Cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 bế tắc vì Trung Quốc. Đề xuất mới của WHO về giai đoạn điều tra tiếp theo nhằm tìm ra cách thức virus SARS-CoV-2 lây cho con người, nhưng đề xuất này đang rơi vào bế tắc vì bị Trung Quốc cự tuyệt phũ phàng.
Tổ chức Y tế thế giới mới (WHO) đây đã đưa ra 5 lĩnh vực ưu tiên trong thời gian tới của tổ chức này, một trong số đó là tìm ra con đường virus SARS-CoV-2 đã lây sang người, gây ra đại dịch Covid-19.
Mục tiêu này, để đạt được, đòi hỏi sự hợp tác toàn diện của Trung Quốc, nơi những ổ dịch đầu tiên bùng phát.
Nhưng Bắc Kinh đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất hợp tác của WHO. Trung Quốc lập luận WHO dường như đang bỏ qua kết quả của nhóm điều tra đã đến nước này hồi đầu năm, đồng thời cáo buộc cuộc vấn đề nguồn gốc dịch bệnh đang bị chính trị hóa.
Đề xuất của WHO
Để tiến hành giai đoạn 2 cuộc điều tra nguồn gốc virus, WHO muốn thành lập một nhóm các nhà khoa học mới. Bước đi này sẽ gạt nhóm 10 nhà khoa học quốc tế từng đến Vũ Hán làm việc 4 tuần hồi đầu năm sang một bên.
Đầu tháng 7, WHO đã gửi đề xuất mới tới 194 quốc gia thành viên. Hôm 16/7, WHO thông báo quyết định thành lập một bộ phận thường trực có tên “Nhóm cố vấn khoa học về nguồn gốc dịch bệnh”, gọi tắt là Sago, để thực hiện giai đoạn điều tra thứ 2.
Hiện chưa rõ nhóm này có bao nhiêu thành viên, cũng như cách thức hoạt động của nhóm. WHO chỉ cho biết sẽ sớm đề nghị các nước thành viên đề cử ứng viên vào Sago.
Ngoài việc “kiểm tra các phòng thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu có liên quan hoạt động ở khu vực những ca bệnh trên người đầu tiên được xác định tháng 12/2019”, WHO cũng kêu gọi tiến hành truy vết mầm bệnh thông qua nghiên cứu môi trường, động vật, điều tra y tế và di truyền.
Dù không chỉ giới hạn đề xuất điều tra bên trong Trung Quốc, cộng đồng khoa học quốc tế cũng như giới chức WHO đều tập trung vào việc mở rộng điều tra tại Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên, cũng là nơi tồn tại các chủng virus trên dơi gần nhất với virus SARS-CoV-2.
WHO cho biết bước tiếp theo của tổ chức này là làm việc với các quốc gia để xây dựng kế hoạch hoạt động và điều khoản tham chiếu cho các nghiên cứu tới đây.
Nhưng khả năng WHO có thể thúc đẩy nghiên cứu đồng bộ tại Trung Quốc là rất mù mịt, đặc biệt sau khi các quan chức và chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc công khai bác bỏ kế hoạch này.
Giới chức Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh không có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 có liên quan tới Viện Virus học Vũ Hán, và rằng cần có nghiên cứu ở những nơi khác về nguồn gốc dịch bệnh.
“Tất cả chúng ta có nghĩa vụ tìm hiểu làm thế nào mầm bệnh đã lây cho con người. Các quốc gia có trách nhiệm phối hợp với nhau, phối hợp với WHO trên tinh thần hợp tác”, đại diện của WHO cho biết, khi vấp phải phản ứng dữ dội của Bắc Kinh.
Rào cản từ Trung Quốc
Trong khi WHO vẫn đang thúc đẩy việc thành lập Sago, chưa có gì bảo đảm các thành viên của Sago có thể đặt chân đến Trung Quốc, hay tiếp cận các dữ liệu cần thiết ở nước này.
Tất cả thủ tục đều cần sự chấp thuận của Bắc Kinh, và đòi hỏi một quá trình đàm phán dự kiến sẽ rất phức tạp giữa WHO và Trung Quốc.
Hôm 22/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Tăng Ích Tân tuyên bố nước này không chấp nhận kế hoạch mà WHO đề xuất.
Ông Pedro Villarreal, chuyên gia tại Viện Luật so sánh Max Planck, cảnh báo luôn có rủi ro những cuộc đàm phán giữa WHO và Trung Quốc sẽ rơi vào bế tắc. WHO về cơ bản không có cách nào để gây sức ép lên Trung Quốc, ngoài đưa vấn đề ra Liên Hợp Quốc, nơi Bắc Kinh nắm một ghế ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an.
“Khi mà Trung Quốc thẳng thừng từ chối đề nghị tiến hành giai đoạn điều tra thứ 2, sẽ là bất khả thi để có thể tiến hành nghiên cứu ở Trung Quốc hay tại các phòng thí nghiệm của Trung Quốc”, giáo sư Jaemin Lee, chuyên gia pháp lý tại Đại học Quốc gia Seoul, nói.
Dù vậy, ông Lee cho rằng Trung Quốc cũng sẽ đứng trước áp lực ngày càng gia tăng từ cộng đồng quốc tế yêu cầu cho phép tiếp cận điều tra bên trong lãnh thổ nước này. Đó là lý do Trung Quốc và WHO có thể nhượng bộ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Tăng Ích Tân. Ảnh: AFP.
“Có lẽ giai đoạn 2 có thể được tiến hành, nhưng sẽ phải đáp ứng điều kiện của Trung Quốc về phạm vi, cũng như cách thức tiến hành cuộc điều tra”, giáo sư Lee nói.
Giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm, hiện là trung tâm tranh cãi, đã làm trầm trọng thêm quan hệ vốn không bình yên giữa Mỹ và Trung Quốc.
Lập trường của Mỹ liên quan tới cuộc điều tra cũng là một trong các vấn đề Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong nêu lên với người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman trong cuộc gặp ở Thiên Tân hôm 26/7.
Tờ Nhân Dân Nhật báo hôm 26/7 so sánh cách hành xử của Washington lúc này là “thủ đoạn cũ” để “phỉ báng” Bắc Kinh, giống như cách Mỹ đã sử dụng để biện minh cho cuộc chiến tranh Iraq năm 2003.
Giới chức Trung Quốc cũng đặt câu hỏi vì sao các phòng thí nghiệm ở nước này lại cần bị điều tra, chứ không phải phòng thí nghiệm ở những nước khác.
Các tuyên bố của Nhà Trắng về cuộc điều tra của WHO chủ yếu kêu gọi tiến hành giai đoạn 2 khoa học, minh bạch, phi chính trị hóa, cũng như đề nghị Trung Quốc cung cấp thêm thông tin minh bạch hơn. Washington hiện vẫn tránh đề cập tới giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, lo ngại xoay quanh Viện Virus học Vũ Hán đã buộc Tổng thống Joe Biden chỉ đạo các cơ quan tình báo thu thập thêm thông tin, đánh giá giả thuyết virus có liên quan tới cơ sở này, và báo cáo trong vòng 90 ngày.
Mỹ và các đồng minh cho rằng cuộc điều tra của WHO bị cản trở bởi thiếu dữ liệu, cũng như tác động “phi lý” từ Trung Quốc.
Cuộc điều tra có thể tiếp tục?
Những người chỉ trích cuộc điều tra giai đoạn 1 cho rằng có xung đột lợi ích ngay trong thành phần nhóm chuyên gia được WHO cử tới Trung Quốc, bởi nhóm này có những thành viên từng cộng tác lâu dài với Viện Virus học Vũ Hán.
Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cũng kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn, ông cho biết tiếp cận dữ liệu đã là một vấn đề ngay từ khi dịch bệnh bùng phát. Trung Quốc sau đó bác bỏ cáo buộc này của người đứng đầu WHO.
Cách WHO xử lý thái độ thiếu hợp tác của Trung Quốc lúc này được coi là bài kiểm tra với uy tín của tổ chức này, sau khi WHO bị chỉ trích là quá lệ thuộc vào Bắc Kinh trong thời gian đầu của dịch bệnh, cũng như trong giai đoạn điều tra đầu tiên.
“WHO đối mặt hai thách thức nghiêm trọng, có lẽ là sống còn, một là lấy lại uy tín và tính chính danh, hai là xoay sở vượt qua đối đầu địa chính trị xoay quanh đại dịch, trong đó có tranh cãi về nguồn gốc của virus”, David Fidler, chuyên gia y tế toàn cầu tại tổ chức tư vấn chính sách Council on Foregin Relations, nhận định.
Nhóm chuyên gia WHO cử đến Trung Quốc hồi đầu năm. Ảnh: AFP.
Với WHO, kết luận liên quan tới giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm có vai trò rất quan trọng vì nhiều lý do. Một trong số đó là bởi chưa có bằng chứng đầy đủ cho thấy dịch bệnh bùng phát tự nhiên, điều này có nghĩa không thể loại trừ khả năng virus là sản phẩm nhân tạo.
“Với WHO, giai đoạn điều tra tiếp theo phải xem xét tới câu hỏi nguồn gốc liên quan tới phòng thí nghiệm. Nếu không, họ sẽ vấp phải sự phản ứng từ Mỹ và các nước có chung quan điểm, và khiến WHO rơi vào tình thế còn bấp bênh hơn so với lúc này”, ông Fidler đánh giá.
Giai đoạn 2 cuộc điều tra dự kiến sẽ tiến hành ở một số khu vực khác trên thế giới, nơi sớm ghi nhận sự xuất hiện của virus, như ở châu Âu, Bắc Mỹ, hay nơi tồn tại các loài dơi mang virus có họ hàng gần với virus SARS-CoV-2 như Đông Nam Á.
Sara Davies, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Griffith Australia, cho rằng Sago có thể giúp thúc đẩy cuộc điều tra ở Trung Quốc nếu cũng đồng thời tiến hành nghiên cứu ở các quốc gia khác.
“Sago sẽ vẫn theo đuổi các hướng điều tra khác, và WHO chỉ có thể hy vọng sẽ tạo ra đủ áp lực để buộc Trung Quốc đồng ý cho phép họ tiếp cận thông tin”, bà Davies nói.