Đọ số lượng vũ khí hạt nhân với Washington là điều ngu ngốc, trong khi tất cả những gì cần là đủ số lượng để xóa sổ nước Mỹ trong một đòn, tổng biển tập Thời báo Hoàn cầu viết.
“Trung Quốc sẽ không lao vào một cuộc chạy đua hạt nhân với nước Mỹ. Chúng tôi thấy điều đó thật ngu ngốc. Tôi biết rằng Mỹ có số lượng vũ khí hạt nhân đủ để hủy diệt Trung Quốc 10 lần, nhưng chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng tôi có đủ sức mạnh để tiêu diệt nước Mỹ trong một lần” – ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu viết trên Twitter hôm 27/10.
Ông Hồ Tích Tiến đưa ra bình luận trên là nhằm vào một bài bình luận của Laura Grego, chuyên viên Phòng thí nghiệm An ninh và Chính sách hạt nhân của MIT, người đã cảnh báo rằng việc chính phủ Mỹ phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa đã khiến Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác phát triển thêm nhiều vũ khí nguy hiểm đủ sức đánh bại họ.
“Những tên lửa mới của Trung Quốc đã dập tắt suy nghĩ của Mỹ rằng một ngày nào đó những tiến bộ trong công nghệ của họ sẽ cho phép họ tấn công phủ đầu Trung Quốc trong khi không chịu tổn thương bởi một đòn tấn công hạt nhân trả đũa” – Grego viết, nhắc tới thông tin về cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Bắc Kinh.
Đây cũng là luận điểm mà ông Hồ Tích Tiến đưa ra hồi tuần trước, kêu gọi Mỹ “từ bỏ ý tưởng điên rồ rằng họ có thể tấn công Trung Quốc và Nga, nhưng hai nước này lại không thể tấn công họ”.
Ông Hồ Tích Tiến bắt đầu giữ chức tổng biên tập Hoàn Cầu thời báo (ấn bản tiếng Anh) từ năm 2009, tờ báo này hoạt động dưới sự hỗ trợ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bình luận mà ông đăng tải trên Twitter được cho là phiên bản ngắn hơn của tranh luận mà ông đưa ra trước đó 10 ngày, trong đó nói rằng Trung Quốc phát triển răn đe hạt nhân là nhằm “đảm bảo rằng Mỹ từ bỏ ý tưởng đe dọa hạt nhân với Trung Quốc, hoặc sử dụng lực lượng hạt nhân để lấp khoảng trống trong các lực lượng truyền thống của Mỹ – vốn không thể nghiền nát được Trung Quốc.”
Đầu tháng này, các báo cáo về việc quân đội Trung Quốc thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh xuyên lục địa có khả năng mang hạt nhân đã khiến các quan chức Lầu Năm Góc bất ngờ, Washington dường như không lường trước được việc Bắc Kinh có thể tiến đến việc thử nghiệm vũ khí siêu thanh nhanh như vậy.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 27/10, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley nói rằng “sự kiện rất đáng chú ý này” là “rất quan ngại” và “rất gần” với khoảnh khắc Sputnik, nhắc tới cú sốc năm 1957 với phương Tây khi mà Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo.
Nga cũng từng gây cú sốc tương tự với Mỹ và NATO vào năm 2018, khi cho ra mắt nhiều hệ thống vũ khí tối tân – trong đó có 2 tên lửa siêu thanh, Kinzhal và Avangard. Một hệ thống tên lửa siêu thanh khác, Zircon, đã được thử nghiệm thành công sau đó.