Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Tại sao TQ không bỏ qua chuyện quốc gia nhỏ Litva giao thiệp với Đài Loan?

Quyết định thiết lập văn phòng đại diện với Đài Loan của Litva đã gặp phải sự trả đũa về ngoại giao và kinh tế từ phía Trung Quốc. Tại sao một quốc gia nhỏ bé với dân số ít hơn 3 triệu người cùng Đài Loan phát triển quan hệ lại làm cho Bắc Kinh tức giận? Điều này liên quan đến những cân nhắc trọng yếu nào của Trung Quốc?

Văn phòng đại diện đầu tiên tại Châu Âu mang tên “Đài Loan”

Đầu tháng Bảy, Bộ trưởng Ngoại giao Gabrielius Landsbergis của Litva thông báo sẽ thành lập các văn phòng đại diện tại Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan để mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại cho Litva. Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Châu Tiếp (Wu Zhaoxie) sau đó cũng thông báo rằng hai bên đã đồng ý sau khi tham vấn, Đài Loan sẽ thành lập “Văn phòng đại diện Đài Loan tại Litva”  (The Taiwanese Representative Office in Lithuania) ở thủ đô Vilnius, đây cũng là văn phòng đại diện đầu tiên mang tên “Đài Loan” do Đài Loan thành lập tại một quốc gia Châu Âu.

Trung Quốc đã đưa ra phản ứng dữ dội chống lại điều này, và tuyên bố vào ngày 10/8, triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Litva đồng thời yêu cầu Litva triệu hồi Đại sứ của nước này tại Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết vào ngày 11/8 rằng việc Litva cho phép Chính phủ Đài Loan thành lập một “văn phòng đại diện” dưới tên “Đài Loan” là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc”, “Trung Quốc có quyền và cần đáp trả một cách hợp lý chính đáng”.

Ngoài ra, truyền thông Litva cũng đưa tin doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc China Railway Containers thông báo với khách hàng, do căng thẳng giữa hai nước, tất cả các tuyến đường sắt trực tiếp từ Trung Quốc đến thủ đô Vilnius của Litva sẽ bị hủy bỏ vào cuối tháng Tám và tháng Chín. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp của Litva sang Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng của việc Trung Quốc tạm ngừng gia hạn và phê duyệt giấy phép nhập khẩu, trong khi Litva chưa nhận được thông báo chính thức từ chính phủ Trung Quốc.

Blog: Đối mặt với Liên Xô, Litva còn không sợ huống là ĐCSTQ

Dẫm phải lằn ranh đỏ của Trung Quốc

Các nhà phân tích cho rằng Litva đã dẫm lên lằn ranh đỏ của Trung Quốc khi cho phép Đài Loan thành lập văn phòng đại diện dưới tên “Đài Loan”. Động thái ngoại giao của Bắc Kinh triệu hồi Đại sứ tại Litva không chỉ nhằm mục đích “giết gà dọa khỉ”, ngăn cản các nước châu Âu khác “bắt chước” việc phát triển quan hệ với Đài Loan. Mối quan tâm lớn hơn của Bắc Kinh là ngày càng có nhiều quốc gia Trung và Đông Âu rút khỏi cơ chế hợp tác “17 + 1” ban đầu với Trung Quốc. Sau khi Litva rút lui, cơ chế này chỉ còn “16 + 1”.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, bà Theresa Fallon, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga Âu Á (CREAS), có trụ sở tại Brussels, cho biết sự phát triển quan hệ giữa Litva và Đài Loan đối với Bắc Kinh mà nói thì “Rõ ràng cho thấy lằn ranh đỏ. Họ không muốn bất kỳ ai có quan hệ với Đài Loan. Đó là lằn ranh đỏ. Nhưng tôi cũng nghĩ những người này … họ nghĩ, đây là lằn ranh đỏ, bạn không được phép làm gì cả. Họ không quan tâm điều này sẽ mang lại cho các quốc gia khác ấn tượng gì. Họ không quan tâm đến hình ảnh ngoại giao về vấn đề này.”

Bà Theresa nói rằng điều khiến bà ngạc nhiên là người đầu tiên rút khỏi cơ chế đối thoại “17 + 1” giữa các nước Trung và Đông Âu với Trung Quốc hóa ra lại là Litva chứ không phải Estonia, vốn đã được đồn đoán hơn một năm nay.

