Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn Tiêu Điểm Việt Nam

Chính quyền Sài gòn đang không biết mình có những quyền lực gì?

Theo một nhà báo trong nước, giới shipper Sài Gòn đang “dỗi” với thông báo cho shipper hoạt động lại trên toàn thành phố, với số lượng cao nhất mà Sở Công thương huy động được là khoảng 25.000 người. Con số này chưa đến 30% tổng số shipper trên địa bàn thành phố: khoảng 62.000 người (theo Sở Công thương).

Họ sẽ được giao hàng xuyên quận hoặc nội quận tùy chọn. Trong “vùng xanh” (vùng không có dịch), shipper phải chịu xét nghiệm 3 ngày/lần, vùng đỏ thì mỗi ngày.

Tại TP Thủ Đức, nơi công ty Grab được chính quyền đồng ý nhận hỗ trợ giao hàng, shipper sẽ được cung cấp bữa ăn, nơi ngủ nghỉ, xăng xe, bảo hiểm, xét nghiệm và tiêm vắc-xin miễn phí. Bù lại, mỗi chuyến xe họ sẽ nhận giao đi sáu đơn hàng từ các nhà cung cấp, không được thu phí của người nhận.

Trước đó, từ ngày 23/8/2021, shipper được lệnh chỉ giao hàng trong nội quận và chỉ ở một số quận.

Vì sao shipper “dỗi”?

Trong các hội nhóm của tài xế giao hàng, đang có những ý kiến rủ nhau tắt ứng dụng, không “ra xe” cho tới sau 6/9 (thời điểm kết thúc lệnh giới nghiêm hai tuần của thành phố). Một ý kiến được khá đông người đồng tình nói rằng shipper nên ở nhà luôn ít nhất là hai tuần nữa để dằn mặt lãnh đạo thành phố vì đến thời điểm này dự trữ thực phẩm trong dân đã cạn kiệt, nên họ sẽ cực kỳ cần shipper. “Cho họ biết sự cần thiết của anh em tài xế”-những ý kiến này nói đại loại như vậy.

Những lý do khác khiến một số shipper ngại ra xe lúc này là tần suất xét nghiệm quá dày, nhân viên y tế không thay găng và sát khuẩn khi lấy mẫu khiến dịch lây trong số người được lấy mẫu, chi phí xét nghiệm mỗi ngày khoảng 300.000 đồng sẽ nuốt hết tiền công của shipper. Hơn nữa dịch bệnh đang nặng, lao ra đường lúc này nếu nhiễm bệnh sẽ nguy hiểm cho cả gia đình.
Một số tài xế nói họ sẽ chỉ chạy nội quận (để tránh xét nghiệm hàng ngày).

Một số tài xế khác hỏi ý kiến đồng nghiệp trước khi quyết định ra xe, vì sau mấy tháng thất nghiệp gia đình đã cạn tiền.

Chưa biết chính quyền thành phố và các ứng dụng giao hàng (Grab, Be, Gojek, Now, Baemin) sẽ thương lượng với nhau ra sao để giải quyết lo lắng nói trên của các tài xế.

Tôi đoán vẫn sẽ có số đông tài xế ra xe vì nhu cầu đời sống bức bách. Và nếu tuân thủ yêu cầu giao hàng không tiếp xúc của ứng dụng thì nguy cơ lây nhiễm cũng rất thấp.

Nếu shipper đồng ý chạy lại, chắc chắn việc “đi chợ giùm”mà TPHCM đang triển khai sẽ thông suốt hơn. Ít nhất sẽ có nhiều số đơn hàng thiết yếu được giao đến người dân hơn hiện nay, khi các siêu thị không đủ nhân sự để soạn hàng, lấy đâu ra người đi giao hàng cho khoảng hơn 10 triệu người dân.

Rối ren sẽ tiếp tục cho đến khi nào TPHCM tìm được cách nối lại hệ thống cung cấp đã bị đứt gãy liên tục trong thời gian qua. Trong đó, cơ bản nhất mở lại các chợ an toàn đảm bảo giãn cách, buôn bán trên vỉa hè, quảng trường, các địa điểm rộng thoáng ngoài trời như Nha Trang đang làm.

Nếu không, chỉ sợ trong một tuần nữa mọi cố gắng giới nghiêm, “đóng băng” thành phố để chống lây lan dịch sẽ sụp đổ vì người dân phải lao ra đường mua thức ăn.

Rối ren, không kế hoạch, không tư vấn chuyên môn
Lãnh đạo TP HCM đang hết sức rối ren trước thực tế. Cảm tưởng như không có bất cứ phương án, kế hoạch nào cho việc cung cấp thực phẩm, thuốc men, chăm sóc y tế cho đến duy trì hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố 14 triệu người, dù đã có cả 18 tháng yên bình nhìn sang nước ngoài đang bị dịch dập tơi tả. Một năm rưỡi là quá đủ để chuẩn bị và dự phòng. Vậy tại sao TP HCM thất bại?

Ví dụ về shipper nói ở đầu bài cho thấy có lẽ lãnh đạo TP HCM đã không sử dụng bộ não của các sở, các hiệp hội doanh nghiệp và ngành nghề trong định hướng chống dịch.

Đặc biệt, có lẽ họ không tham mưu ý kiến của Sở Nội vụ.
Nếu không phải như thế thì là TP HCM đang thiếu trầm trọng các chuyên gia am hiểu về tổ chức chính quyền và luật tổ chức nhà nước.

Chỉ mỗi một đoạn đầu là chuyện đi chợ, trải qua nhiều đợt phong tỏa từ năm ngoái đến nay, cao điểm là ba tháng hết 16 đến 16 Plus rồi 16 Promax, TP vẫn lúng túng rối rắm.

Đoạn giữa là xét nghiệm và cách ly. Đoạn cuối là mai táng người chết. Đoạn nào cũng rối rắm.

Hiện trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa đã trở thành khu vực bí mật quân sự. Trên lý thuyết, quân đội nắm toàn bộ việc mai táng người chết vì COVID-19. Nhưng thực tế là các cơ sở mai táng đã ký hợp đồng với các bệnh viện vẫn tiếp tục lo toàn bộ công đoạn khó khăn nhất là tẩm liệm thi hài. Sau đó, thay vì đưa thẳng đi hỏa táng như trước kia thì bây giờ họ phải gửi thi hài vào container lạnh bảo quản của quân đội, khi nào đến lịch thì lại lấy ra mang đi hỏa táng. Thêm công việc, thêm công đoạn, tốn kém nhân lực, vật lực và thời gian.

Những rối rắm gây tốn kém và kéo dài thời gian dập dịch nói trên là vì sao?

Theo tôi, đó là vì lãnh đạo TP HCM không am hiểu thành phố
TP HCM là trung tâm của một vùng vài chục tỉnh thành miền Đông, Tây Nguyên và Nam bộ về y tế. Về kinh tế, TP HCM là trung tâm của cả nước. Bản chất của TP HCM khác với các tỉnh thành khác, khác với thủ đô Hà Nội vốn đông công chức nhất Đông Nam Á. TP HCM là siêu đô thị giao thương, dịch vụ và đào tạo, với vô vàn tiểu chủ, tiểu thương, người lao động tự do, sinh viên và khách vãng lai. Lượt đi lại, tần suất giao thông tại TP HCM là cao nhất nước.

Do vậy, nhất cử nhất động của thành phố đều liên quan sâu sắc đến ít nhất gần nửa nước.

Thế nhưng khi bước vào cơn bão, lãnh đạo TP HCM dường như quên mất vị thế đó. Tư duy chống dịch của lãnh đạo TP HCM xem thành phố như một tỉnh lẻ tách biệt, chỉ là một vùng trên bản đồ, có thể dùng bút chì dễ dàng khoanh gọn, lập rào chắn. Con vi-rút không bay vào rồi, bên trong ta cứ thế nuôi thêm cá và trồng thêm rau, nín thở chờ qua dịch.

Nhưng, ngay lập tức đóng cửa toàn bộ là không phù hợp với quy luật sinh tồn của TP HCM. Giao thương không thể ngừng lại, vì nó là huyết mạch của người dân, là sinh mệnh của cả thành phố. Tách nó ra, bắt nó đóng băng là không thể. Mà ngược lại, phải đảm bảo giao thương an toàn bằng cách tiêm vắc-xin cho lực lượng này cùng với thực hiện nghiêm lệnh giãn cách. Chỉ có như thế, thành phố mới có đủ nguồn lực để chống dịch.

Lãnh đạo TP HCM cũng nửa vời trong các biện pháp chống dịch. 5K là biện pháp cơ bản, nhưng trong các con hẻm sâu thăm thẳm ngóc ngách tối tăm, gia đình nhiều thế hệ chung sống chen chúc thì thực hiện giãn cách thế nào? Xét nghiệm đại trà rất đúng, nhưng xét nghiệm xong, tìm ra F0 thì có chỗ để cách ly họ hay không, hay vẫn tiếp tục để tự cách ly trong khu dân cư chật hẹp? Cho F0 tự điều trị tại nhà, nhưng ai hướng dẫn uống thuốc, lấy đâu oxy để thở khi cần? Khu cách ly thì nhiễm chéo. Đóng băng thành phố, toàn dân cách ly, nhưng thực phẩm cung cấp bằng cách nào?

