Tin tức Đa Chiều
Cuộc Sống Góc Nhìn Việt Nam

Vạn người tháo chạy khỏi Sài Gòn gợi nhớ làn sóng vượt biên sau 1975

Ý kiến của một nhà quan sát nói người đứng đầu Chính phủ CSVN phải có giải pháp cứu trợ khẩn cấp đối với hàng vạn người đang tháo chạy khỏi Sài Gòn nếu không muốn phạm phải sai lầm như hồi 1975.

Hôm 5/10/2021, hình ảnh đăng tải trên truyền thông nhà nước cho thấy hàng vạn người tiếp tục rời khỏi Sài Gòn bằng xe máy để tìm đường về miền Tây, miền Trung và miền Bắc.

Đáng lưu ý, trong đoàn người tháo chạy về miền Bắc, đã có hai mẹ con quê ở Thanh Hóa, thiệt mạng khi bị xe tải tông trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua đèo Lò Xo, xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
“Người dân đã ở bước đường cùng”

Trước thực trạng hàng vạn người về quê, ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng CSVN được các báo dẫn lời kêu gọi người dân ở Sài Gòn “không tự di chuyển về quê”.

Công luận thất vọng khi người đứng đầu Chính phủ CSVN không nhìn ra vấn đề là hàng vạn người nhập cư đã kiệt quệ hết mức sau những tháng phong tỏa, mà đa phần trong số họ không nhận được “tiền hỗ trợ”, cũng như được chích vaccine ngừa COVID-19 như hứa hẹn của chính quyền.

Ông Nguyễn Ngọc Chu, nhà quan sát ở Hà Nội, nhận định: “Trong mấy ngày qua đã có hàng vạn người bằng mọi cách kiên quyết về quê. Đến nỗi 500 người đã quyết định đi bộ từ Bình Dương qua Đắk Nông để về Hà Giang xa những 1.800 km. Trong đó có cả phụ nữ mang thai. Chứng tỏ người dân đã ở bước đường cùng.

Chính phủ không có cách nào để có đủ tiền hỗ trợ. Các gói hỗ trợ như “muối bỏ biển”, lại triển khai chậm trễ, nhỏ giọt, có lúc không đúng địa chỉ, có nhiều chỗ bỏ sót. Địa phương hỗ trợ nhưng không đủ lực, cũng không kịp thời, cũng bỏ sót. Đóng cửa dài ngày không có việc làm, không có tiền sống, buộc phải về quê là lối thoát duy nhất. Đó là hoàn cảnh thực tế đâu xót phải thừa nhận của hàng chục vạn người.

Đề nghị thủ tướng và các lãnh đạo địa phương có những biện pháp khẩn cấp giúp đỡ đồng bào về quê, và giảm bớt số lượng đồng bào về quê.”

“Không dứt những dòng người ra đi sau 1975”

Ông Nguyễn Ngọc Chu nêu một số đề nghị: “Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội CSVN giải ngân khẩn cấp đúng đối tượng cần cứu trợ để giảm bớt số lượng người về quê.

Yêu cầu lãnh đạo các tỉnh thành cứu trợ khẩn cấp các đối tượng khó khăn để hạn chế số lượng người về quê.

Vận động ở lại nhưng không ngăn cấm người về quê. Vận động gắn liền với cứu trợ để người dân thực sự có phương tiện sống khi ở lại. Cứu trợ khẩn cấp là giải pháp căn bản.

Không chỉ cho phép, mà hỗ trợ tối đa cho tất cả những ai ở thế buộc phải về quê. Nguồn lao động thiếu vắng do dòng người về quê sẽ tự nhiên từng bước hồi phục, đổi chiều từ nông thôn trở lại thành thị, theo sự lui dần của dịch bệnh.

Chỉ đạo cho các tỉnh, có biện pháp và huy động phương tiện để đón người về quê, địa phương nào đón người địa phương ấy.

Với những người đang trên đường về quê, qua địa phương nào, chính quyền địa phương đó cần có biện pháp giúp đõ tối đa, cả về phương tiện vận chuyển lẫn lương thực và trợ giúp y tế.

Tránh xét nghiệm tập trung tại trạm chốt liên tỉnh, vì tăng khả năng lây nhiễm. Nếu buộc phải xét nghiệm trước lúc ra khỏi tỉnh thì phải tăng năng lực xét nghiệm và bảo đảm giãn cách.

Tránh cách ly tập trung vì làm tăng gây nhiễm. Tốt nhất là cách ly tại chỗ – tại nhà, cách ly tại thôn, xã. Không cách ly tập trung tại huyện. Không cách ly tập trung tại tỉnh.

Mở cửa kinh tế, sớm giờ nào tốt giờ đó, sớm vùng nào tốt vùng đó.

Quê hương là nơi sinh ra và cũng là nơi cuối cùng khép lại vòng đời con người. Ai đó, dù không được về quê, thì trước lúc từ giã cõi đời, tiếng gọi của vũ trụ nhắc con người quay về nơi đã sinh ra.

Lãnh đạo địa phương mà sợ hãi dịch bệnh đến nỗi ngăn cản đồng bào về quê thì không chỉ thiếu đức, không chỉ có tội, mà còn thể hiện một khả năng lãnh đạo bạc nhược. Những lãnh đạo như thế phải bị cách chức.

Chúng ta đã ngăn cản dòng người ra đi sau năm 1975. Chẳng những ngăn cản mà còn kết tội. Nhưng từ đó vẫn không dứt những dòng người ra đi. Dịch bệnh Covid đã đưa đến một dòng người di chuyển ngược chiều – dòng người hồi hương.

Muốn giải quyết thấu đáo vấn đề thì phải tự trả lời câu hỏi: Tại sao đồng bào ra đi? Tại sao đồng bào trở về?

Chỉ khi cất lên hai tiếng đồng bào thì từ trong đáy lòng mới xuất hiện ánh sáng dẫn đường đến câu trả lời đúng. Quan hệ đồng bào là quan hệ máu mủ. Câu trả lời đúng không dành cho những ai đặt đặt đồng bào sau đồng chí. Câu trả lời đúng thấm đẫm máu và nước mắt của nhiều thế hệ.”

Related posts

Xử phúc thẩm 6 bị cáo vụ án Đồng Tâm, ông Lê Đình Công thay đổi kháng cáo

Thiên nhân không nên cùng người phàm, con người chớ lẫn lộn cùng ma quỷ

Tin Tức Đa Chiều

Bắc Giang: 3 ổ dịch, 783 ca F0, ca nhiễm vẫn tăng khi xét nghiệm “quay đầu” lần 2

Leave a Comment