“Tôi cho rằng Litva đã có một lựa chọn rõ ràng, đó là vì nền dân chủ. Tôi thực sự nghĩ rằng những người đứng đầu của họ rất kiên quyết về điều này. Họ xứng đáng được khen ngợi và tán dương. Tôi cho rằng họ đã dành cho các quốc gia châu Âu khác một lời nhắc nhở mạnh mẽ, rằng những quốc gia đó vẫn nằm trong một vùng xám nhất định khi nói đến các giá trị, đặc biệt là trong giao thiệp với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mặc dù Litva trên thực tế chỉ là một quốc gia nhỏ, nhưng họ đã tỏa sáng vì họ thực sự là một tấm gương sáng cho các nước EU khác.”

Chủ tịch UB. Đối ngoại Âu Mỹ lên án ĐCSTQ, kêu gọi ủng hộ Litva

Nước thành viên EU lần đầu tiên triệu hồi đại sứ của họ tại Bắc Kinh

Đồng thời cũng là nhà nghiên cứu thâm niên tại Hội đồng Các vấn đề Toàn cầu Chicago, bà Theresa Fallon nói rằng việc Trung Quốc yêu cầu Litva triệu hồi Đại sứ của họ là “lần đầu tiên trong lịch sử Liên minh châu Âu có một đại sứ tại Bắc Kinh được triệu hồi”, điều này cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đã rơi xuống đáy.

Bà nói, không giống như thương mại của Úc với Trung Quốc, Trung Quốc có nhiều đòn bẩy kinh tế hơn để trừng phạt Úc, nhưng thương mại của Litva với Trung Quốc nhỏ, cho nên trừng phạt kinh tế của Trung Quốc không thể ảnh hưởng nhiều đến Chính phủ Litva. Do đó, Bắc Kinh đã viện đến việc triệu hồi đại sứ để trừng phạt Litva, nhưng bà cho rằng đây chỉ là hành động “gây ồn ào”, không có tác dụng thực tế, bởi vì Bắc Kinh không có nhiều việc có thể làm.

“Nhưng nó thực sự có thể gửi một tín hiệu để các quốc gia thành viên (EU) khác thấy được những gì họ chưa từng thấy trước đây, là mối quan hệ đã xấu đi đến mức này.”

Hoa Kỳ ủng hộ Litva trong việc đối phó với sức ép từ Trung Quốc

Bắc Kinh lo lắng về hiệu ứng domino

Ông Gerrit van der Wees, một cựu quan chức ngoại giao Hà Lan, cũng có quan điểm tương tự. Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, ông nói rằng Trung Quốc có thể lo lắng rằng trường hợp của Litva sẽ gây ra những rung động hoặc hiệu ứng domino, “lo lắng rằng sẽ có thêm nhiều quốc gia nhìn thấu những cam kết giả tạo của Trung Quốc, sẽ giống như Litva rút khỏi cơ chế hợp tác ‘17 + 1’ vậy, cũng lo lắng rằng các nước nhỏ như Latvia, Estonia, Cộng hòa Séc và Slovakia sẽ làm những điều tương tự như Litva.”

Nhưng liệu hành động trả đũa của Trung Quốc đối với Litva có thể đạt được mục đích “giết gà dọa khỉ”? Ông Gerrit cho rằng Bắc Kinh muốn ngăn cản các nước khác làm theo và cũng muốn ngăn các nước này đẩy EU đi theo hướng tương tự. Tuy nhiên, ngoài việc triệu hồi đại sứ và áp lực kinh tế, ông tin rằng không có nhiều con bài mặc cả mà Bắc Kinh có thể sử dụng, bởi vì kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Litva không lớn, hơn nữa Litva cũng có thể thu được nhiều sản phẩm từ các nước khác. Mặc dù Trung Quốc đang cố gắng gây sức ép với Litva thông qua Nga và Belarus, nhưng những nước này có những lo ngại riêng của họ.

