Tin tức Đa Chiều
Tiêu Điểm Việt Nam

Bà Rịa – Vũng Tàu đồng ý để doanh nghiệp thuê gần 910 ha VQG Côn Đảo làm du lịch sinh thái

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành quyết định số 3779 về phê duyệt “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo” giai đoạn đến năm 2030.

Đề án lấy đi hơn 888 ha rừng
Theo đề án, giới chức tỉnh đồng ý để Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo cho “các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí”.

Theo đó, tính đến năm 2030 sẽ có 20 địa điểm được cho thuê. Diện tích cho hoạt động này là 888,23 ha thuộc hợp phần rừng và 20 ha thuộc phân khu dịch vụ hành chính hợp phần biển.

20 địa điểm cho thuê gồm những khu vực ở bãi Dài – bãi Mới, bãi Cát lớn, bãi Đầm Trầu nhỏ, Bãi Dương, bãi Nhát – bến Đầm, bãi Ông Cường, Đá Cuội – Suối Thị, Đá Trắng, vịnh Đầm Tre, Đất Thắm – bãi Bàng, hòn Cau, hòn Tài, hòn Tre lớn, hòn Tre nhỏ, mũi Chim Chim, bãi Ông Câu, bãi Ông Đụng, Sở Rẫy, Suối Ớt và Ma Thiên Lãnh.

Đề án cũng xây dựng 17 tuyến du lịch sinh thái quanh đảo gồm: Tuyến đảo Côn Sơn và các đảo nhỏ, đảo Côn Sơn – hòn Tài – hòn Bảy Cạnh, đảo Côn Sơn – hòn Tài – hòn Cau, đảo Côn Sơn – hòn Tre lớn – hòn Tre nhỏ…

Giá thuê rừng không thấp hơn 1% doanh thu của năm
Theo đề án, giá cho thuê rừng do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn 1% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê diện tích đó. Mức này cũng là giá khởi điểm để đấu giá trong trường hợp có 2 đơn vị muốn thuê cùng một diện tích.

Thời gian thuê không quá 30 năm, định kỳ 5 năm sẽ đánh giá lại việc thực hiện hợp đồng. Hết thời gian cho thuê, nếu bên thuê thực hiện đúng hợp đồng và có nhu cầu muốn thuê tiếp thì chủ rừng là Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo sẽ xem xét kéo dài thời gian cho thuê.

Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi.

Tỷ lệ công trình lưu trú tại các điểm cho thuê rừng không quá 5% tổng diện tích thuê rừng. Tỷ lệ diện tích xây dựng sân, bãi đậu xe, hạ tầng kỹ thuật… không quá 15% với diện tích thuê là 50 ha và không quá 10% với diện tích hơn 50 ha.

Đắk Nông: Cấp phép cho san ủi quả đồi giữa trung tâm TP, Sở cho phép nhưng tỉnh không hay?
Sạt lở núi Bà Đen, “thác” đất đá từ đỉnh núi đổ xuống
Lâm Đồng quyết định nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, làm quần thể khách sạn 10 tầng
Lấy đi hơn 888 ha rừng là “diện tích quá lớn, không thể chấp nhận được”
Báo Đất Việt hôm 16/11 dẫn lời GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật – Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, cho rằng “UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần cân nhắc, không nên vội quyết định”.

“Việc dự kiến lấy đi tới hơn 888 ha rừng để làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí là không thể chấp nhận được. Đây là diện tích quá lớn. Đứng về vai trò quản lý nhà nước cần dứt khoát không đồng ý với dự án này. Việc này cần phải được lấy ý kiến từ Quốc hội”, ông Huỳnh nói.

Ông Huỳnh lý giải Vườn quốc gia Côn Đảo là lá phổi xanh của Côn Đảo, có vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa, điều tiết khí hậu, môi trường nhưng cũng đồng thời là bức tường rào, che chắn, bảo vệ cho Côn Đảo trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường.

“Mỗi một sự xâm hại nào tới khu rừng này cũng đều mang tới những tác hại rất lớn cho Côn Đảo”, GS Huỳnh khẳng đinh.

Theo GS Huỳnh, du lịch sinh thái trên thế giới là một khái niệm tốt, mang nhiều ý nghĩa góp phần tích cực cho việc bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. “Tuy nhiên, khái niệm du lịch sinh thái đang bị một số doanh nghiệp làm du lịch tại Việt Nam biến tướng, lạm dụng, lợi dụng để xâm hại hệ sinh thái, phá vỡ đa dạng sinh học, đe dọa nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên, tới tài nguyên và di sản. Điển hình phải kể đến như Tam Đảo, Cát Bà và tương lai là Côn Đảo… đang được phản ánh”.

Về thời hạn cho thuê rừng tới 30 năm, 5 năm đánh giá lại một lần, vị GS cho rằng làm vậy là “chạy vuốt đuôi”.

“Làm hỏng rồi mới chạy theo xử lý thì có lấy lại được rừng nữa không? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm khắc phục, phục hồi lại cho rừng?”, ông nói.

“Cái lợi từ bảo tồn rừng không thể tính bằng tiền mà tính bằng những giá trị sống. Đó là môi trường, là khí hậu, là cảnh quan… đó mới là những giá trị, lợi nhuận vô giá một khu rừng sinh thái mang lại.

Cần phải suy nghĩ lại với dự án này và kiên quyết đi theo hướng phát triển bền vững, phải bảo vệ, phát triển, phục hồi rừng thay vì biến đổi công năng, phá hủy nó”, vị GS cho hay.

Vườn Quốc gia Côn Đảo thuộc quần đảo Côn Đảo nằm Cách cửa sông Hậu (tỉnh Cần Thơ) 83 km, cách thành phố Vũng Tàu 185 km và TP.HCM 250 km.

Vườn Quốc gia Côn Đảo thuộc hệ thống rừng đặc dụng, là một trong 33 Vườn quốc gia của Việt Nam. Tổng diện tích tự nhiên là 19.883,15 ha (trong đó phần diện tích bảo tồn rừng trên các hòn đảo là 5.883,15 ha; phần diện tích bảo tồn biển là 14.000 ha). Ngoài ra, diện tích vùng đệm trên biển là 20.500 ha.

Vườn quốc gia Côn Đảo có thành phần thực vật tương đối phong phú và đa dạng với 1.077 loài thực vật bậc cao thuộc 640 chi, 160 họ.

Hệ động vật rừng Côn Đảo đến nay đã ghi nhận được 155 loài, trong đó lớp thú chiếm 25 loài, chim 85 loài, bò sát 32 loài, lưỡng cư 13 loài.

Hệ sinh thái biển cũng đa dạng và phong phú với nhiều hệ sinh thái đặc trưng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được khoảng 1.725 loài sinh vật biển thuộc các nhóm thực vật biển, sinh vật phù du, san hô, giun nhiều tơ, thân mềm, giáp xác, da gai, cá rạn san hô.

Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi có số lượng rùa biển lên đẻ hàng năm, nơi thực hiện việc bảo tồn và cứu hộ loài Rùa xanh (Green turle) nhiều nhất của Việt Nam và quan trọng của khu vực Đông Nam Á – Ấn Độ Dương.

Related posts

Phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh xuyên quốc gia

Tin Tức Đa Chiều

Trước thềm chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Trung Quốc có phát biểu đáng chú ý

Tin Tức Đa Chiều

Người thân gào khóc thảm thiết tại hiện trường xe khách ‘đấu đầu’ xe ben khiến 3 người tử vong

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment