Lâm há miệng được ‘Thánh rắc muối’ Salt Bae đút cho miếng thịt bò dát vàng đã gây bão trên mạng xã hội. Ông Lâm bị lên án là xa xỉ, phung phí, đạo đức giả vì trước đó ông vừa đi viếng mộ nhà lãnh đạo cách mạng vô sản Karl Marx ở London.

Hình ảnh được cho là được ghi lại trong chuyến công cán mà ông Lâm tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Anh dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 hồi cuối tháng 10. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa rõ bối cảnh của sự việc vì cả bản thân ông Lâm và chính quyền vẫn chưa lên tiếng mặc dù đã gần hai tuần lễ trôi qua từ lúc sự việc vỡ lở.

Điều này khác với khi Đại tá Đinh Văn Nơi, giám đốc công an tỉnh An Giang, hồi đầu tháng 10 bị tung lên mạng đoạn ghi âm ông trao đổi về việc An Giang không tiếp đón dân về quê tránh dịch. Chính quyền đã nhanh chóng cho rằng đây là ‘sản phẩm cắt ghép, dàn dựng, sai sự thật’ của ‘tổ chức phản động nước ngoài’ và yêu cầu công an khởi tố vụ án để điều tra.

‘Chờ lắng xuống’

Theo dõi chặt chẽ phản ứng của báo chí về vụ việc, ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm, cho biết báo chí trong nước ‘gần như hoàn toàn im hơi lặng tiếng’.

“Đó là sự khôn ngoan của báo chí, họ biết mình phải làm gì,” ông Vinh trao đổi với VOA từ Hà Nội.

Ông Vinh cho rằng nếu chính quyền không lên tiếng bác bỏ hay đính chính thì công chúng mặc nhiên có quyền khẳng định hình ảnh trong đoạn clip đó là xác thực. Ngoài ra, việc hàng chục tờ báo và trang mạng có uy tín trên thế giới đều đã đưa tin ‘chứng tỏ nó đã được kiểm chứng rất chắc chắn’, ông Vinh nói.

Sự im lặng của chính quyền càng tạo điều kiện cho mọi người tung ra đủ mọi suy đoán và thuyết âm mưu, cũng theo ông Vinh, và điều này không có lợi cho chính quyền.

Tuy nhiên, ông cho rằng vụ việc đang ‘đặt chính quyền vào thế khó’ vì họ không biết xử lý thế nào cho ổn thỏa. “Tôi tin rằng không có cách nào vì đây là khủng hoảng quá đặc biệt nên họ chỉ chờ cho thời gian qua đi thôi,” ông Vinh nói.

Trong bối cảnh người dân trong nước đang gặp đủ vấn đề từ dịch bệnh COVID-19, nguy cơ lạm phát, kinh tế, đời sống khó khăn rồi dồn dập các hoạt động đối ngoại cuối năm thì ‘chính quyền có lý do để cho rằng chuyện của ông Tô Lâm sẽ bị lãng quên’, ông phân tích.

Trước bão dư luận, sau khi về nước từ châu Âu ông Lâm vẫn xuất hiện bình thường trước công chúng và phát biểu trước Quốc hội như không có gì xảy ra. Mới đây nhất, ông Lâm đến dự và phát biểu tại ‘Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc’ ở tỉnh Điện Biên hôm 14/11.

Blogger này cho rằng việc ông Lâm làm việc theo lịch trình đã định sẵn ‘là việc bình thường’ chứ ‘không phải để khỏa lấp hay đánh lạc hướng dư luận’.

Mới đây từ khóa tìm kiếm liên quan đến vụ việc ông Tô Lâm bị chặn trên mạng xã hội. Trong bối cảnh mọi việc đã có dấu hiệu dịu bớt, ông Vinh cho rằng đây là hành động ‘thiếu khôn ngoan’ vì ‘làm cho đám cháy cháy to hơn’.

‘Có thể bị khuấy lên lại’

Blogger này, vốn từng là công an và từng bị tuyên án 5 năm tù về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’, cho rằng cách làm hiện nay của chính quyền ‘tiềm ẩn nhiều rủi ro’.

“Giả sử trong một cuộc tiếp xúc cử tri nào đó sắp tới để báo cáo về kết quả kỳ họp Quốc hội, nếu có cử tri nào đứng lên thắc mắc về chuyện này thì nó sẽ lại bùng lên,” ông phỏng đoán.

