Các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra loài bọ cạp Terropterus xiushanensis, là một loài chân đốt cổ đại có liên quan chặt chẽ với loài nhện hiện đại và cua móng ngựa.
Hóa thạch của ‘Terropterus xiushanensis’ được tìm thấy gần Trùng Khánh và Vũ Hán. Chiều dài của các mẫu vật mới ước tính là khoảng 40 và 100 cm. “Nếu mẫu vật là con non, con trưởng thành có thể lớn hơn”, nhà nghiên cứu cho biết.
Loài mới phát hiện bổ sung thêm kiến thức về phạm vi và sự đa dạng của những sinh vật vốn chỉ biết dựa trên một vài hóa thạch của bốn loài tìm thấy cách đây 80 năm.Nhà nghiên cứu Bo Wang từ Viện Địa chất Nam Kinh, Trung Quốc cho biết con bọ cạp biển có kích thước to lớn, nhiều gai nhọn quanh chân để săn bắt mồi.
Con vật đáng sợ này sống trong kỷ Silur , khoảng 443,8 triệu đến 419,2 triệu năm trước. Vào thời điểm này, bọ cạp biển là kẻ săn mồi đỉnh cao trong khu vực. Chúng rình rập dưới nước, vồ bắt những con cá và động vật thân mềm. Chúng dùng chiếc chân lớn để tóm gọn con mồi sau đó cho vào miệng.
Nhóm nghiên cứu ghi nhận mỗi mẫu hóa thạch có những chiếc chân lớn, có gai và một đoạn đuôi độc để gài bẫy, tấn công con mồi. Các nhà nghiên cứu cho biết Terropterus đóng vai trò quan trọng, là động vật ăn thịt hàng đầu trong hệ sinh thái biển vào thời kỳ đầu Silur khi không có đối thủ cạnh tranh lớn.
Việc kiểm tra các bộ phận cơ thể được bảo quản tốt của Terropterus, đặc biệt là các phần phụ, cho thấy lịch sử tiến hóa của các mixopterids phức tạp hơn những gì các nhà nghiên cứu giả định trước đây.
Các loài bọ cạp biển bị ảnh hưởng nặng nề từ sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Devon, suy giảm về số lượng và sự đa dạng cho đến khi chúng bị tuyệt chủng sau sự kiện kỷ Permi – kỷ Trias khoảng 251,9 triệu năm trước.
Terropterus xiushanensis đại diện cho loài eurypterid mixopterid lâu đời nhất được tìm thấy cho đến nay, cũng như mixopterid đầu tiên từ siêu lục địa Gondwana, sau này hình thành nên một phần của siêu lục địa Pangea lớn hơn rất nhiều.