Tin tức Đa Chiều
Tiêu Điểm Việt Nam

Choáng trước clip thầy giáo dạy online chửi học sinh là…óc trâu

Không ai đồng tình với việc giáo viên mắng mỏ, xúc phạm học trò, tuy nhiên theo nhiều bạn đọc thì chúng ta cũng nên suy nghĩ tùy theo ngữ cảnh mà đánh giá thầy giáo trong trường hợp này.

Ngày 17/9, dư luận bức xúc với clip thầy giáo ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đuổi một sinh viên ra khỏi lớp học trực tuyến và có lời nói được cho là xúc phạm người khác.

Vụ việc chưa kịp lắng xuống, hôm 21/9, facebook lại chia sẻ về một đoạn clip ghi lại tiếng giảng viên quát tháo và mắng sinh viên là “óc trâu” trong lớp học trực tuyến.

Những sự việc này đã làm nảy sinh nhiều tranh cãi trái chiều từ phía dư luận xã hội.

Nhiều ý kiến không đồng ý với cách ứng xử của các thầy giáo trong clip, cho rằng: “Thầy không có quyền xúc phạm học sinh như vậy, học sinh không hiểu thì có 2 nguyên nhân: một là do thầy không dạy hay, hai là do học sinh quá kém chậm tiếp thu. Tuy nhiên, dù như nào thì cũng không được xúc phạm học sinh, nhất là lại giữa tập thể lớp”.

“Không ai dám phủ nhận sự đóng công sức của mỗi người thuộc những ngành nghề khác nhau. Thầy giáo đứng trước lớp lại càng phải chuẩn mực khi đưa ra những thông tin cần thiết. Thái độ và cách ứng xử luôn là đề tài được nhiều người, nhiều thế hệ quan tâm”.

Yêu cho roi cho vọt?

Không ai đồng tình với việc giáo viên mắng mỏ, xúc phạm học trò, tuy nhiên theo nhiều quan điểm thì chúng ta cũng nên suy nghĩ tùy theo ngữ cảnh mà đánh giá thầy giáo trong trường hợp này.

Đại đa số ý kiến theo quan điểm này đến từ phía những độc giả đã từng là học trò của giảng viên mắng sinh viên là “óc trâu” trong clip.

“Mình là học trò của thầy, theo thầy nghiên cứu tới nay cũng 2 năm rồi. Hiện đã ra trường đi làm, mình không có ý tẩy trắng hay cái gì hết mà chỉ mong các bạn có cái nhìn bao quát hơn của vấn đề. Thứ nhất, đúng là thầy mình khá nóng tính nên mới có những câu từ gây sợ hãi như vậy. Nhưng thầy là người thương sinh viên và luôn cố gắng hỗ trợ sinh viên hết mức từ lớp học đến chỗ thực tập. Nói thật mình có một xíu trình độ tay nghề như bây giờ phần lớn là nhờ thầy.

Thứ 2 là tính chất ngành kỹ thuật của mình là phải kĩ lưỡng từng chi tiết, các kiến thức cơ bản phải nắm cho chắc, nếu không sau này đi làm sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp lắm, vì vậy việc các thầy làm gắt những lỗi cơ bản của sinh viên cũng dễ hiểu. Hơn nữa, cậu bạn trong clip đã phạm một cái lỗi sơ đẳng mà chắc chắn từ bữa đầu tiên thầy đã nhắc rồi, nhưng tới buổi học thứ 2, 3 mà vẫn tái phạm lại. Các bạn trong lớp đó không xem lại bản thân mình mà lại cắt một đoạn 30s ra để bêu riếu và gây hiểu lầm như vậy để trả đũa thầy? Vậy ai mới là người cư xử không đúng?”, bạn đọc Đức Khôi chia sẻ.

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Khoát nêu ý kiến: “Bách Khoa có nhiều thầy còn gõ đầu sinh viên vi phạm, thế nhưng không sinh viên nào giận, ghét các thầy đó. Những thầy này rất nhiệt tâm truyền đạt với sinh viên. Hầu như sinh viên đều có ấn tượng tốt cho đến khi đã ra trường.

Mình là cựu sinh viên Bách Khoa, khoa Cơ Khí. Đọc qua bài báo, mình biết ngay là thầy nào. Dưới góc nhìn của cựu sinh viên đã từng học qua các tiết học của thầy, thấy qua cách thầy đối xử với sinh viên, mình có vài ý như sau:

– Đây là phong cách của thầy, thầy dạy rất áp lực và có phong cách riêng. Nhưng đổi lại, lượng kiến thức thầy truyền đạt là rất lớn và in sâu sau mỗi buổi học.

– Trong các buổi học của thầy, ngoài việc áp lực cao qua phong cách trên thì luôn song song các mẩu chuyện cười.

– Ngoài các tiết học, thầy là người rất nhiệt huyết với sinh viên.

Vậy nên, có thể nói đây là phong cách riêng của thầy và nó không mang tính tiêu cực nếu có cái nhìn bao quát hơn. Và theo mình, lúc đi học được thầy cô nghiêm khắc là một hạnh phúc. Khi ra đời rồi, khách hàng hay sếp sẽ không ai đủ nhẫn nại với mình như là thầy cô đâu”.