Ông Gerrit cũng tin rằng Litva “có thể khá dễ dàng để kháng cự lại áp lực từ Trung Quốc” bởi vì Trung Quốc ở rất xa Litva. Hơn nữa Liên minh châu Âu, Câu lạc bộ Formosa và Ủy ban Đối ngoại của các Nghị viện châu Âu và Mỹ đã đưa ra tuyên bố ủng hộ Litva và yêu cầu Trung Quốc ngừng các hành vi bắt nạt của mình, điều này gây nhiều tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc ở châu Âu.

Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ Litva

Trước sự trả đũa của Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times vào giữa tháng Tám, Tổng thống Gitanas Nauseda của Litva nhấn mạnh rằng Litva, với tư cách là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, có quyền quyết định quốc gia hoặc khu vực nào để phát triển quan hệ kinh tế và văn hóa. Trong tranh chấp với Trung Quốc, Litva sẽ bảo vệ các nguyên tắc và giá trị dân chủ thay vì nhượng bộ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Lancebergs của Litva vào ngày 21/8. Hai bên đã đạt được nhất trí phối hợp hành động để giúp Litva chống lại áp lực từ Trung Quốc trong việc phát triển quan hệ với Đài Loan.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ Marco Rubio (R-FL) đã viết thư cho Tổng thống Nauseda của Litva vào thứ Ba (ngày 31/8) bày tỏ sự ủng hộ quyết định thành lập văn phòng với Đài Loan của Litva, đặc biệt là việc Litva cho phép Đài Loan sử dụng tên gọi “Văn phòng đại diện Đài Loan tại Litva”.

“Điều quan trọng là quyền lợi của những người Đài Loan ủng hộ dân chủ. Họ có quyền quyết định cách họ muốn người khác đề cập đến họ và chọn tên thích hợp cho các cơ quan đại diện nước ngoài của họ phản ánh công việc mà họ làm.”

Ông Rubio nói, “ĐCSTQ không đại diện cho Đài Loan, cũng không có quyền kiểm soát cách thế giới xưng hô hoặc tương tác với người dân Đài Loan.” ĐCSTQ đã đưa ra phản ứng đối với quyết định của Litva như cách mà họ vẫn làm, đó là việc lợi dụng sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị để bắt nạt hoặc đe dọa. Giống như những gì mà Litva đã trải qua gần đây, ĐCSTQ thường dùng các chính sách ngoại giao trừng phạt.

“Bắc Kinh vũ khí hóa các quan hệ thương mại, đầu tư, viện trợ nước ngoài và các hình thức hợp tác quốc tế khác như những công cụ uy hiếp chính trị,” ông Rubio nói. Trong những năm qua, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đều trở thành mục tiêu của các phương thức uy hiếp này của ĐCSTQ. Đó là một trong nhiều lý do khiến Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, đã không phát triển thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ông tin rằng, Litva – quốc gia kiên định với giá trị dân chủ sẽ vững vàng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cũng đăng Twitter ngày 10/8, bày tỏ Chính phủ Biden ủng hộ lập trường của Litva. Ông nói: “Chúng tôi sát cánh với đồng minh Litva của chúng tôi, và lên án hành động trả đũa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gần đây trong việc triệu hồi đại sứ của họ tại Vilnius cũng như yêu cầu Litva triệu hồi đại sứ của mình. Hoa Kỳ hỗ trợ các đối tác châu Âu của chúng tôi trong việc phát triển quan hệ với Đài Loan.”

Thành viên Quốc hội Châu Âu lên án Bắc Kinh

Việc chính quyền Bắc Kinh trừng phạt kinh tế và ngoại giao đối với Litva đã khiến các chính trị gia châu Âu không hài lòng. Thứ Tư tuần trước (ngày 25/8), Câu lạc bộ Formosa, bao gồm các thành viên của Quốc hội Châu Âu và những người bạn của Đài Loan, đã gửi một bức thư tới lãnh đạo Liên minh Châu Âu và NATO, kêu gọi họ ủng hộ Litva – quốc gia bị Trung Quốc trả đũa vì muốn phát triển quan hệ với Đài Loan.

Bức thư viết: “Các hành động uy hiếp của Trung Quốc không chỉ là công nhiên vi phạm các quy tắc ngoại giao quốc tế mà còn trắng trợn tấn công chủ quyền của Litva.”

