Tin tức Đa Chiều
Cuộc Sống Góc Nhìn Việt Nam

‘Tháo chạy để sống’ – cơn khủng hoảng ‘nằm ngoài mọi kịch bản’ hay đã bị ủ từ lâu?

Ngày 30/9, một ngày trước khi TP.HCM dừng giãn cách khắc nghiệt, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hỏa tốc yêu cầu TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An quản lý chặt, không cho người lao động tự phát về quê. Nhưng từ sáng tới đêm, hàng trăm rồi hàng người đã sắp sẵn cho cuộc tháo chạy với mức độ lớn chưa từng có. Người lớn kéo trẻ em đào thoát, bằng xe máy, xe đạp, lội bộ… Bám đường, ngủ đường để về. Những đêm trước, là cảnh xô đổ rào chắn, quỳ lạy đầy bi thương.

Tháo chạy để sống
Chưa có thống kê chính thức, nhưng con số người dân tự phát về quê dự đoán lên tới hàng trăm ngàn người, khi chỉ riêng An Giang tới ngày 3/10 thừa nhận đã đón 15.000 người, Kiên Giang đón hơn 10.000 người, Đồng Nai ngày 5/10 nói dẫn đoàn 14.000 người chạy xe máy về… Bộ Công an ngày 30/9 xác nhận 2,1/3,5 triệu lao động nhập cư tại 4 tỉnh trên muốn rời đi…

“Việc này nằm ngoài mọi kịch bản, dự tính của Chính phủ và các tỉnh, thành. Các tỉnh miền Tây không thể hình dung về một đợt di dân lớn như thế, và nó diễn ra quá bất ngờ nên chính Chính phủ cũng không thể lường về kịch bản như vậy”, ĐBQH Đặng Thuần Phong (Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội) nói với Zing, trong bài đăng sáng 6/10. Khi phát biểu này được đưa ra, dòng người tiếp tục chạy về không chỉ miền Tây, miền Trung mà còn vượt Hà Nội lên vùng cao phía Bắc.

Khi đợt khủng hoảng di dân mới bùng phát, chiều 1/10, Phó Ban chỉ đạo TP – ông Phạm Đức Hải nói “TP mời người lao động ở lại để cùng phục hồi, phát triển TP với nhiều cơ hội việc làm…”, “Thành phố tiếp tục tạo điều kiện, vận động nhà trọ giảm giá thuê, hỗ trợ đợt 3, tiếp tục có gói an sinh… cho người lao động”.

Nhưng, cơn “vỡ trận” có phải vì hàng trăm ngàn người lao động từ chối cơ hội làm việc, từ chối tiền hỗ trợ? Giữa thành phố dày đặc kẽm gai, những lời hứa “nới” dài về phục hồi kinh tế, tăng hỗ trợ… liên tục bào mòn niềm tin trong khi người dân tiếp tục thiếu đói, nợ nần. Chỉ tính tại TP.HCM, TP chính thức áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, dự kiến trong 15 ngày, nhưng tới 30/9 là 81 ngày đã trôi qua, chưa kể nhiều cấp độ giãn cách đã áp dụng trước đó từ 31/5.

Về khách quan, so với năm 2020, đợt bùng phát đang diễn ra (lần 4) là nghiêm trọng nhất, xét về số người bị nhiễm bệnh, tử vong, kinh tế tăng trưởng âm sâu trong khi xã hội cực kỳ biến động. Đặc biệt khi dịch bùng phát và mất kiểm soát tại hầu hết các khu vực là thành phố lớn và khu công nghiệp, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam nơi chiếm gần 45% GDP của Việt Nam.

Song, nhiều báo cáo thừa nhận sự chậm trễ kéo dài và sai lầm lặp lại của các gói hỗ trợ là một trong những nguyên nhân chủ quan khiến Việt Nam đẩy bế tắc đi xa hơn.

Hỗ trợ không đủ mức sống tối thiểu, không đủ cứu DN
“Có bằng chứng cho thấy gói hỗ trợ [của Việt Nam] vừa không đủ lớn vừa không đủ rộng…” – ông Terence D.Jones, quyền Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhận xét tại tọa đàm do Quốc hội tổ chức ngày 27/9. Dẫn nghiên cứu gần nhất do Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện, UNDP cho biết tỷ lệ nghèo về thu nhập tạm thời đã tăng từ mức 10% trước đại dịch lên 33,4% vào tháng 8/2021 (dựa trên chuẩn nghèo 2021-2025 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) ban hành).

Đại diện UNDP đều đưa ra cái nhìn kém tích cực đối với việc triển khai cả hai gói tài khóa lớn của Việt Nam, gồm gói hỗ trợ 62.000 tỷ (Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020) và gói 26.000 tỷ (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021).

