Tin tức Đa Chiều
Góc Nhìn Tiêu Điểm Việt Nam

Vụ xử phạt Trác Thuý Miêu nói gì về tự do ngôn luận ở VN?

Vừa qua, cộng đồng mạng đã không khỏi xôn xao trước bài đăng của Trác Thúy Miêu về các sinh viên Y Hải Dương vào TPHCM chống dịch. Trước những luồng ý kiến về bài đăng của Trác Thúy Miêu, Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) TP.HCM đã xem xét sự việc và xử lý theo thẩm quyền, mà sau khi cơ quan quản lý truyền thông vừa có yêu cầu xử lý đối với người dẫn chương trình MC có nghệ danh là Trác Thúy Miêu.

Lý do là trước đó bà này đã đăng trên Facebook cá nhân một bài phê phán xung quanh việc tổ chức cho các em sinh viên y tế tỉnh Hải Dương vào thành phố Hồ Chí Minh giúp chống dịch.

Bài viết bị cho là có lời lẽ kích động gây mâu thuẫn, nhưng khi xem lại bản còn lưu lại đâu đó được cộng đồng mạng chia sẻ thì tôi thấy ý kiến đó không đáng bị xử phạt.

Không đáng phạt

Trong bài viết hôm 3/7 với khoảng 350 từ bà Miêu chê trách các em sinh viên có thái độ làm việc ‘cà chớn’ và chỉ nên ở chơi thêm mấy bữa cho biết rồi về.

Bà cũng chê ‘mấy anh mấy ông ở trên cũng bớt léo nhéo mấy câu ca cũ rích, gì mà cuộc chiến cuối cùng giải phóng miền Nam, nghe mắc cỡ gần chết’.

Những lời lẽ như vậy quả là có tính chê bai, song những lời lẽ kiểu vậy cũng thường thấy trong đời sống xã hội, ở những phụ nữ có tính cách sắc sảo có địa vị xã hội khi nói hay có âm vị của sự xỉa xói nọ kia.

Để thấy được lời nói như vậy có đáng phạt không cần đặt câu nói trong bối cảnh tình hình dịch bệnh lúc đó.

Kiểm tra lại thông tin về tình hình dịch bệnh của Bộ y tế thì thấy, thông báo buổi trưa ngày 30/6 cho biết, chỉ trong 6 tiếng buổi sáng ngày hôm đó cả nước đã có tới 116 ca mắc mới, trong đó TP HCM 63 ca.

Ngày hôm sau thông báo cho biết chỉ trong 6 tiếng buổi sáng ngày 01/7 cả nước tăng nhanh chóng, hơn gấp đôi số ca mắc mới so với ngày hôm trước, lên 260 ca, trong đó TP HCM 154 ca, cũng tăng gấp đôi so với ngày hôm trước.

Nếu tính số liệu trong cả ngày thì con số sẽ còn cao hơn nữa.

Tình hình dịch bệnh như thế chắc chắn đã gây tâm lý lo lắng cho người dân thành phố.

Đối với các biện pháp phòng dịch thì ngày 29/6 Uỷ ban nhân dân thành phố HCM thông tin sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội của Chỉ thị 10 do thành phố ban hành, yêu cầu dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

Dừng hoạt động các chợ tự phát, dừng hoạt động giao thông công cộng, không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết như mua lương thực, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, xí nghiệp.

Trước đó toàn TP HCM đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng chính phủ dừng tất cả các hoạt động văn hóa thể thao giải trí tại các địa điểm công cộng.

Với những chính sách giãn cách phòng dịch như thế tất cả các hoạt động sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thuộc loại dịch vụ không thiết yếu đều phải ngưng lại.

Theo đó công việc của giới văn nghệ sĩ MC như bà Trác Thúy Miêu hẳn là đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Đó là chưa kể quãng thời gian cả năm trước đó khi tình hình dịch bệnh bùng phát theo mỗi đợt thì những hoạt động văn hóa văn nghệ luôn là loại hình bị buộc ngưng đầu tiên.

Xét trong bối cảnh như vậy, dịch bệnh tăng cao cộng với công việc đình trệ, thì sự bức xúc lo lắng khiến cho có những phát ngôn như bà Miêu hôm mùng 3/7 là có thể hiểu được.

Quyền ngôn luận của mọi người

Cũng nên biết rằng dù là đang chống dịch nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn và có những chân lý giá trị cần được tôn trọng, trong đó bao gồm không chỉ quyền tự do ngôn luận và bày tỏ suy nghĩ chính kiến.

Tất nhiên khi đang yêu cầu cách ly công cộng thì những lời lẽ xúi giục mọi người cứ ra đường đi thì không được, may ra ở Mỹ-Âu nơi tự do cao thì được.

Còn thì những lời càm ràm trách cứ cáu kỉnh do bởi phải chịu đựng thiệt hại từ những biện pháp phòng dịch cần phải chấp nhận.

Bản thân tôi mặc dù hết sức ủng hộ những nỗ lực của cơ quan chức năng trong phòng dịch nhưng cũng thấy là đòi hỏi của dân chúng về các vấn đề chất lượng dịch vụ công đang ngày một cao.

Với những người giàu có hiểu biết thì lại càng có khuynh hướng yêu cầu chất lượng dịch vụ cao hơn, về hiệu quả cũng như thái độ.

Những sự thiếu chuyên nghiệp trong các tổ chức hoạt động sẽ khó lọt qua mắt họ và theo lẽ thường người ta sẽ nói.

Cơ quan quản lý truyền thông muốn có sự đồng thuận trong dư luận giúp cho việc chống dịch được hiệu quả, nhưng bối cảnh dân trí hiện nay đòi hỏi cần có những liệu pháp phác đồ tính toán khoa học thay vì duy ý chí kiểm soát việc phát ngôn.

Những điều tất yếu đó dồn áp lực lên bộ máy hành chính công và thật ra đó cũng là áp lực tích cực trong sự phát triển của kinh tế xã hội.

Từ ý kiến của bà Trác Thúy Miêu cái cần là nỗ lực cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ công thay vì xử phạt người tiếp nhận vì đã nêu ý kiến.

Trí thức thì sao?

Vụ việc của bà Trác Thúy Miêu xem ra quyền tự do ngôn luận chưa được tôn trọng bởi phía quản lý truyền thông.

Nhưng giới trí thức xã hội mặc dù được xem là thành phần có hiểu biết cũng chưa thật gương mẫu về tự do ngôn luận, điều tôi đã thấu hiểu được bằng trải nghiệm của bản thân.

Cách đây chừng hai năm, một lần khi đọc bài của một người là Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu trên báo chí, thấy có nhiều lỗ hổng trong lập luận kiến giải trong nội dung của bài nên tôi đã viết một bài phản biện phê phán rất dứt khoát.

Sau đó khi tìm và theo dõi face của Tiến sĩ Chu, rồi kết bạn, tôi dần được thuyết phục bởi những bài viết trên face nhiều người theo dõi của tác giả.

Nhiều lần tôi đã chia sẻ lại ý kiến trên trang Facebook của mình, cũng có lần tôi trích dẫn ý kiến của Tiến sĩ Chu vào một bài báo.

Tới nay thì công nhận Tiến sĩ Chu là một ngòi bút phản biện sâu sắc tâm huyết đối với các vấn đề của xã hội đất nước.

Nêu ra như thế để muốn nói rằng, với tôi việc phê phán quan điểm của người khác là điều rất bình thường và điều đó không cản trở tôi đồng tình tâm đắc với ý kiến khác cũng của người đó.

Bản thân là một luật sư nên đã quen với việc nêu ra ý kiến để rồi nhận lại những tranh cãi phản biện, của luật sư đối tụng hoặc bên công tố, qua đó giúp sự thật và công lý được sáng tỏ.

Từ đó tôi suy rộng ra ngoài xã hội không thể nào thiếu những phản biện mà lại có được một hệ thống vận hành hoàn chỉnh dù là môi trường chính trị hành chính hay tri thức.

Nhưng đáng tiếc, ngược lại cũng có trường hợp gặp phải một trí thức, sau khi bị phê phán thì có cảm tưởng như người ta tức đến nỗi muốn mình chết đi vậy.

Điều đó cho tôi thấy một tình trạng rất thiếu lành mạnh còn đang tồn tại đâu đó trong giới trí thức.

Khi nghĩ đến tiến trình phát triển của quốc gia xã hội thì thấy tình trạng như vậy quả là đáng ngại, độc hại cho việc lan tỏa chia sẻ tri thức xã hội và khai tâm dân trí.

Giới trí thức cần tạo ra một môi trường không gian học thuật lành mạnh, học cách đón nhận những lời phê phán chê bai chỉ trích mình như một điều hết sức bình thường.

Từ đó tạo lập lên những nguyên tắc tiêu chuẩn giá trị có khả năng bảo hộ cho tất cả mọi người.

Xét cho cùng những lời nói hay bài viết vốn chỉ là ngôn từ không có khả năng gây hại gì đến vật chất, điều cần thiết chỉ là điều chỉnh tâm lý thái độ tiếp nhận của người nghe.

Không gian mạng hiện nay là môi trường dễ khiến người ta đưa ra những quan điểm phản biện chê trách cho nên mỗi người cần trui rèn khả năng tiếp nhận những tranh cãi.

Giới trí thức có tên tuổi càng cần phải nêu gương về điều đó nếu muốn tạo lập môi trường dân trí quốc gia phát triển.

Để từ đó củng cố quyền tự do ngôn luận giảm tránh đi những sự việc như yêu cầu xử lý bà Trác Thúy Miêu.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện hành nghề luật tại Hà Nội.

Related posts

Chỉ còn nhân vật này dám đứng ra kêu gọi ủng hộ miền Trung mà không sợ nữ streamer “réo tên”

Tin Tức Đa Chiều

Tài xế Mercedes tiếp tục tặng xe máy cho người va quẹt mình sau khi hỗ trợ sửa xe

“Pháo đài” hay “Ấp chiến lược”?

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment