Căng thẳng Đài Loan thổi bùng lo ngại xung đột Mỹ-Trung ở châu Á. Theo các chuyên gia, căng thẳng trên eo biển Đài Loan khó có thể dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc vào lúc này nhưng mọi sơ suất hoặc tính toán sai lầm đều có nguy cơ dẫn đến đụng độ.
Theo Politico, tham vọng của Trung Quốc và Mỹ không giống nhau. Trong khi Trung Quốc tìm cách đưa hòn đảo quan trọng về mặt chiến lược và biểu tượng trở lại dưới quyền kiểm soát của mình, Mỹ lại ủng hộ một Đài Loan dân chủ hơn. Căng thẳng ngày càng leo thang trên eo biển Đài Loan gần đây vì thế đã thổi bùng lo ngại xung đột Mỹ-Trung nổ ra ở châu Á.
Các chuyên gia đều đồng ý rằng, một cuộc xung đột trực tiếp trên eo biển Đài Loan khó có thể xảy ra vào lúc này, nhưng khi tương lai của Đài Loan ngày càng trở thành một “thùng thuốc súng”, thì bất cứ sơ suất hoặc tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến đối đầu thậm chí một cuộc chiến.
Một câu hỏi đặt ra là nếu xung đột xảy ra, liệu Mỹ có tham chiến để bảo vệ Đài Loan?
Vào năm 1996, khi Trung Quốc không hài lòng với những gì họ cho là sự gia tăng hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Loan, đã quyết định dằn mặt Đài Bắc lẫn Washington bằng các cuộc tập trận bao gồm bắn tên lửa vào vùng biển cách bờ biển Đài Loan 30 km.
Mỹ đã đáp trả lại bằng màn phô trương lực lượng của mình, cử 2 nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực. Vào thời điểm đó, Trung Quốc không có tàu sân bay và ít phương tiện để đe dọa tàu Mỹ và cuối cùng Bắc Kinh đã lùi bước.
Nhưng từ sự kiện này, Trung Quốc đã bắt tay vào cải tổ quân đội và 25 năm sau, nước này đã cải thiện đáng kể khả năng phòng thủ tên lửa của họ. Bắc Kinh giờ đây đã có tàu sân bay riêng của mình, có thể dễ dàng tấn công đáp trả bất cứ kẻ thù nào.
Báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ trước Quốc hội cho biết, vào năm 2000, họ chỉ đánh giá lực lượng vũ trang Trung Quốc là “một quân đội hùng hầu nhưng chủ yếu lỗi thời”. Tuy nhiên, ngày nay Trung Quốc đã trở thành một đối thủ đáng gờm của Mỹ, thậm chí vượt qua quân đội Mỹ trong một số lĩnh vực bao gồm cả đóng tàu.
Chính sách lâu nay của Washington là cung cấp hỗ trợ chính trị và quân sự cho Đài Loan, trong khi không hứa hẹn rõ ràng có bảo vệ bảo vệ Đài Loan trước cuộc tấn công nếu có của Trung Quốc hay không.
Tuy nhiên, Henry Boyd, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định: “Từ quan điểm của Mỹ về sự cạnh tranh cường quốc với Trung Quốc, thì nhu cầu đứng lên chống lại con rồng châu Á là một yếu tố đủ mạnh để không tham gia cuộc xung đột (ở eo biển Đài Loan nếu có) sẽ bị coi là phản bội lại lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là của phần lãnh thổ đang chờ thống nhất với đại lục và việc kiểm soát hòn đảo này là một phần quan trọng trong tư duy chính trị và quân sự của Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình vào cuối tuần trước một lần nữa nhấn mạnh “việc thống nhất đất nước phải được thực hiện và chắc chắn sẽ được thực hiện”. Mục tiêu này đã trở nên thực tế hơn khi các lực lượng vũ trang Trung Quốc đạt được nhiều cải tiến lớn trong hai thập kỷ qua.
Về phần mình, Mỹ đang tăng cường hỗ trợ Đài Loan và đã rút quân khỏi Trung Đông để chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Luật pháp Mỹ vốn yêu cầu nước này hỗ trợ Đài Loan duy trì khả năng phòng thủ và coi các mối đe dọa đối với hòn đảo là một vấn đề “đáng lo ngại”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đầu tuần này cũng nhấn mạnh rằng, sự ủng hộ của nước này đối với Đài Loan là “vững như bàn thạch” đồng thời tuyên bố “chúng tôi cũng đã nói rất rõ ràng rằng, chúng tôi cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Đài Loan”.