Sau khi thành phố Sài Gòn bị phong tỏa để chống dịch Covid-19, tác giả Yên Khắc Chính của trang Luật Khoa đặt ra một số câu hỏi cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, những câu hỏi rất hiền lành: “Đâu là giả, đâu là thật?”; “Chống dịch như chống giặc, nhưng đâu là giặc?”; “Ưu tiên của chính quyền là gì?”… Dù hiền lành nhưng nội dung các câu hỏi này cho thấy rõ bản chất rất phản động của chính quyền cộng sản hiện nay.
Đầu tiên, nhà cầm quyền phủ nhận, không có phong tỏa, rồi sau đó phong tỏa. Sự giấu giếm thông tin, hay nói trắng ra là nói láo dân chúng, đưa tác giả đi đến câu hỏi rằng, có phải nhà cầm quyền coi dân chúng là giặc hay không, vì chỉ là giặc thì mới bị đối xử như thế.
Nhiều người dân Sài Gòn liên tưởng tới một vụ đổi tiền sau năm 1975. Trong vụ này, chiều hôm trước báo chí nhà nước nói rằng không có đổi tiền; nhưng sáng hôm sau, lệnh đổi tiền được ban bố. Giữ bí mật như một trận đánh, một trận đánh với dân chúng Sài Gòn vừa được (bị) “giải phóng”.
Thói quen nói láo, giấu giếm, coi dân chúng là “đối tượng”, là giặc, như vậy có gì khác hơn là tính chất phản động? Phản lại vai trò của một nhà nước là phải làm “đày tớ” cho dân, như những người cộng sản vẫn hay huênh hoang?
Một thói quen phản động khác của nhà cầm quyền cộng sản là xem giới chuyên môn, khoa học, không ra gì, một quan điểm chống lại sự phát triển, đặt nền tảng trên khoa học và chuyên môn. Điều này được thấy rõ nhất qua tuyên bố của ông Nguyễn Văn Nên, bí thư thành ủy thành Hồ, rằng ông ta sẽ gặp các nhà khoa học để bàn chuyện chống dịch.
Nước tới trôn mới nhảy, đó là nói rằng ông Nên thật sự cần các nhà khoa học khi nước tới trôn, chứ không phải là làm màu. Tức là, suốt một năm rưỡi qua, từ khi đại dịch hoành hành trên thế giới cho đến khi nó bùng lên dữ dội ở Việt Nam, ông Nên và các đồng chí của ông không cần khoa học.
Quan điểm quản trị quốc gia với chính trị là thống soái, giành quyền lực vào một thiểu số đảng viên cộng sản, là một quan điểm phản động, dẫn tới khoa học và giáo dục Việt Nam hiện nay là một mớ hổ lốn.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã có sự cố gắng trong minh bạch thông tin hồi đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 mới khởi phát. Theo các nhà quan sát độc lập, từ báo chí phương Tây và các chuyên gia Mỹ ở Việt Nam, vào lúc đó việc công bố các ca bệnh không giấu giếm.
Thế tại sao bây giờ nhà cầm quyền cộng sản lại làm ngược lại?
Các thông tin cho chúng ta biết, rằng Hà Nội biết khá sớm đại dịch đã bùng phát từ cuối năm 2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, mà người anh em kết nghĩa cộng sản của họ là Bắc Kinh lại giấu kín. Hà Nội chuẩn bị khá kỹ lưỡng, và biết rằng không thể giấu giếm như thói quen cố hữu của họ, khi họ không muốn làm phật lòng phương Tây như những người đồng chí phương Bắc. Và cũng có thể đó là một sự hướng thiện nhỏ nhoi trong tiến trình bình thường hóa đời sống xã hội hơn 30 năm nay.
Nhưng khi đợt dịch lần thứ tư này bùng phát, mức độ dữ dội và mất kiểm soát của nó làm cho nhà cầm quyền cộng sản hoảng sợ, và từ sự hoảng sợ đó, họ quay về với thói quen bí ẩn, giấu giếm, là căn cốt của họ. Mà nói cho cùng thì một trong những nguyên nhân của đợt dịch thứ tư này chính là thói huênh hoang, khoác lác, kiêu ngạo trước đó của họ.
Sự mất kiểm soát làm cho những người cộng sản cầm quyền hoảng hốt và sợ hãi. Sự sợ hãi làm cho họ nghĩ rằng, nếu họ nói thật về dự định phong tỏa thành phố, sẽ có rối loạn mà họ không thể kiểm soát. Sự sợ hãi này và sự sợ hãi mấy mươi năm về trước trong vụ đổi tiền là giống nhau.
Thật ra mô hình cộng sản, tức là mô hình nhà nước Lenin-Stalin-Mao mang trong mình tính chất phản động, chống lại sự phát triển bình thường. Vì thế, đảng cộng sản ở các nước còn lại như Trung Quốc và Việt Nam có tính chất phản động, kể cũng không lạ. Sự việc động trời nhất là vụ đàn áp bác sĩ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán, khi ông này đặt nghi vấn về loại virus mới, giết nhiều người ở Vũ Hán lúc đó và đang lây lan nhanh, mà chưa ai biết đó là virus gì. Bắc Kinh tiếp tục giấu giếm khi từ chối hợp tác với tổ chức y tế thế giới về việc điều tra nguồn gốc virus.
Cả hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đều hoạt động bí mật trong hàng chục năm đầu đời của họ. Sự bí mật, cộng với tính chất phản động của họ làm cho họ luôn có khuynh hướng giấu giếm sự thật. Cách đây gần 30 năm, tôi có đọc một bài đăng trên trang Diễn Đàn, của nhóm Việt kiều ở Pháp, nói về thói quen bí mật này của những người cộng sản, ngay cả khi không còn ai bắt bớ họ nữa, mà chỉ họ bắt bớ người khác khi cầm quyền.
Một điều khác làm tăng tính phản động của đảng cộng sản, đó là họ độc quyền cai trị, không có sự cạnh tranh công khai nào, điều tưởng đâu hay, hóa ra dở, vì họ phải cạnh tranh với chính dân chúng của họ. Vì thế, họ luôn coi dân chúng là “đối tượng”, cần phải “đấu tranh”, phải giấu giếm dân chúng mọi điều.
Cho nên, tác giả Yên Khắc Chính cũng đừng ngạc nhiên khi nhà cầm quyền cộng sản có thể coi dân là giặc. Sự sợ hãi và thói quen giấu giếm của đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho họ trở nên phản động.