Cũng theo báo cáo của Trung tâm Phân tích và Dự báo, 90% số người được hỏi đã không nhận được hỗ trợ kể từ khi gói 26.000 tỷ được phê duyệt và lao động di cư, lao động tự do và người vô gia cư không đủ điều kiện được nhận trợ cấp. Hàng ngàn hộ gia đình buộc phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí cắt giảm cả tiền sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ – UNDP dẫn thông tin.

Gói 26.000 tỷ có mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng; hỗ trợ tối đa 6 tháng. Thời hạn thực hiện là trong 11 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022).

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết tính đến 1/10, 15.300 tỷ đồng đã chi hỗ trợ cho 18,32 triệu người trong gói 26.000 tỷ đồng. Tức trong 3 tháng triển khai, chỉ xấp xỉ 60% gói hỗ trợ được giải ngân.

Với gói 62.000 tỷ, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận “tỷ lệ bao phủ […] còn thấp”, với các lý do gồm lao động di cư, lao động phi chính thức bị loại trừ, quy định rườm rà, chưa kể độ bao phủ giữa các tỉnh là khác nhau vì [một phần] chương trình dựa vào chính quyền địa phương để huy động nguồn kinh phí.

Toàn bộ số tiền 62.000 tỷ chỉ giải ngân được 22%, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH hồi tháng 5/2021. Trong đó, gói vay không lãi suất hơn 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN trả lương cho người lao động giải ngân chỉ được 0,26%.

Tới cuối tháng 9/2021, 3.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ trên được Bộ Tài chính trình, Quốc hội duyệt đưa vào khoản 14.620 tỷ đồng bổ sung vào ngân sách dự phòng trung ương 2021 dưới hình thức nguồn tiết kiệm chi ngân sách Trung ương (NSTW). Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội xác định: “Về bản chất, số tiền trên không phải là nguồn tiết kiệm chi NSTW năm 2021”, mà là vì người dân không nhận được hỗ trợ.

Theo Nhóm nghiên cứu, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, các mức hỗ trợ của cả 2 gói trên đều không đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

Mức phổ biến cho lao động có hợp đồng là 3,71 triệu đồng/người; chủ hộ kinh doanh cá thể là 3 triệu đồng/hộ; lao động không có hợp đồng là 1,5 triệu đồng/người/tháng “thực sự không đáp ứng mức sống tối thiểu hoặc thấp hơn tiền lương tối thiểu” (mức lương tối thiểu vùng năm 2021 giữ nguyên theo năm 2020, thấp nhất là 3,07 triệu đồng/tháng (vùng 4), cao nhất là 4,42 triệu đồng/tháng (vùng 1)).

Tuy nhiên, những khắc phục được cho là nhỏ giọt khi gần đây nhất, Chính phủ đưa ra gói 38.000 tỷ đồng từ nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) (Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021), trong đó 30.000 tỷ hỗ trợ người lao động và dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng miễn đóng BHTN cho người lao động của DN (từ 1% xuống 0%). Thời hạn thực hiện gói hỗ trợ là 3 tháng (từ ngày 1/10 đến 31/12/2021).

Gói này rõ ràng chỉ dành cho nhóm đóng bảo hiểm thất nghiệp, ít nhất từ ngày 1/1/2021 trở về trước, và trừ người đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập. Mức hỗ trợ cao nhất là 3,3 triệu đồng/người nếu đóng BHTN từ 11 năm trở lên, thấp nhất 1,8 triệu đồng/người nếu đóng BHTN dưới 1 năm.

Nối tiếp sự thất bại của gói hỗ trợ DN 16.000 tỷ đồng hồi năm 2020, gói 7.500 tỷ đồng (Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021) hỗ trợ cho DN vay trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất nhưng sau 2 tháng giải ngân chỉ được 382 tỷ đồng cho 730 doanh nghiệp. DN bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện ngặt nghèo, trong đó bị buộc phải không có nợ xấu và phải có quyết toán thuế 2020. Sau 9 tháng, 90.300 DN đã rút khỏi thị trường, đưa tỷ lệ thất nghiệp trong 9 tháng lên 2,67%, cao nhất kể từ quý 1/2020, theo Tổng cục Thống kê.

IMF (Quỹ tiền tệ Quốc tế) đánh giá gần ¾ giá trị các gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam đề xuất là giãn, hoãn thuế, trong khi các nước khác lại tập trung vào hỗ trợ bằng tiền và giảm thu ngân sách, trong bối cảnh DN đang thua lỗ và cạn dòng tiền đầu tư. “Sự bất cập của biện pháp giãn hoãn thuế này có thể là lý do tại sao các nước khác không dựa vào chính sách đó như Việt Nam”, IMF nêu, “Việt Nam nên cân nhắc việc áp dụng biện pháp chuyển lỗ thuế thu nhập DN cho những năm trước, thay cho các biện pháp giãn, hoãn thuế”.

Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng “cần cân nhắc giảm mức đóng hơn là tạm dừng hoặc đóng chậm vì việc phục hồi sản xuất cần có thời gian trong khi gánh nặng đóng vẫn như cũ nếu chỉ tạm dừng hoặc đóng chậm”, vì điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng cho DN mà còn đảm bảo quyền an sinh của người lao động.