“Nhất là đối với đề tài chống tiêu cực, tiết kiệm, những điều đảng viên không được làm mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động nên rất dễ bị người dân nêu lên để hỏi tổng bí thư,” ông Vinh nói thêm. “Khi đó báo chí sẽ có cơ hội để nhảy vào.”

Theo ông Vinh thì do ông Tô Lâm là lãnh đạo rất cao cấp, là một ủy viên trong Bộ Chính trị đầy quyền lực, nên xử lý những vấn đề liên quan đến ông ‘là rất khó’. “Phải được sự đồng thuận của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban Tuyên giáo, thậm chí cả bên Bộ Ngoại giao nữa thì mới đưa ra được cách xử lý,” ông giải thích.

Tuy nhiên, ‘nếu ông Tô Lâm khôn ngoan thì ông ấy nên chủ động trao đổi với các vị kia để tìm ra cách giải quyết’, ông Vinh nhấn mạnh. “Ông ấy chỉ phải trả một cái giá nho nhỏ là xong chuyện,” ông nói.

Theo lời ông thì đối với các lãnh đạo ở cấp như ông Lâm thì việc ‘giao tiếp, đãi đằng, nghi lễ vì công việc mà phải có cũng là chuyện bình thường, thậm chí là nghiệp vụ của ngành công an’. Nhưng khi người dân biết được thì họ ‘sẽ thấy không bình thường’.

“Cái đó cần phải giải thích ra cho người dân biết [đi ăn với ai, vì mục đích gì…],” ông nói. “Nhưng cái tử huyệt là ở chỗ càng giải thích ra thì lại càng lộ chuyện này chuyện kia về bí mật công việc.”

‘Mất uy tín’

Đánh giá về tác động của vụ việc đối với ông Tô Lâm, Blogger Nguyễn Hữu Vinh nói: “Ít nhất về uy tín thì trong mắt người dân tôi tin là đã bị ảnh hưởng rồi.”

Tuy nhiên, nếu soi kỹ thì ‘cũng không rõ việc ông Tô Lâm làm có phạm vào các điều đảng viên không được làm’ hay không.

“Cần phải biết chính xác bữa ăn này là cái gì? Thành phần, mục đích, nguyên nhân rồi tiền bạc chi trả ra sao,” ông Vinh giải thích.

Măc dù vậy, hình ảnh ông Tô Lâm thể hiện trên đoạn clip như vậy, theo đánh giá của ông Vinh, là ‘thiếu văn hóa’. “Một lãnh đạo cao cấp mà ăn uống theo phương pháp đó là không xứng đáng với tư cách,” ông nhận định.

Trả lời câu hỏi của VOA tại sao một vị đứng đầu an ninh trong nước mà lại bất cẩn để cho hình ảnh không mong muốn của mình bị quay lại rồi phát tán cho công chúng, ông Vinh cho rằng ‘đây là điều đau đớn’ đối với ông Tô Lâm.

Tuy nhiên, nó không thể hiện ông Tô Lâm có nghiệp vụ yếu kém, cũng theo ông Vinh, vốn cho biết bản thân ông ‘từng đi học chung, từng công tác trong một cục ở Bộ Công an và từng thân với ông Tô Lâm’.

“Tính ông ấy từ khi đi học bạn bè với nhau đều hiểu là ông ấy rất xuề xòa,” ông Vinh nói. “Ông Tô Lâm không phải là người có bề dày làm công tác nghiệp vụ mà chủ yếu làm công tác tham mưu.”

“Cho nên trong chuyện này trách nhiệm chính là những người cấp dưới năng lực kém khi để cho hình ảnh lãnh đạo của mình bị đưa lên mạng như thế,” ông nói thêm. “Bên cạnh đó, đây cũng là căn bệnh chung của các lãnh đạo Việt Nam là khi chức càng to và quyền hành càng lớn thì dễ bị chủ quan.”

Related posts

Sốc với cảnh Cô dâu khoe vàng đeo trĩu cổ, nằm trên giường cưới rải hàng xấp tiền

Tin Tức Đa Chiều

Cảnh hàng trăm người lao động Việt Nam ở Serbia ‘sống và làm việc như nô lệ’

Tin Tức Đa Chiều

Nhiều nhà đầu tư đến rồi đi, lãnh đạo trăn trở tìm lời giải

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment