Tôi nghe mấy anh bạn người miền Trung nói lũ lụt ở đây là chuyện bình thường, năm nào cũng có, nên người miền Trung sống chung với nó quen rồi. Sống chung thì phải chấp nhận, cũng như nhân dân cả nước đang sống chung với virus Corona.
Người dân miền Trung có câu: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm “. Có mạnh thường quân từ thiện thêm thì tốt, nhưng không có thì người dân vẫn sống bình thường.
Hàng và tiền cứu trợ có đáng bao nhiêu so với tổng chi tiêu hàng ngày của người dân. Thứ người dân cần là những thứ nhà nước phải làm để giúp dân phát triển kinh tế như tháo dỡ các gông xiềng về thể chế và bộ máy, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa và xã hội, nâng cao dân trí…
Những việc này nhà nước không làm được bao nhiêu, nên người dân không có điều kiện phát triển. Tôi thấy những ý kiến này là xác đáng. Người xưa vẫn nói cho cần câu chứ không nên cho con cá. Thể chế và bộ máy xiềng xích người dân như thế này thì trăm năm nữa miền Trung cũng không thể phát triển.
Có chăng là xây được một số ngôi nhà mới nhờ con em đi làm ăn xa gửi tiền về trợ giúp. Mà đâu phải chỉ ở miền Trung, nhìn Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc và cả nước kia kìa, có chỗ nào phát triển thực chất đâu, toàn một mớ bòng bong hỗn loạn.
Tưởng Sài Gòn là hoa lệ nhưng đại dịch Covid đã lột trần cái hoa lệ của thành phố cho chúng ta thấy thực chất nghèo đói và hèn kém như thế nào.
Năm nay, nhấp nhổm được đến đầu Đông, ngỡ bão lũ về ít, miền Trung như thoát khổ chút. Nhưng không, nước lại lên, gió lại nổi, người lại khổ.
Miền Trung giờ nặng thêm gánh, vì số bà con thất nghiệp vì dịch bệnh, tất tả quay về tìm chốn ẩn trú “khi nào trên đường đời khổ đau cứ về”, giờ con nước mênh mông, con gió xoay cuồng, sẽ thế nào đây?
Kiến leo cành đa, leo phải cành cụt còn biết leo ra leo vào. Người chạy dịch bệnh lại gặp thiên tai, chạy đi đâu trong cái luẩn quẩn thiên tai dịch bệnh của một năm chẳng mấy vui vẻ này?
Tội miền Trung lắm! ********
Tôi gọi mấy chỗ bạn năm trước tôi thường hay gửi đồ cứu trợ, để gửi 500kg gạo và 200 thùng Phở ra miền Trung, giờ bên nào cũng từ chối.
Người thì nói không đi được vì từ Sài Gòn đi các tỉnh lúc này, không phải chuyện đơn giản. Dịch bệnh ngăn sông cách chợ, lại thêm bao nỗi sợ hữu hình suốt 2 năm qua, muốn đến với nhau cũng khó.
Người thì lại nói, thôi có nhiêu thì gửi bạn bè quen ngoài đó, chứ không bao giờ vận động hay quyên góp nữa. Nhìn bao tấm gương đang sờ sờ ra kia, thiện tâm tốt lòng cũng đành thu hết lại để bảo vệ bản thân trước những thị phi khẩu nghiệp đến tàn nhẫn của người đời vẫn ra rả suốt mấy tháng qua.
Thì biết rằng vàng thật sẽ không sợ lửa; tốt thật sẽ chẳng ngần ngại cái miệng lưỡi thế gian, nhưng cái cảm giác làm việc tốt mà phải đi chứng minh mình tốt thật một lần nữa từ những săm soi ác ý, sao mà nó bẽ bàng, nó cay đắng…
Người tốt thật sự, có đáng bị như thế đâu? (là tôi đang nói người tốt thật sự, chứ người giả tốt, giả chính giả nghĩa, tôi miễn bàn)
Giữa mọi ồn ào loạn xị trên những bữa tiệc thị phi nhuốm mùi nhân phẩm, cái được đâu thì chưa thấy, cái mất của lòng tin, của sự nghi kỵ, của những ph.ỉ báng đ.ấu tố đã làm phôi pha phần nào cái sự muốn thiện, muốn tốt của con người cho nhau.
Cái điều đẹp đẽ của cha ông, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” gần như đang bị huỷ hoại, ít nhất là trong thời gian này, trong đợt thiên tai này, giữa những người dân có thiện tâm xông pha.
Giờ lá nào cũng bị miệng lưỡi xé toạc. Mà kẻ xé thì đâu có đùm bọc dùm cho miền Trung lúc này?
Lúc này, lại thương đồng bào hơn bao giờ hết. Đã bị thiên tai, lại mất đi không ít sẻ chia. Khó khăn đời ai cũng gặp phải nhưng thiếu sự chia sẻ quả là bất hạnh. Gặp thiên tai, lại gặp thêm nhân tai nữa đấy.
Vì đâu, vì ai mà nên nỗi? ********
Nói gì thì hết dịch, và qua thiên tai, tôi lại vẫn đi, bằng những gì mình có. Tôi có nhiều thứ, nhiều điều còn dang dở với miền Trung, trong hành trình chia sẻ của mình.
Tôi nợ miền Trung những yêu thương mà miền Trung đã dành cho tôi, từ ngày chập chững những bài báo đầu tiên.
Người ta có thể dùng cái đau của đồng bào để làm màu làm mè, để trục lợi, để đ.ấu tố mua danh, thôi thì kệ đi. Ai gieo gì thì gặt nấy, thời này nhanh lắm. Còn mình, cứ việc mình mình làm.
Hẹn rồi nhé, miền Trung!