Hãng tin Reuters hôm 13/11 dẫn bốn nguồn tin cho biết, trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã thúc đẩy các giám đốc điều hành, các công ty và các nhóm kinh doanh của Mỹ đấu tranh chống lại các dự luật liên quan đến Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ.
Theo các nguồn tin, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, đã gửi thư thúc ép các nhà điều hành hối thúc các thành viên Quốc hội, thay đổi hoặc hủy bỏ các dự luật cụ thể nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ. Các bức thư được gửi từ văn phòng kinh tế và thương mại của đại sứ quán Trung Quốc.
Trong thư, các quan chức Trung Quốc cảnh báo các công ty rằng, họ có nguy cơ mất thị phần hoặc doanh thu ở Trung Quốc, nếu những dự luật trở thành luật.
Các nguồn tin cho biết, yêu cầu từ phía Trung Quốc cũng khiến một số cá nhân nhận được thư lo ngại, vì họ có thể sẽ bị coi là vi phạm Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài (FARA), nếu họ vận động các nhà lập pháp về các vấn đề tương tự trong tương lai. Do đó, không có nguồn nào muốn được xác định là đã nhận hay xem bức thư.
Thượng viện Mỹ ngày 27/5 thông qua dự luật với tên gọi Đạo luật cạnh tranh và đổi mới 2021 (USICA), nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc.
Một dự luật liên quan được gọi là Đạo luật Đại bàng, tập trung vào chính sách nghiêm ngặt hơn, xem xét nhiều khía cạnh quan hệ Mỹ – Trung, dự luật này đã được đệ trình tại Hạ viện.
Reuters nhận định, ngôn ngữ trong bức thư của đại sứ quán Trung Quốc gửi cho nhiều người rõ ràng là yêu cầu các công ty phản đối Đạo luật cạnh tranh và đổi mới 2021 USICA và Đạo luật Đại bàng.
Phía Bắc Kinh coi các biện pháp từ phía Hoa Kỳ là một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ, nhằm chống lại sức mạnh kinh tế và địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong bức thư được gửi vào đầu tháng 11, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi chân thành hy vọng các bạn sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc thúc giục các thành viên Quốc hội từ bỏ tư duy tổng bằng không và định kiến về ý thức hệ, ngừng đưa ra các dự luật tiêu cực liên quan đến Trung Quốc, xóa bỏ các điều khoản tiêu cực, để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế song phương và hợp tác thương mại trước khi quá muộn”.