Và quan trọng hơn, chuỗi cung ứng đứt gãy từ nơi sản xuất khiến cho nông phẩm phải đổ bỏ ở các tỉnh, nhưng người dân trong TP HCM thiếu thốn mọi thứ, giá rau quả đắt gấp đôi gấp ba, thì làm sao người dân ở yên trong nhà?
Các biện pháp chống dịch bị xé lẻ mà không được sử dụng linh hoạt đồng bộ để bổ sung cho nhau. Năm ngoái 5K thì quăng cục lơ vắc-xin. Năm nay có chút ít vắc-xin thì đem 5K vứt thùng rác. Có siêu thị thì dẹp chợ. Có bộ đội (đáng lẽ chỉ để kiểm soát an ninh trật tự và giúp các khu dân cư phức tạp, gia đình khó khăn) thì nhốt shipper.

Thực tế đã trả lời. Hô hào 5K suốt gần hai năm trời, nhưng một bộ phận dân cư chẳng thể thực hiện 5K đã nhanh chóng nhiễm bệnh và lây lan. F0 tại nhà, ai hên thì sống, ai xui thì chết. Danh nghĩa là cách ly, đóng toàn bộ chợ truyền thống, chốt gác giăng khắp nơi nhưng “chợ đen” trên mạng sôi động chưa từng thấy, người dân ngồi nhà thoải mái ngồi nhà mua tô bún bò về ăn sáng. Chưa kể cứ trước mỗi lần tăng cấp độ cách ly xã hội là vài ngày toàn dân đổ xô ra đường mua thực phẩm.

Mục đích cách ly xã hội chỉ đạt được nửa vời nên hiệu quả chống dịch không thể ước tính. Theo thời gian, số ca nhiễm và tử vong tăng lên, vấn đề này chưa xong vấn đề khác đã ập tới, mọi chuyện cùng một lúc rối beng, thậm chí tôi cảm tưởng TP không còn biết chỗ nào là đầu mối để mà gỡ. Đến khi gỡ thì rụt rè, bất nhất.

Các kệ hàng hết sạch thực phẩm ở một siêu thị tại TPHCM hôm 21/8/2021 trước khi TP bước vào giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt mới. Reuters
… Và cũng không biết mình có quyền lực gì
Thực ra, Nhà nước có quyền tối thượng và bất khả thay thế, chính là quyền ra luật lệ.

Hiến pháp tạo mọi điều kiện để chính quyền tùy nghi áp dụng: Chủ tịch nước có quyền ban bố sắc lệnh trong trường hợp khẩn cấp mà không cần chờ Quốc hội thông qua; Nhà nước có quyền tuyên bố tình trạng thảm họa, được quyền trưng thu, trưng mua tất cả phương tiện để phục vụ mục đích của mình trong giai đoạn ấy, kể cả hạn chế tự do hay tước đoạt một phần tự do của công dân (các quyết định về cách ly, giãn cách, “ai ở đâu ở yên chỗ đó”chính là biện pháp tước đoạt một phần tự do của công dân). Không ai có thể kiến nghị vì đó là ý chí của toàn dân đã được ban bố thành luật pháp.

Nếu ý thức được sức mạnh của quyền lực trong tay mình, cùng với việc hiểu rõ bản chất của một đại đô thị trong liên quan của nó với toàn vùng, thì TP HCM hoàn toàn có thể yêu cầu các biện pháp ổn định sản xuất, thông thương tự do cho các phương tiện giao thông cung ứng hàng hóa trong toàn vùng, chứ không phải mỗi tỉnh một quy định như hiện nay.

Việc điều phối lực lượng chống dịch cũng như đảm bảo an sinh sẽ được thực hiện dễ dàng hơn nếu xem xét đến nhân lực của toàn vùng. Việc khoanh vùng dịch tễ theo địa giới thực tế tự nhiên sẽ dễ dàng hơn việc khoanh theo địa giới tổ chức hành chính, vì con vi-rút không phân biệt quận này với quận khác, hay Sài Gòn, Bình Dương, Long An, Tiền Giang.

Tuy nhiên, nói thì bao giờ cũng hay cũng dễ hơn bắt tay vào làm thực tế. Tôi vô cùng thông cảm với lãnh đạo TP HCM và cả nước, vì đại dịch là trận cuồng phong đột ngột, và TP HCM không hoàn toàn được tự quyết trong mọi vấn đề. Cũng như từ trước đến nay thói quan liêu, hình thức, nửa vời, thiếu trách nhiệm đã là căn bệnh trầm kha của cả thể chế này. Đòi hỏi nó lột xác hoàn toàn chỉ trong vài tháng dịch dã là bất khả thi.

Chỉ mong những góp ý từ tâm của cộng đồng dân cộng với sự mất mát quá lớn của người dân TP HCM, Bình Dương và cả nước trong ba tháng cao điểm dịch sẽ giúp lãnh đạo TP HCM và Việt Nam có nhiều can đảm hơn để dám quyết định và dám thay đổi quyết định.

Related posts

Vi phạm về phòng chống tham nhũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam bị cách chức

Tin Tức Đa Chiều

Nhà đầu tư Trung Quốc ‘dồn’ 135 tỷ £ mua cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp… của Anh

12 bộ trưởng Ấn Độ đồng loạt từ chức

Leave a Comment