Theo như 103 năm đã trôi qua, bất chấp sự phát triển của khoa học và y tế, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ giờ đã nhiều hơn cả thảm họa dịch cúm năm 1918, với 675.000 ca tử vong theo số liệu từ ĐH Johns Hopkins. Đại dịch Covid-19 đã trở thành dịch bệnh chết chóc nhất lịch sử nước Mỹ, với những cột mốc đáng sợ nó đạt được.
Năm 1918, nước Mỹ trải qua một dịch cúm kinh hoàng, được đánh giá là chết chóc nhất thế kỷ 20.
103 năm đã trôi qua, bất chấp sự phát triển của khoa học và y tế, số người chết vì Covid-19 tại Mỹ giờ đã nhiều hơn cả thảm họa dịch cúm năm 1918, với 675.000 ca tử vong theo số liệu từ ĐH Johns Hopkins. Cột mốc này đã chính thức đưa Covid-19 trở thành đại dịch chết chóc bậc nhất nước Mỹ.
“Nếu là năm 2019 thì điều này có thể gây ngạc nhiên,” – Stephen Kissler, nhà dịch tễ học từ Harvard cho biết. “Nhưng từ thời điểm tháng 4, 5/2020, chuyện chúng ta đến cột mốc này chẳng có gì lạ nữa.”
Chúng ta đối mặt với Covid-19 với nhiều lợi thế hơn
Xảy ra ở 2 thời điểm khác nhau, hai dịch bệnh này dĩ nhiên sẽ có những hoàn cảnh khác biệt.
Về dân số, số người sống tại Mỹ đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm năm 1918. Vậy nên dù số người chết có cao hơn, tỉ lệ tử vong của Covid-19 vẫn thấp hơn so với dịch cúm năm 1918.
Về vaccine, dịch cúm năm 1918 không có vaccine, trong khi Covid-19 thì có. Tuy nhiên, hàng triệu người Mỹ vẫn đang chưa tiêm chủng dù đủ điều kiện và vaccine dư thừa. Ước tính ít nhất 36% người Mỹ trên 12 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ, trong khi biến chủng Delta đang lây lan rất nhanh.
Tuy nhiên, đại dịch lần này có những điểm bất lợi hơn so với dịch cúm năm 1918, trong đó đặc biệt phải kể đến nạn tin giả. Theo Kissler, đây là bất lợi lớn nhất của chúng ta, và nó liên quan đến sự phát triển của công nghệ.
“Internet là một con dao 2 lưỡi. Nó cho chúng ta phương tiện tiếp cận các thông báo từ CDC và WHO nhanh hơn, chia sẻ thông tin cũng nhanh hơn. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc các thông tin sai lệch cũng lan truyền với tốc độ chóng mặt.”
Các thông tin sai lệch sẽ gây hoang mang, phản ứng sai cho công chúng, và gây ảnh hưởng lớn đến chiến dịch tiêm chủng.
Điểm giống nhau của 2 đại dịch
Cách nhau đến hơn 100 năm, nhưng 2 đại dịch có những điểm chung nhất định.
Đầu tiên, cả hai đều không nhân nhượng với người trẻ – nhóm có hệ miễn dịch tốt nhất trong tháp dân số. Năm 1918, tỉ lệ người trẻ chết vì dịch bệnh thậm chí là rất cao, với 2/3 số người chết nằm trong độ tuổi từ 18 đến 50. Trong đó, nhóm có tỉ lệ tử vong nặng nhất là 28 tuổi. Đây thực chất cũng không phải điểm gì kỳ lạ, vì năm 1918 là thời điểm cuối Thế chiến I – khi rất nhiều binh sĩ trẻ được điều động và chung sống trong các doanh trại.
Nhưng dù diễn ra ở thời bình, Covid-19 vẫn cho thấy người trẻ phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề, dù rủi ro tử vong của họ thấp hơn.
Tiếp theo, cả 2 dịch bệnh đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ hành vi con người. “Không quan trọng khoa học và y tế phát triển đến đâu, quan trọng nhất vẫn là phản ứng và hành vi của con người,” – Kissler nhận xét.
Như năm 1918, San Francisco đã có thời điểm chứng kiến ca nhiễm giảm xuống. “Thế là người ta quyết định mở cửa thành phố, diễu hành ăn mừng, bỏ khẩu trang để kỷ niệm ngày đó,” – nhà dịch tễ học Larry Brilliant cho biết. “2 tháng sau, dịch cúm lại một lần nữa bùng lên, mạnh mẽ hơn.” Chuyện tương tự cũng đã xảy ra ở Philadelphia. Trong khi đó thành phố St. Louis cũng lên lịch diễu hành nhưng hủy bỏ vào phút chót, tình hình của họ sáng sủa hơn rất nhiều.
Covid-19 cũng vậy. Chuyện các ổ dịch mới bùng lên ở những nơi buông lỏng cảnh giác quá sớm không còn gì xa lạ. Đổi lại, các nhà khoa học cho biết gần như toàn bộ những cái chết vì Covid-19 thời gian gần đây có thể được ngăn chặn nhờ vaccine. Vấn đề là người dân phải chấp nhận tiêm chủng.
Và cuối cùng là khả năng phải chung sống lâu dài. WHO định nghĩa một đại dịch là khả năng lây lan ra toàn cầu của một dịch bệnh mới. Tuy nhiên, không có bất kỳ phương pháp nào để xác định chính xác thời điểm đại dịch kết thúc.
Như với dịch cúm năm 1918, Mỹ phải đối mặt với 3 làn sóng lây nhiễm, bắt đầu từ mùa xuân 1918 đến mùa hè 1919. Sau đó, virus tiếp tục lây lan theo mùa trong 38 năm tiếp theo. Theo Kissler, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có thể cũng vậy – nghĩa là chúng ta phải sống chung với nó sau khi đại dịch chấm dứt.
“Sẽ có những biến chủng mới, bao gồm cả chủng gây tái nhiễm,” – Kissler dự đoán. “Nhưng tôi nghĩ rằng các biến chủng mới sẽ không quá khác biệt so với chủng dùng trong vaccine hoặc các chủng con người đã nhiễm và khỏi bệnh, nên khả năng bị nặng là không cao.”
Nhìn chung, Kissler nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để đảm bảo đẩy lui được đại dịch là tiêm vaccine – chứ không phải nhiễm bệnh và miễn dịch tự nhiên, vì sẽ dẫn đến những ca nhiễm kéo dài nghiêm trọng với nguy cơ tử vong rất cao.
“Vaccine sẽ giúp bạn có những lần tiếp xúc với Covid mà không phải lo về nguy cơ mắc triệu chứng nặng, qua đó làm giảm tỉ lệ tử vong,” – Kissler nhận xét.