Bạn đọc Hữu Khoa cho rằng, thô, nóng là đặc thù ngành kỹ thuật: “Ngành Kỹ thuật là ngành đặc thù. Sai một ly là ảnh hưởng cả quá trình sau này. Mình cũng từng là một sinh viên kỹ thuật và ra trường cũng may mắn làm đúng ngành. Mình cũng từng không ít lần bị chửi như thế thời sinh viên, nhưng sau này mình thấy hết sức bình thường vì những đắng cay nếm trải từ cuộc sống còn sốc hơn như vậy nhiều. Ra ngoài các bạn còn gặp nhiều trường hợp oái ăm hơn cơ. Thầy kỹ thuật nào cũng thô, cũng nóng như nhau thôi, nếu các bạn không chấp nhận được đặc thù ngành thì mình nghĩ các bạn nên suy nghĩ lại con đường mình đang đi”.

“Phía sau sự gắt gỏng là cả một tấm lòng!”

Liên hệ thực tế khi hàng ngày kèm con học bài, bạn đọc Duy Hiệp chia sẻ: “Mình không phải giáo viên, nhưng thường xuyên giảng bài cho con cháu, em út trong nhà. Trong trường hợp mình cố gắng giảng tốt bài, còn người học không chú ý, thường xuyên mắc lại lỗi đã giảng trước đó nhiều lần, tâm trạng rất bực tức, khó chịu.

Giáo viên cũng là con người, không phải thánh nhân để luôn luôn đúng, chuẩn mực, đặc biệt khi gặp phải người học không nghiêm túc. Ví dụ, chúng ta làm cha, làm mẹ cũng có những lúc mình bực dọc, không kiểm chế được khi con cái không vâng lời. Nếu vì điều đó mà phê phán như các bạn thì chẳng ai đủ tư cách làm cha, làm mẹ cả”.

Bạn đọc cho rằng, hình thức học trực tuyến chỉ là giải pháp cấp bách, do thiếu nền tảng trang thiết bị căn bản nên việc dạy và tiếp thu còn nhiều lúng túng và hạn chế.
“Tôi cũng đề nghị phạt luôn mấy sinh viên đăng lên mạng xã hội những clip như thế này. Nếu không thích thì có thể dùng clip để đưa lên nhà trường để xử lý, chứ không phải hở tí rồi đăng lên mạng để dè bỉu nhau.

Nhà có con 9 tuổi học online tôi ngồi 3 tiếng theo dõi mà còn phát cáu chứ nói chi các thầy cô, kiểu như nói một đằng mà con mình làm một nẻo nhưng thầy cô không thể có mặt mà hướng dẫn nó làm đúng được, càng hướng dẫn con mình làm càng lộn đâm ra cô cũng khó chịu hẳn. Nhiều khi cũng muốn chạy vào hướng dẫn cho con mình làm theo đúng ý cô mà sợ lại ảnh hưởng tới lớp và giáo viên, chứ tôi mà quay clip lại đăng lên như này thì chắc vài ngày có một clip vì cô của bé không giữ được bình tĩnh với một số trường hợp”, bạn đọc Khánh Huyền viết.

Đã dạy sinh viên hình thức online, bạn đọc Tuấn Hùng nhận thấy một số vấn đề như: “Thứ nhất, thầy cô giáo thì rất lịch sự tuy nhiên khi nóng nảy có thể có lời không hay.

Thứ hai, sinh viên không hợp tác là phần lớn nguyên nhân khiến thầy cô nhắc đi nhắc lại mà vẫn chưa thấy sinh viên thực hiện dẫn đến nóng giận.

Thứ ba, bạn thử nghĩ xem, ai cũng khó tránh được nóng giận khi gặp những trường hợp thiếu sự hợp tác. Ngay cả trong gia đình thì cha mẹ cũng nóng giận với con cái chưa ngoan là bình thường, huống chi trong lớp học với tập thể số lượng lớn, có ai đó không ngoan thì dễ xảy ra.

Tôi không minh oan cho ai, tuy nhiên, văn hóa trong giáo dục học đường xưa nay vẫn được hiểu và nhìn nhận là môi trường tốt đẹp nhất. Ngày nay, sinh viên giỏi hơn và cũng bướng hơn trước rất nhiều bởi các em phần lớn được tự do và hỗ trợ nhiều từ phía gia đình. Kỷ luật trong gia đình không phải đâu cũng có.

Giải pháp có nhiều cách, tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh là sự phối hợp tốt từ nhà trường và gia đình vẫn là phương án giáo dục tốt nhất”.

“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Thầy cô có tâm huyết thì mới la mắng, có la thì mới nên người. Có lẽ hình thức trực tuyến này chỉ là giải pháp cấp bách, thiếu nền tảng trang thiết bị căn bản, có gì dùng nấy, chưa đạt chuẩn. Cho nên việc dạy và tiếp thu rất lúng túng và hạn chế. Sự tiếp thu hạn chế của học sinh sinh viên khiến giáo viên lo lắng, căng thẳng. Đó là cái lo lắng cái căng thẳng của người có trách nhiệm, có tâm huyết với công việc, với nghề mình đang làm. Vẫn biết rằng sự thiếu kiềm chế như vậy là sai, nhưng phía sau sự gắt gỏng là cả một tấm lòng. Chúng ta nên có cái nhìn thông cảm, không nên đẩy sự việc đi quá xa”, bạn đọc Duy Chiều chia sẻ quan điểm.

Related posts

Nhà tiên tri 8 tuổi thông thạo kinh văn, 14 tuổi nổi danh thiên hạ nhờ lời ‘sấm truyền’ về Covid-19, sự thật được mấy phần?

Tin Tức Đa Chiều

Thanh Hóa: Hàng nghìn con trâu, bò nguy cơ bị tiêu hủy vì dịch bệnh

Tin Tức Đa Chiều

Nữ phiên dịch viên đẹp thế này mà Trump cũng không màng?

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment