Sáng 25-7, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 3.973 ca mắc COVID-19 mới. Sau TP.HCM, sáng 24-7, Bình Dương – địa phương có số mắc cao thứ 2 cả nước – cũng phát động chương trình tiêm chủng vắc xin và phun khử khuẩn diện rộng để phòng chống dịch.
Bản tin sáng 25-7 của Bộ Y tế cho biết sáng 25-7 có 3.979 ca mắc mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 3.973 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (2.328), Bình Dương (881), Tiền Giang (218), Đồng Nai (134), Tây Ninh (127), Khánh Hòa (82), Vĩnh Long (50),
Bến Tre (33), Cần Thơ (18), Trà Vinh (17), Kiên Giang (17), Đà Nẵng (16), Phú Yên (14), Hà Nội (11), Sóc Trăng (9), Bình Phước (6), Bắc Ninh (4), Hậu Giang (3), Đắk Nông (2), An Giang (2), Nghệ An (1), trong đó có 922 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng 25-7, Việt Nam có tổng 94.913 ca mắc, trong đó có 2.178 ca nhập cảnh và 92.735 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 91.165 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình.
Tại TP.HCM, TP đang tổ chức hướng dẫn các quận, huyện tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 và thay đổi mô hình điều trị COVID-19 từ “tháp 4 tầng” sang “tháp 5 tầng”.
Theo đó, tầng 1 là cơ sở cách ly tập trung cho F0 không triệu chứng, không bệnh nền hoặc đã được điều trị ổn định và không béo phì. Tầng 2 là bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 cho F0 có triệu chứng và các bệnh nền kèm theo.
Tầng 3 là bệnh viện điều trị COVID-19 cho F0 có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng. Tầng 4 là bệnh viện điều trị COVID-19 cho trường hợp mắc COVID-19 nặng do bệnh nền hoặc bệnh lý đi kèm. Tầng 5 là bệnh viện hồi sức COVID-19 cho F0 có triệu chứng nặng và nguy kịch.
Sau TP.HCM, sáng 24-7, Bình Dương – địa phương có số ca mắc cao thứ 2 cả nước – cũng đã phát động chương trình tiêm chủng vắc xin đợt 5 và phun khử khuẩn diện rộng để phòng chống dịch. TS Nguyễn Hồng Chương, giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết tỉnh này đã triển khai 4 đợt tiêm, với tổng số trên 67.400 liều. Đợt 5 này, tỉnh được phân bổ trên 307.000 liều.
Ông Chương cho hay ngành y tế Bình Dương xây dựng kế hoạch nhằm nhanh chóng tiêm mũi 1 cho 70% dân số toàn tỉnh và kế đến là mũi 2. Trong đợt tiêm này, Bình Dương triển khai tiêm ở 91 điểm tiêm tại xã phường và 100 điểm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đáng chú ý, Bình Dương cũng có sáng kiến cải tiến 8 xe tải thành xe khử khuẩn với giá thành rẻ, hạn chế tối đa người vận hành và không làm thay đổi công năng của xe. Tỉnh Bình Dương sẽ phun khử khuẩn trong vòng 2 tuần cho 9 huyện thị, thành phố thuộc tỉnh.