Khi biến chủng Delta còn đang càn quét khắp nơi, thế giới lại được cảnh báo về 2 biến chủng mới nguy hiểm mới là Lambda và Epsilon.
Những ngày này, tình hình dịch bệnh trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang cực kỳ căng thẳng. Tại Đông Nam Á, Indonesia đang là tâm dịch với số lượng người mắc, người tử vong tăng mạnh, tang thương vô cùng.
Hay ngay tại Việt Nam, số ca mắc mới đã vượt lên trên 3000 ca một ngày, cơ sở Y tế quá tải, nhân viên Y tế làm việc cả ngày cả đêm tới kiệt sức. Số ca tử vong được ghi nhận ngày càng tăng.
Đặc biệt, các biến chủng mới ngày càng nguy hiểm, F0 tới 70% không có triệu chứng, khi ohats ra thì đã vào giai đoạn nặng, nguy hiểm tới tính mạng.
Trên thực tế, việc virus đột biến là một đặc tính tự nhiên, vì vậy việc hiểu rõ về nó chính là điểm mấu chốt của công tác kiểm soát dịch bệnh. Các chuyên gia cũng đồng ý rằng tiêm chủng và các biện pháp ngăn virus lây lan rất quan trọng trong việc ngăn chặn các biến chủng bùng phát.
Thế giới hiện đang đổ dồn sự tập trung vào Delta – biến chủng mà Tổ chức Y tế Thế giới WHO mô tả là “dễ lây lan nhất thế giới”. Delta đã khiến nhiều quốc gia khốn đốn trong thời gian qua, làm ảnh hưởng tới kế hoạch đưa cuộc sống trở lại bình thường của các hình mẫu tiêm chủng tiêu biểu. Tuy nhiên, ngoài Delta, giới khoa học cũng đang chú ý tới 2 chủng khác là Lambda và Epsilon.
Biến chủng Lambda
Lambda lần đầu xuất hiện ở Peru, lây lan bùng nổ ở một số khu vực tại Nam Mỹ và đã lan ra khoảng hơn 30 quốc gia trên thế giới. WHO hồi giữa tháng trước gọi Lambda là “biến chủng đáng quan tâm”.
Theo WHO, Lambda mang theo nhiều đột biến có tiềm năng gây lây nhiễm mạnh hơn và chống lại các kháng thể. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết, các nghiên cứu bổ sung cần được tiến hành để có thể khẳng định được mức độ nguy hiểm thực sự của Lambda.
Một số chuyên gia y tế thậm chí nhận định, Lambda có thể “nguy hiểm hơn cả Delta” xét về khả năng lây lan diện rộng trong cộng đồng nhưng nhiều ý kiến cho rằng điều này chưa thể kết luận. Một nghiên cứu chưa được bình duyệt của Đại học Chile tháng trước chỉ ra, chủng Lambda có khả năng lây nhiễm tế bào cao hơn so với các biến thể Alpha (lần đầu phát hiện ở Anh) và Gamma (Brazil), nhưng không nhắc tới Delta.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra chủng Lambda có thể làm giảm mức độ kháng thể chống lại vi rút ở những người được tiêm vắc xin.
Một bằng chứng cụ thể về sự nguy hiểm của Lambda là Peru, quốc gia có 32 triệu dân, đang chứng kiến làn sóng lây lan mạnh mẽ của mầm bệnh với hơn 2 triệu ca, và số người tử vong lên tới hơn 194.000, xếp thứ 5 thế giới. Theo thống kê của Đại học John Hopkins của Mỹ, Peru cũng ghi nhận tỷ lệ tử vong trên 100.000 dân cao nhất thế giới, ở mốc 598,23.
Các nhà nghiên cứu cũng đang xem xét một biến chủng khác có tên Epsilon, lần đầu được phát hiện ở Mỹ. Theo đó, sự xuất hiện của Epsilon được cho đã làm nổi bật đặc tính nguy hiểm của virus khi nó có thể biến đổi bất ngờ để gây ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch của con người.
Trong một bài nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science hồi đầu tháng 7, các nhà khoa học chỉ ra 3 đột biến của Epsilon làm giảm hiệu lực của các kháng thể trung hòa được tạo ra bởi các vắc xin hoặc từ việc mắc Covid-19 trong quá khứ. Epsilon được các nhà khoa học mô tả là có chiến lược thoát kháng thể “gián tiếp và rất bất thường”, thông qua việc tự sắp xếp lại một phần của protein đột biến mà vi rút sử dụng để liên kết với các tế bào của con người.
“Việc hiểu cơ chế né tránh miễn dịch mới được tìm thấy trên các biến thể mới nổi… cũng quan trọng như việc giám sát các biến chủng gây ra đại dịch,” các nhà nghiên cứu viết.
Sự xuất hiện của Epsilon hay Lambda và các biến chủngkhác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải bám sát sự thay đổi của mầm bệnh, để hiểu được cơ chế lây lan, tránh né vắc xin của chúng, nhằm giúp thế giới chủ động hơn trước những mối nguy hiểm mới.
Tính tới thời điểm này, toàn cầu có tổng cộng 189.452.976 ca mắc và hơn 4 triệu ca tử vong vì Covid-19, theo Worldometers.