Tin tức Đa Chiều
Thế Giới

Nước nào trên bờ vực trở thành ‘quốc gia siêu lây nhiễm’

Myanmar đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến người dân nước này mà còn tác động tới khu vực.

Theo CNA, Myanamar đang trải qua làn sóng COVID-19 đáng báo động với số ca nhiễm và tử vong tăng vọt. Tổ chức Bác sĩ không biên giới gọi đây là “tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng không được kiểm soát”, do hệ thống y tế quá tải và quản lý dịch bệnh yếu kém.

Theo thống kê chính thức của chính quyền quân sự Myanmar, nước này đang ghi nhận khoảng 6.000 ca nhiễm và 300 người chết mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây chưa phải là số liệu chính xác.

Với chỉ 2,8% trong số 54 triệu người Myanmar được tiêm chủng đầy đủ, hiện có nhiều lo ngại rằng nước này có thể trở thành “quốc gia siêu lây lan”. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền ở Myanmar cho rằng điều này có thể dẫn đến sự xuất hiện của các biến chủng virus mới.

Báo cáo viên lưu ý: “Điều này rất nguy hiểm vì nhiều lý do… Khu vực này dễ bị tổn thương hơn nhiều nếu Myanmar trở thành một quốc gia siêu lây nhiễm”.

Hiện hệ thống y tế ở Myanmar đã quá tải, ôxy và các thiết bị y tế khác ngày càng đắt đỏ và thiếu hụt. Ngay cả việc đưa máy tạo ôxy vào Myanmar cũng không đơn giản, mặc dù Singapore cho biết trong tuần này sẽ chuyển 200 máy tới Myanmar.

Sau chính biến ngày 1/2, quân đội đã bắt giữ nhiều nhân viên y tế tham gia biểu tình phản đối và từ chối làm việc dưới chế độ quân sự. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng tại các bệnh viện, đặc biệt tại các phòng cấp cứu ở Myanmar.

Ít nhất 157 bác sĩ, bao gồm người đứng đầu chương trình tiêm chủng COVID-19 của Myanmar trước đây, đã bị bắt và bị buộc tội phản quốc.

Theo Worldometers, Myanmar cho đến nay đã ghi nhận hơn 9.300 ca tử vong và hơn 299.000 ca  nhiễm, trở thành một trong những “điểm nóng” dịch bệnh tại Đông Nam Á. Khoảng 1/4 trong tổng số ca nhiễm tại Myanmar được ghi nhận trong 2 tuần đầu tiên của tháng 7.

Tuy nhiên, các nhân viên y tế và cơ sở cung cấp dịch vụ tang lễ cho biết, tổng số người chết và nhiễm bệnh tại Myanmar cao hơn nhiều so với số liệu công bố chính thức.

Các nhóm xã hội dân sự hỗ trợ hỏa táng và dịch vụ tang lễ ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, cho biết họ ghi nhận 1.000 ca tử vong vì virus Corona chưa được thống kê mỗi ngày tại Yangon. Theo đó, tổng số ca tử vong trên cả nước có thể lên tới vài nghìn người mỗi ngày.

Một lý do khiến việc thống kê chính xác ca nhiễm tại Myanmar gặp khó khăn là vì tỷ lệ xét nghiệm ở mức rất thấp. Chỉ có khoảng 15.000 xét nghiệm được thực hiện mỗi ngày ở quốc gia 54 triệu dân. Các kết quả xét nghiệm trả về có tỷ lệ dương tính khoảng 37%, tương đương 370 trường hợp dương tính cho 1.000 lần xét nghiệm.

Related posts

Động thái mới của máy bay Mỹ sát bờ biển có khiến Trung Quốc nổi khùng?

Tin Tức Đa Chiều

Lời nhắn gây bất ngờ của Zelensky gửi tới Putin

Science

Hành khách nổi khùng đấm gãy mũi nữ tiếp viên hàng không

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment