Không chỉ khiến người chết, thảm họa này còn gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Các thảm họa thời tiết (thiên tai) đã tăng GẤP 5 LẦN trong 50 năm qua và khiến trung bình 115 người thiệt mạng mỗi ngày – Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc cho hay.
Cụ thể, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc, các thảm họa thời tiết cực đoan bao gồm bão, lũ lụt và hạn hán đang gây ra thiệt hại gấp 7 lần so với những năm 1970.
Trong những năm 1970 và 1980, những sự kiện này đã giết chết trung bình khoảng 170 người mỗi ngày trên toàn thế giới, nhưng trong những năm 2010, con số này đã giảm xuống. Tuy vậy, thiệt hại về kinh tế do thời tiết cực đoan gây ra lại tăng lên.
01. MỖI NGÀY: 115 NGƯỜI CHẾT – 202 TRIỆU USD ‘RA ĐI’
WMO xem xét hơn 11.000 thảm họa thời tiết trong 50 năm từ năm 1970 đến 2019, dựa trên dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học về Thảm họa của Bỉ. Theo đó, các thảm họa thời tiết/khí hậu khiến 115 người thiệt mạng và thiệt hại 202 triệu USD MỖI NGÀY trong 50 năm qua trên quy mô toàn cầu.
Tổng cộng, có hơn 2 triệu người chết và 3,64 nghìn tỷ USD thiệt hại là do những thảm họa thời tiết cực đoan như vậy gây ra.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc đưa ra trong bối cảnh cơn bão Ida hoành hành ở Mỹ (đổ bộ vào bang Louisiana và Mississippi cuối tháng 8/2021) cũng như thực trạng cháy rừng diện rộng do hạn hán tại quốc gia này. Chưa kể lũ lụt thảm khốc ở châu Âu, châu Á vào mùa hè này.
Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết: “Số lượng các hiện tượng khắc nghiệt về thời tiết, khí hậu và nước đang gia tăng và sẽ trở nên thường xuyên, nghiêm trọng hơn ở nhiều nơi trên thế giới do hậu quả của biến đổi khí hậu”.
Điều đó có nghĩa là sẽ có thêm nhiều đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng như những gì chúng ta đã quan sát thấy gần đây ở châu Âu và Bắc Mỹ thời gian qua.
“Sự ấm lên của các đại dương đã ảnh hưởng đến tần suất và khu vực tồn tại của những cơn bão nhiệt đới dữ dội nhất. Việc có nhiều hơi nước hơn trong khí quyển đang làm trầm trọng thêm lượng mưa cực lớn và lũ lụt chết người” – Giáo sư Petteri Taalas giải thích.
Từ năm 1970 đến 2019, các hiểm họa về thời tiết, khí hậu và nước chiếm 50% tổng số thảm họa, 45% tổng số người chết được báo cáo và 74% tổng số thiệt hại kinh tế được báo cáo. Hơn 91% số ca tử vong này xảy ra ở các nước đang phát triển.
Bất chấp hiện trạng đáng lo ngại này, Giáo sư Petteri Taalas lạc quan nói thêm rằng “Chúng ta may mắn khi sở hữu các hệ thống cảnh báo thảm họa sớm, bên cạnh phương pháp quản lý thiên tai và ứng phó dần tốt hơn so với cách đây nhiều thập kỷ. Do đó, chúng ta có thể giảm thiểu số lượng thương vong trong bối cảnh thiên tai ngày càng gia tăng NHƯNG tin xấu là thiệt hại kinh tế đang gia tăng rất nhanh và không có dấu hiệu chậm lại”.
Dẫu vậy, Liên Hợp Quốc vẫn chỉ ra thực trạng này: Chỉ một nửa trong số 193 quốc gia thành viên của WMO có hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ. các lỗ hổng nghiêm trọng trong mạng lưới quan sát thời tiết và thủy văn vẫn tồn tại ở châu Phi, một số khu vực của châu Mỹ Latinh và ở các quốc đảo Thái Bình Dương và Caribe.
Mami Mizutori, Trưởng đại diện đặc biệt của LHQ và là người đứng đầu Văn phòng Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR) cho biết “Cần phải hợp tác quốc tế nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề kinh niên về số lượng lớn người phải di dời mỗi năm do lũ lụt, bão và hạn hán”.
02. NHỮNG CON SỐ NHỨC NHỐI TRONG THẾ GIỚI NGÀY MỘT NÓNG HƠN
WMO đã xem xét tất cả các thập kỷ một cách riêng biệt, cũng như toàn bộ giai đoạn trong 50 năm qua. Hầu hết thiệt hại và thương vong về người trong suốt 50 năm qua là do bão, lũ lụt và hạn hán. Và đây là những con số đầy nhức nhối:
– Theo kết quả nghiên cứu, từ năm 1970 đến 1979, trung bình thế giới chỉ có khoảng 711 thảm họa thời tiết được báo cáo mỗi năm.
Nhưng từ năm 2000 đến năm 2009, con số này đã tăng vọt lên 3.536 một năm, trước khi giảm nhẹ vào những năm 2010 xuống 3.165.
– Trong khi đó, tổng số người chết trong khoảng thời gian 50 năm chỉ là hơn 2 triệu (2.064.292); trong khi đó, tại những năm 1980 chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất – Chỉ trong một thập kỷ, tổng số người chết đã là 667.000.
Có thể so sánh, những năm 1970 có 556.000 ca tử vong, những năm 1990 là 329.000 ca tử vong, những năm 2000 cũng là 329.000 ca tử vong và những năm 2010 là 185.000 ca tử vong.
– Hơn 90% trong số hơn 2 triệu người chết (vì thiên tai trong 50 năm qua) là ở những nước mà Liên Hợp Quốc coi là các nước đang phát triển; trong khi gần 60% thiệt hại về kinh tế xảy ra ở các nước giàu hơn.
Đối với tổng thiệt hại kinh tế, những năm 2010 cho đến nay là giai đoạn tốn kém nhất – các thảm họa thời tiết trong thập kỷ từ 2010 – 2019 đã tiêu tốn 1,381 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, thập kỷ 1970 là 175,4 tỷ.
– 3 trong số 10 thảm họa tốn kém nhất xảy ra trong năm 2017, và đều do bão/siêu bão gây ra, bao gồm: Bão Harvey (96,9 tỷ USD), bão Maria (69,4 tỷ USD) và bão Irma (58,2 tỷ USD).
Chỉ riêng 3 cơn bão này đã chiếm 35% tổng thiệt hại kinh tế của 10 thảm họa hàng đầu trên thế giới từ năm 1970 đến 2019, báo cáo WMO cho biết.
– 5 thảm họa thời tiết tốn kém nhất kể từ năm 1970 đều là những cơn bão ở Mỹ, đứng đầu là cơn bão Katrina năm 2005.
– 5 thảm họa thời tiết chết chóc nhất là ở châu Phi và châu Á – đứng đầu là nạn đói và hạn hán ở Ethiopia (châu Phi) vào giữa những năm 1980 và cơn bão Bhola ở Bangladesh vào năm 1970.
Các quan chức về thảm họa và thời tiết của Liên Hợp Quốc cho biết, nguyên nhân thúc đẩy sự tàn phá là thực tế ngày càng có nhiều người di chuyển vào các khu vực nguy hiểm – do biến đổi khí hậu đang làm cho các thảm họa thời tiết trở nên mạnh mẽ hơn và thường xuyên hơn.
Theo một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Nature Portfolio Journal, trong 20 năm qua, ít nhất 86 triệu người đã di dời hoặc tái định cư đến các khu vực có nguy cơ lũ lụt cao (vùng lũ) – làm tăng nguy cơ khiến 20% dân số thế giới dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt [cao gấp 10 lần so với ước tính trước đó]. Như vậy, khoảng 290 triệu người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các trận lũ lớn và nếu quỹ đạo này tiếp tục, sẽ có thêm nhiều người mất nhà cửa, sinh kế và chết vì lũ lụt.
Susan Cutter, Giám đốc Viện Nghiên cứu Mối nguy hiểm và Tính dễ bị tổn thương tại Đại học Nam Carolina, Mỹ cho biết: “Tin tốt là chúng ta đang học cách sống với rủi ro và bảo vệ chính mình”.
Siêu bão Ida cấp 4 (đổ bộ Mỹ ngày 30/8 vừa qua) là một ví dụ điển hình về thiệt hại nặng nề về kinh tế nhưng lại giảm được số lượng người thương vong do bão.
Năm 2021, toàn thế giới đã chứng kiến những thảm họa thiên tai dồn dập khắp các châu lục. Chưa bao giờ chúng ta thấy lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, sóng nhiệt, bão mạnh lại tấn công nhiều nơi cùng lúc như thế.