Nga “thủ sẵn dao” đề phòng Trung Quốc: Bạn nào cũng có thể tốt, nhưng Bắc Kinh thì né xa? Trung Quốc đang là mối hoạ lớn khi xâm phạm vào thánh địa huy hoàng của Nga dưới vỏ bọc bình yên.
NGA ĐANG DÈ CHỪNG TRUNG QUỐC?
Sự khôn ngoan sẽ khiến người bạn tốt nhất trở thành kẻ thù tồi tệ nhất. Liệu Trung Quốc có nên ghi nhớ câu nói này liên quan đến mối quan hệ với Nga?
Hiện tại, hiềm khích giữa hai quốc gia đối tác dường như là một viễn cảnh xa vời, đặc biệt là sau khi Tổng thống Vladimir Putin công khai ca ngợi Bắc Kinh tại hội nghị Tuần lễ Năng lượng Nga gần đây.
Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố công khai hài hòa, quan hệ Trung-Nga dường như không thể che giấu hoàn toàn sự không vừa lòng của giới tinh hoa Nga đối với Bắc Kinh.
Bài viết mới nhất của Giáo sư Alexander Lukin trên tờ Washington Quarterly đã làm nổi bật sự thay đổi này.
Vào năm 2018, ông Lukin đã lạc quan về triển vọng hợp tác Trung-Nga. Nhưng giờ đây, học giả thẳng thắn thừa nhận rằng “những thay đổi chính sách của Mỹ ít ngăn cản mối quan hệ Nga-Trung hơn là những lo ngại của chính Nga về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc”.
Ông lập luận rằng “thời kỳ đỉnh cao của quan hệ Nga-Trung có lẽ đã qua”.
Theo The Diplomat, quan điểm của giáo sư Lukin là rất đáng lưu ý. Ông là người hiểu Trung Quốc hơn bất kỳ ai, khi từng phục vụ trong Bộ Ngoại giao Liên Xô và Đại sứ quán Liên Xô tại Trung Quốc.
Lukin cũng có uy tín cao ở Trung Quốc. Ông từng nhận huân chương vì “Đóng góp xuất sắc cho sự phát triển quan hệ Trung-Nga”, cũng như huy chương của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải nhân kỷ niệm 10 năm thành lập.
Do đó, quan điểm của Lukin có thể phần nào đó đại diện cho một sự thay đổi nhất định trong suy nghĩ của một số giới tinh hoa Nga, những người không thể nói lên ý kiến một cách công khai do sự cần thiết phải duy trì sự hài hòa bề ngoài của quan hệ Trung-Nga.
Nếu lời phê bình của Lukin là đúng, thì dưới vỏ bọc bình yên kia, giới tinh hoa Nga đang lo lắng về Trung Quốc. Trong khi có nhiều yếu tố tác động đến mối quan hệ này, một trong những mối quan tâm nhất đối với người Nga là ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á.
CÚ NGOẶT KHÔNG TƯỞNG
Thương mại và đầu tư của Nga ở Trung Á kém hơn so với Trung Quốc, nhưng cả hai cường quốc đều muốn trông chờ khu vực sẽ trở nên thịnh vượng, nơi chủ nghĩa khủng bố và cực đoan sớm bị loại bỏ.
Tuy nhiên, sức mạnh tăng vọt của Trung Quốc ở Trung Á thời gian qua đã và đang làm suy yếu các thể chế kinh tế và quân sự của Moscow, vốn được xây dựng để tái liên kết khu vực này sau khi Liên Xô tan rã.
Về kinh tế, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đã và đang làm lu mờ Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga lãnh đạo.
Bất chấp thỏa thuận về việc liên kết hai dự án, Bắc Kinh và các thành viên Trung Á thích đàm phán trên cơ sở song phương, làm suy yếu vai trò lãnh đạo EAEU của Nga.
Trách nhiệm chung của Moscow về an ninh ở Trung Á cũng bị thay đổi. Hiện tại, Bắc Kinh không chỉ cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho các quốc gia Trung Á mà còn gửi quân đội tới đó.
Căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng ở Tajikistan nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia ở Tân Cương có thể không làm giảm vai trò của Nga ở Trung Á.
Tuy nhiên, cả Bắc Kinh và Dushanbe đều không tham vấn với Moscow về căn cứ này – mặc dù thực tế Tajikistan là đồng minh quân sự của Nga từ năm 1992, với tư cách là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Sự ưng thuận sau đó của Moscow có thể đã báo hiệu sự suy giảm quyết tâm của nước này trong việc chống lại Bắc Kinh ở Trung Á. Vai trò an ninh của Moscow ở Trung Á vẫn lớn hơn Bắc Kinh, nhưng sự thống trị đó đang bắt đầu bị xói mòn.
Nói cách khác, giới tinh hoa Nga có lý do để lo lắng về quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á. Tuy nhiên, giáo sư Lukin cũng lập luận rằng, áp lực mà Mỹ và phương Tây đang gây ra đối với Nga là động lực chính sách mạnh mẽ hơn nhiều so với mối nguy ngày càng tăng đến từ Trung Quốc.
Do đó, trong ngắn hạn, chính sách đối ngoại của Nga khó có thể thay đổi. Nhưng khi nói về lâu dài, về cơ bản Nga không thể chấp nhận việc tự biến mình thành một đối tác nhỏ ở Trung Á. Xét cho cùng, khu vực này tượng trưng cho quá khứ huy hoàng của Nga với tư cách là một siêu cường.
Nếu Trung Quốc vượt Mỹ trở thành siêu cường lớn nhất thế giới trong tương lai, cán cân quyền lực toàn cầu sẽ thay đổi đáng kể, ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Nga.
Trong trường hợp đó, Nga sẽ huỷ tất cả các ván cược đặt vào Trung Quốc. Điều này cũng sẽ không gây ngạc nhiên. Giống như Dmitri Likhachev, một trí thức Nga lỗi lạc của thế kỷ 20, từng nhận định, Nga vốn là một quốc gia vô cùng khó đoán, với tiền lệ tạo ra những cú ngoặt không tưởng trong lịch sử.