Cần tiếp tục các gói hỗ trợ người lao động dù đã họ tháo chạy được về quê
Trước làn sóng di dân ồ ạt, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc (Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội – Social Life) nhận định: “Việc người dân kéo về quê giống như nồi áp suất đang căng. Giải pháp là phải xì van cho họ bình tĩnh lại, nếu không mọi thành quả sẽ đổ bể”, Zing News phỏng vấn. Cách “xì van” này thực tế là nhất thời khi an sinh và việc làm tiếp tục bế tắc trên toàn quốc. Nhiều địa phương ở miền Tây đã phải kêu cứu do quá tải cách ly, kiểm soát y tế…

Và rõ ràng, ứng phó của Chính phủ là chậm và liên tục bị động khi nhiều thống kê và cảnh báo đã được đưa ra trước thời điểm “vỡ trận” ngày 30/9. Bộ Công an ngày 28/9 xác nhận 2,1 triệu/3,5 triệu lao động nhập cư tại 4 tỉnh thành (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) muốn quay về tỉnh nhà; báo cáo của CAF (2021) đưa ra vào cuối tháng 9 cho biết người lao động di cư tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã không còn khả năng chống chịu.

Khảo sát online đối với hơn 69.000 người (đến từ khối cơ quan nhà nước, cơ quan sự nghiệp, doanh nghiệp và lao động tự do) do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện vẽ ra bức tranh xám xịt về tình cảnh việc làm. Hơn 42.700 trong hơn 69.000 người bị mất việc làm. Trong đó, 19% người mất việc dưới 1 tháng; 50% bị mất việc từ 1-3 tháng và 15% bị mất việc trên 6 tháng.

Chỉ 4,4% số người lao động đã mất việc làm có nguồn tiền tích lũy đủ sống trên 6 tháng trong khi gần 50% số người lao động bị mất việc có nguồn tiền tích lũy chỉ đủ sống dưới 1 tháng (Chu Thanh Vân 2021), dẫn theo báo cáo của Nhóm nghiên cứu ĐH Kinh tế quốc dân.

Ứng phó về tài khóa trong các đợt khủng hoảng xã hội không chỉ thuần túy nhằm ứng phó những biến động về kinh tế. Khủng hoảng nhân đạo xảy ra khi một chuỗi các sự kiện xảy ra đang đe dọa về sức khỏe, an toàn hoặc hạnh phúc của một cộng đồng hoặc một nhóm lớn người.

Theo IMF, từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2021, Việt Nam đã tăng chi tiêu cho y tế và an sinh xã hội lên 2% GDP. Con số này thấp hơn nhiều so với mức chi của Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, và chỉ cao hơn Lào (0%).

UNDP kiến nghị Việt Nam cần đưa ra một gói trợ cấp tiền mặt với quy mô tương đương 5% GDP quý được giải ngân trong những tháng cuối năm 2021 (khoảng 77.000 tỷ đồng), tương đương mức hỗ trợ của các quốc gia khác trong khu vực.

Theo UNDP, quy mô đủ lớn của một chương trình hỗ trợ tiền mặt sẽ đạt được đồng thời mục tiêu kép là trợ cấp cho các hộ gia đình khó khăn và kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong đó, cách nhanh nhất để triển khai là áp dụng ngay gói trợ cấp cho (i) mọi trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi (khoảng 11 triệu trẻ); (ii) phụ nữ mang thai; (iii) người cao tuổi từ đủ 60 (có khoảng 11,5 triệu người) không có lương hưu; (iv) người khuyết tật; đồng thời cần giảm thiểu yêu cầu về thủ tục hành chính và chuyển sang đăng ký trực tuyến theo mã số định danh thay vì theo đăng ký cư trú.

Đồng quan điểm, Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đề nghị cần tiếp tục hỗ trợ cho các nhóm người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sống ở nông thôn, đặc biệt ở người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, vì đây là những nhóm yếu thế ít có khả năng tự ứng phó nhất. Cần sử dụng mã số định danh cá nhân (qua thẻ căn cước công dân) để người dân tự đăng ký nhận gói an sinh, ví dụ, ở Thái Lan, chỉ trong một tuần đã có 28 triệu đăng ký và chỉ còn 14 triệu đăng ký hợp lệ sau khi đã loại bỏ tính trùng (do đã nhận các chương trình an sinh khác) và chỉ trong 3 ngày là người dân nhận được tiền qua tài khoản.

Related posts

Tình hình nóng dịch Covid-19 sáng 11/11/2021

Tin Tức Đa Chiều

Phát hiện có em bé trên ô tô, tên trộm quay trả lại con cho người mẹ và bài học suy ngẫm sau đó

Tin Tức Đa Chiều

Tình hình nóng dịch Covid-19 sáng 27/10/2021

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment