Tin tức Đa Chiều
Việt Nam

Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc thực thi luật hàng hải mới

Hôm 1/9, trước câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định các quốc gia “cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên.”

Bà Hằng nêu rõ: “Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS) – khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển”.

Bà cũng khẳng định Việt Nam “kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS.”

Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc được thông qua ngày 29/4 và có hiệu lực từ ngày 1/9. Luật này sẽ buộc các tàu có quốc tịch nước ngoài đi vào lãnh hải của Trung Quốc phải báo cáo với cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc. Nó cũng cho phép Cục Hải sự Trung Quốc ra lệnh các tàu nước ngoài rời khỏi vùng biển mà nước này tự tuyên bố là lãnh hải của mình, nếu đánh giá tàu đó có thể đe dọa an ninh.

Nhiều chuyên gia đã cho rằng những quy định mới này của luật An toàn giao thông hàng hải, cùng với Luật Hải cảnh (có hiệu lực vào ngày 1/2 vừa qua) sẽ làm gia tăng xung đột khu vực, và tình hình đáng lo ngại. Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng chống tàu nước ngoài trong cái gọi vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Ông Tô Tử Vân, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Chiến lược Quốc phòng thuộc Viện Quốc phòng An ninh Quốc gia Đài Loan, đồng thời là một chuyên gia chiến lược quân sự, cho rằng ĐCSTQ có thể vi phạm luật pháp quốc tế khi áp dụng “Luật An toàn Giao thông Hàng hải” đối với các đảo nhân tạo và bãi đá ngầm ở Biển Đông.

Nhà lập pháp Đài Loan Vương Định Vũ đã đăng bài viết trên Facebook nói rằng: “Cách làm mới này của ĐCSTQ về cơ bản là một hành động ngu xuẩn ‘hại người khác và gây bất lợi cho chính mình’.”

Ông Vương Định Vũ nói: “Nếu là lãnh hải Trung Quốc phù hợp với quy phạm quốc tế và được công nhận thì không có vấn đề gì lớn, nhưng nếu đó là lãnh hải do chính Trung Quốc (ĐCSTQ) nhận định và không phù hợp với quy phạm quốc tế, chẳng hạn như Biển Đông, vạch một đường rồi nói là địa bàn của mình, còn đưa ra quy định, thì đúng là hành vi ngang ngược!”.

Lầu Năm Góc hôm 1/9 đã đưa ra tuyên bố bác bỏ quy định an toàn hàng hải mới của Trung Quốc.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Supple khẳng định “bất kỳ luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển nào đều không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia được hưởng theo luật pháp quốc tế”.

Ông cho biết thêm rằng các tuyên bố chủ quyền trên biển bất hợp pháp [của Trung Quốc], bao gồm cả khu vực biển Đông, đã đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do trên biển như quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp khác.

Related posts

Sau 22 năm đồng hành cùng người dùng, thương hiệu Big C chính thức không còn ở Việt Nam

Bê cơm 30 phút nhận 60 triệu, ông Đoàn Ngọc Hải ủng hộ xây nhà cho người nghèo

Tin Tức Đa Chiều

Vì sao Bệnh viện Bạch Mai nói khó khăn tài chính nhưng vẫn tuyển 506 người, trong khi 221 người nghỉ

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment