Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã trao đổi điện mừng vào ngày 11/7 nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký “Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ Bắc Triều Tiên – Trung Quốc”. Ông Kim Jong-un bày tỏ phản ứng chung với “các thế lực thù địch”. Một chuyên gia về các vấn đề Bắc Triều Tiên tại Hàn Quốc cho rằng mối quan hệ Trung Quốc – Bắc Triều Tiên chỉ là “cuộc hôn nhân tạm thời cùng có lợi”, điện mừng vui vẻ, nhiệt tình nhưng khác xa so với quan hệ thực tế.
Theo Tân Hoa xã và các báo cáo truyền thông chính thức khác của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cho biết trong thông điệp chúc mừng: “Trong 60 năm qua, Trung Quốc và CHDCND Bắc Triều Tiên đã giữ vững tinh thần của hiệp ước, ủng hộ vững chắc và sát cánh cùng nhau. Điều này đã củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống anh em giữa hai Đảng và thúc đẩy phát triển sự nghiệp chủ nghĩa xã hội của hai nước, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.”
Tổng Bí thư Đảng Lao động Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong-un tuyên bố rằng “khi các hoạt động thách thức và cản trở của các thế lực thù địch ngày càng nghiêm trọng”, hiệp ước hữu nghị Bắc Triều Tiên – Trung Quốc có thể “phát huy mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định ở châu Á và thế giới.”
Mặc dù “thế lực thù địch” mà ông Kim Jong-un đang nhắc đến và “lực lượng nước ngoài” mà ông Tập Cận Bình nhắc đến tại lễ mừng 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, đều không chỉ rõ là quốc gia nào, nhưng dư luận nhìn chung tin rằng họ đang ám chỉ Hoa Kỳ.
“Đây là một ‘cuộc hôn nhân tạm thời cùng có lợi”, Giáo sư Park Won-gon, chuyên gia về các vấn đề Bắc Triều Tiên tại Đại học Ewha, Hàn Quốc, nói với AFP.
Ông nói thêm, kể từ khi Chiến tranh Bắc Triều Tiên kết thúc, giữa hai đồng minh Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã nảy sinh nhiều bất hòa, họ sẽ không bao giờ thực sự tin tưởng nhau, chỉ là họ cần nhau để đối phó với vấn đề của Hoa Kỳ. Nhưng khi họ càng tiến gần, thì việc đối phó với vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên càng trở nên phức tạp.
AFP dẫn lời một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh ngoại giao phi hạt nhân hóa bế tắc và mối quan hệ Bắc Kinh – Washington ngày càng xấu đi, mục đích của cuộc trao đổi điện mừng này giữa hai lãnh đạo Kim – Tập là nhằm biểu diễn cho Hoa Kỳ thấy được chất lượng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và nước láng giềng Bắc Triều Tiên.
Theo báo cáo của RFI, sau khi ông Kim Jong-un lên kế vị, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã không có bất kỳ trao đổi nào trong gần 7 năm. Tuy nhiên, sau khi Washington và Bình Nhưỡng chuẩn bị trực tiếp tổ chức hội nghị thượng đỉnh về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, mối quan hệ giữa hai nước đã được củng cố trở lại.
Báo cáo nêu rõ, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên là số ít “quốc gia cộng sản” còn sót lại trên thế giới. Nhu cầu chung giữa hai nước là Bắc Triều Tiên lẻ loi cần Trung Quốc hỗ trợ kinh tế và ngoại giao, còn về phía Trung Quốc cũng có thể lợi dụng con bài Bắc Triều Tiên khi Hoa Kỳ và các nước phương Tây tiến hành phi hạt nhân hóa Bán đảo Bắc Triều Tiên.
Nhà bình luận thời sự Tô Văn Dần (Su Wenyin) tin rằng khi quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng, chính quyền Biden đã phản ứng với tình hình châu Á – Thái Bình Dương và phản công Trung Quốc, trong khi đó, ông Kim Jong-un chuyển thông điệp tới ông Tập Cận Bình, yêu cầu liên kết chống “thế lực thù địch”. Trước những thay đổi mới của tình hình trên bán đảo Bắc Triều Tiên và quốc gia này vẫn có giá trị như một con bài mặc cả trong quan hệ Trung – Mỹ, Bắc Kinh cũng nóng lòng lôi kéo lại được Bắc Triều Tiên và nâng cấp quan hệ giữa hai bên.
Ngày 11/7/1961, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên ký “Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ” để đảm bảo rằng một bên sẽ cung cấp đầy đủ quân sự và các hỗ trợ khác cho bên kia trong tình trạng chiến tranh. Hai bên sẽ không tham gia vào bất kỳ liên minh, nhóm, hành động hoặc biện pháp nào thù địch với nhau. Hai bên cũng sẽ hợp tác về các phương diện kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, và hỗ trợ nhau về kinh tế – kỹ thuật.