Thứ Sáu tuần trước (ngày 27/8), quốc hội của hơn 10 quốc gia bao gồm châu Âu và Mỹ cùng Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu đã ra tuyên bố chung lên án mạnh mẽ sức ép chính trị, ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc đối với Vilnius do việc thành lập văn phòng đại diện giữa Litva và Đài Loan.

Tuyên bố chung nêu rõ rằng “việc can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia thành viên EU và NATO là không được hoan nghênh và không phù hợp.” Việc Litva quyết định rút khỏi cơ chế hợp tác “17 + 1” và sẵn sàng phát triển quan hệ kinh tế và văn hóa với Đài Loan cũng tương tự như các quyết định độc lập của các nước khác.

“Chúng tôi đứng vững với Litva, cũng hoan nghênh mong muốn hợp tác song phương của họ với Trung Quốc dưới sự phối hợp đầy đủ với Liên minh châu Âu và Liên minh xuyên Đại Tây Dương. Chúng tôi cũng hoan nghênh sự phát triển quan hệ kinh tế với Đài Loan và kêu gọi Litva duy trì các hoạt động hiện tại cũng như bác bỏ hành vi gây hấn của Trung Quốc.”

Tuyên bố cũng kêu gọi chính phủ của các quốc gia, Liên minh châu Âu và các đồng minh khác dốc sức hỗ trợ cho “các chính sách vì lợi ích của người dân và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn” của Litva.

Ông Gerrit van der Wees, hiện là giảng viên kiêm nhiệm về lịch sử Đài Loan tại Đại học George Mason, Hoa Kỳ, nói rằng ông Blinken đã bày tỏ rõ ràng sự ủng hộ đối với Litva. Mặc dù Afghanistan hiện đang chiếm cứ chương trình nghị sự của Chính phủ Hoa Kỳ, nhưng các vấn đề của Litva đã cho thấy rằng “các nước Châu Âu cần phải cùng nhau đứng vững hơn để chống lại áp lực của nước ngoài.”

Ông Azeem Ibrahim, giám đốc các dự án đặc biệt tại Viện Chiến lược và Chính sách Đổi mới, một tổ chức tư vấn của Washington, nói rằng Vilnius đang mở ra một con đường cho các nước châu Âu trong quan hệ ngoại giao với Đài Loan, sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Hoa Kỳ. “Có thể đây sẽ không phải là quốc gia duy nhất ở khu vực này thực hiện điều đó.”

Trong một bài báo trên trang web The National Interest ngày 24/8, ông Ibrahim kêu gọi “Các nước Phương Tây nên học tập Litva cách tiếp cận Đài Loan.”

Ông nói rằng kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được Liên hợp quốc công nhận, Đài Loan ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế, những quốc gia có quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và những quốc gia dựa vào đầu tư của Trung Quốc cũng sẵn sàng chấp nhận quan điểm “thống nhất” (Đài Loan) của Bắc Kinh và cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Trong bối cảnh này, với tư cách là một thành viên của Liên minh châu Âu và NATO, hành động của Litva là đi ngược lại với xu thế. “Tuy nhiên, điều khiến Bắc Kinh lo sợ là thời điểm này có thể trở thành trục xoay (pivot), có thể, xa hơn nữa, vào một thời điểm nhất định trong tương lai, tuyên bố của Bắc Kinh về chủ quyền của Đài Loan sẽ vấp phải sự phản đối rộng rãi …”

Liệu Trung Quốc có thể xoay chuyển làn sóng hợp tác toàn cầu này chống lại tham vọng bá quyền của họ? Ông Ibrahim tin rằng vấn đề của Bắc Kinh là kể từ khi Tập Cận Bình thể hiện thái độ độc đoán của mình trước Trung Quốc, nhiều nước nhỏ đã không còn tin tưởng Trung Quốc.

Related posts

12 bộ trưởng Ấn Độ đồng loạt từ chức

‘Đại quản gia’ của ông Vương Kỳ Sơn bị kết tội hé lộ thông điệp gì?

Tin Tức Đa Chiều

Phóng viên: Nhà Trắng không cho phép giới truyền thông tiếp cận công tác tuần tra biên giới

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment