Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức công bố biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan tới dự án vận chuyển khí đốt “Nord Stream 2” (Dòng chảy phương Bắc 2).
Theo Washington Post và kênh RT (Nga), Bộ Tài chính Mỹ đã công bố danh sách đen gồm 13 tàu biển và một công ty dịch vụ cứu hộ hàng hải của Nga bị Washington trừng phạt vì tham gia dự án xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức.
Bộ Tài chính Mỹ đưa 13 tàu và 1 công ty của Nga vào danh sách trừng phạt theo Luật Bảo vệ An ninh Năng lượng châu Âu (PEESA) năm 2019 nhằm ngăn chặn việc xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt dưới biển Baltic này, đồng thời bảo vệ Ukraine theo hướng không để Kiev mất nguồn lợi nhuận là thu phí trung chuyển khí đốt đi qua lãnh thổ nước này.
Trong số các tàu Nga bị liệt vào “danh sách đen” nói trên có tàu đặt đường ống Akademik Cherskiy, tàu hỗ trợ Artemis Offshore, tàu cung ứng Baltic Explorer; các tàu cứu hộ Bakhtemir, Murman, và Spasatel Karev of MorSpas; các tàu lai dắt Finval, Kapitan Beklemishev, Narval, Sivuch và Umka… Trong khi đó, công ty Dịch vụ cứu hộ hàng hải liên bang Morspas có trụ sở tại Moskva cũng bị trừng phạt. Theo sắc lệnh này, mọi quan hệ và hoạt động giao dịch với các thực thể trừng phạt đều bị cấm.
Trước đó cùng ngày, Nhà Trắng lần đầu tiên thừa nhận Mỹ không thể ngăn chặn việc hoàn thành dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, dự án này đã hoàn thành tới 95% vào thời điểm Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Quyết định trừng phạt được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 19/5 cho biết Mỹ đang tính miễn áp đặt một số trừng phạt nhằm vào công ty phụ trách dự án Dòng chảy phương Bắc 2, coi đây là “bước đi hòa giải”. Ngoại trưởng Đức xác nhận công ty Nord Stream 2 AG và giám đốc điều hành của công ty, là công dân Đức, được miễn áp dụng trừng phạt của Mỹ.
Mỹ và một số nước châu Âu lo ngại rằng dự án này sẽ khiến Đức và Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Tuy nhiên chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel lập luận rằng dự án trị giá 10 tỷ EUR (12 tỷ USD) này giúp đảm bảo nguồn cung nhiên liệu ổn định và sạch hơn, trong bối cảnh Đức đang muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và nhiên liệu hạt nhân.