Những thúc đẩy mạnh mẽ gần đây của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên nhiều mặt, chẳng hạn như mở rộng kho vũ khí hạt nhân, phát triển công nghệ không gian, mạng và tên lửa, cũng như như việc đe dọa thôn tính Đài Loan đã khiến Mỹ bất an, khiến chính quyền Tổng thống Biden và quân đội Mỹ phải xét lại nguy cơ từ ĐCSTQ. Diễn biến cho thấy Mỹ đang điều chỉnh chính sách đối ngoại và quốc phòng tập trung ứng phó cục diện mới này.
Điều chỉnh chính sách đối ngoại và quốc phòng
Cơ quan quốc phòng Mỹ đang thấy bất an bởi sức mạnh quân sự ngày càng tăng của ĐCSTQ và những nỗ lực của họ cho mục tiêu chấm dứt vai trò thống trị của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo hãng tin AP, nhân vật thứ 2 của quân đội Mỹ là Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng John Hyten nói: “Tốc độ tiến bộ của Trung Quốc (ĐCSTQ) là đáng kinh ngạc”. Tướng Hyten từng chỉ huy lực lượng hạt nhân của Mỹ và giám sát các hoạt động vũ trụ của Không quân Mỹ.
Trong vài tuần tới có thể thấy rõ hơn cách Lầu Năm Góc dự định đối phó với những thách thức của ĐCSTQ: hiện chính quyền Biden đang xem lại chính sách về vũ khí hạt nhân, căn cứ quân sự trên toàn cầu, và chiến lược quốc phòng tổng thể.
Trong nhiều thập kỷ, vấn đề cân bằng sức mạnh quân sự toàn cầu đã có lợi cho Mỹ, nhưng hiện đang ở giữa xu thế thay đổi tiềm ẩn nguy hiểm.
Động thái cho thấy giới chức Mỹ hiện khá bất ngờ về khả năng của ĐCSTQ trong tích hợp các nguồn lực, công nghệ và ý chí chính trị để nhanh chóng đạt được lợi ích: tốc độ nhanh đến mức chính quyền Biden đang phải điều chỉnh trên mọi phương diện trong chính sách đối ngoại và quốc phòng.
Chiến tranh Lạnh Trung – Mỹ đến thời khắc leo thang?
Vũ khí siêu thanh
Ví dụ mới nhất khiến người Mỹ ngạc nhiên là việc quân đội ĐCSTQ thử nghiệm vũ khí siêu thanh có thể bay quanh Trái đất, sau đó quay trở lại bầu khí quyển và lướt theo một con đường có thể điều khiển để tiếp cận mục tiêu. Hệ thống vũ khí này được thiết kế để né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, dù Bắc Kinh khẳng định họ đang thử nghiệm tàu vũ trụ tái sử dụng chứ không phải tên lửa, nhưng vụ thử vẫn khiến giới chức Mỹ sửng sốt.
Lầu Năm Góc: Năng lực vũ khí siêu thanh của Trung Quốc gia tăng căng thẳng toàn cầu
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ là Tướng Mark Milley tuyên bố rằng cuộc thử nghiệm “rất tương đồng” với sự kiện Liên Xô phóng vệ tinh không gian nhân tạo đầu tiên trên thế giới vào năm 1957 – điều này khiến thế giới ngạc nhiên và lo ngại Mỹ sẽ lạc hậu về công nghệ so với đối thủ. Điều xảy ra sau đó là Mỹ và Nga tham gia vào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và hàng không vũ trụ, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô.
Tướng Milley nói rằng vũ khí siêu thanh của ĐCSTQ là “rất đáng lo ngại” cho Mỹ. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: “Đó là một hệ thống vũ khí, và khả năng quân sự của Trung Quốc còn hơn thế nữa. Họ đang mở rộng nhanh chóng trong không gian, đại dương, đất liền, mạng internet…”
Kho vũ khí hạt nhân
Về vũ khí hạt nhân, các hình ảnh vệ tinh cho thấy các cơ sở phóng tên lửa của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, minh chứng kế hoạch của ĐCSTQ tăng cường khả năng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Chuyên gia Hans Kristensen về vũ khí hạt nhân của Hội các nhà khoa học Mỹ nói rằng Trung Quốc dường như có khoảng 250 căn cứ phóng tên lửa xuyên lục địa đang được xây dựng. Ông nói rằng con số này gấp hơn 10 lần con số hiện được sử dụng trong các hoạt động quân sự. So sánh, quân đội Mỹ có 400 căn cứ phóng tên lửa xuyên lục địa đang hoạt động và 50 căn cứ dự phòng.
Giới chức Lầu Năm Góc và chuyên gia quốc phòng phe diều hâu trên Đồi Capitol đã chỉ ra rằng việc hiện đại hóa quân đội của ĐCSTQ là lý do quan trọng để Mỹ xây dựng lại kho vũ khí hạt nhân, dự án này dự kiến sẽ tiêu tốn hơn 1 tỷ USD trong vòng 30 năm, bao gồm cả chi phí bảo trì.
Quốc hội Mỹ cũng ngày càng chú ý sự phát triển quân sự của ĐCSTQ và ủng hộ việc gia tăng chi tiêu quân sự cho các hoạt động không gian, mạng internet cũng như công nghệ siêu thanh. Ví dụ: đã có tăng cường đầu tư thêm ngân sách quốc phòng trong năm tới để trang bị vũ khí siêu thanh cho tàu ngầm mang tên lửa – một kế hoạch do chính quyền của cựu Tổng thống Trump khởi xướng.
Nguy cơ từ ĐCSTQ lớn hơn Nga và khủng bố
Nhiều thập kỷ qua Mỹ vẫn cảnh giác về sự gia tăng đầu tư quốc phòng của ĐCSTQ, lo ngại mục tiêu của Bắc Kinh là trở thành bá chủ toàn cầu. Nhưng trong ít nhất 20 năm qua, Washington đã tập trung nhiều hơn vào việc chống lại Al Qaeda và các mối đe dọa khủng bố khác ở Iraq và Afghanistan. Điều này bắt đầu thay đổi dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, vào năm 2018 Mỹ đã chính thức nâng ĐCSTQ và Nga lên hàng đầu trong danh sách các ưu tiên quốc phòng, thay thế trước đó xem khủng bố là mối đe dọa số một.
Hiện nay chính quyền ông Biden vẫn coi Nga là mối đe dọa chiến lược lớn nhất đối với Mỹ, vì kho vũ khí hạt nhân của Nga vượt xa của ĐCSTQ. Nhưng Tướng Milley và nhiều chuyên gia khác cho biết trong dài hạn Trung Quốc là mối lo ngại lớn hơn vì sức mạnh kinh tế vượt xa Nga, và ĐCSTQ đang tăng tốc nguồn lực vào hiện đại hóa quân đội.
Tướng John E. Hyten – Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (sắp nghỉ hưu vào tháng 11), nói rằng theo tốc độ và thành tựu đầu tư quân sự của ĐCSTQ hiện nay, nếu Mỹ không có biện pháp thay đổi thì sức mạnh quân sự tổng thể của Bắc Kinh sẽ vượt Nga và Mỹ.
Phòng thủ Đài Loan dần rõ ràng hơn
Một vấn đề lớn khác là đe dọa của ĐCSTQ đối với Đài Loan. Các sĩ quan cấp cao của quân đội Mỹ đã cảnh báo trong năm nay rằng ĐCSTQ có thể đang đẩy nhanh tiến độ đánh chiếm Đài Loan. Hệ thống tự do và dân chủ của Đài Loan đang ngày càng khiến ĐCSTQ cảm thấy như nguy cơ đối với họ.
Lâu nay Mỹ đã hứa giúp Đài Loan tự vệ, nhưng luôn duy trì một chính sách mơ hồ về mặt chiến lược trong khả năng có thể sẵn sàng tiến xa. Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Biden ngày 21/10 dường như đã từ bỏ lập trường mơ hồ này, ông cho biết Mỹ sẽ giúp bảo vệ Đài Loan nếu Đài Loan bị ĐCSTQ tấn công. Biden nói: “Chúng tôi có cam kết làm như vậy”.
Mặc dù sau đó Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố nhằm làm giảm bớt sự rõ ràng chiến lược này, nhưng chỉ nói sẽ không thay đổi chính sách của Mỹ. Nhưng chính quyền Biden tuyên bố quyết tâm cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc (ĐCSTQ) và dựa vào mạng lưới đồng minh ở châu Á và các khu vực khác, đây là nguồn sức mạnh tiềm tàng mà Bắc Kinh không thể sánh bằng. Đây cũng là lý do then chốt khiến chính quyền Biden quyết định chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân có độ nhạy cảm cao với Úc, cho phép Úc sở hữu hạm đội tàu ngầm hạt nhân được trang bị vũ khí thông thường nhằm sẵn sàng ứng phó quân của ĐCSTQ.