Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Trung Quốc tìm kiếm gì ở vùng biển sâu khi đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông ?

Bãi Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Đá Xu Bi (Subi Reef), rồi gần đây là Bãi Đá Ba Đầu (Whitsun Reef), Trung Quốc dần dần tăng sự hiện diện và đòi hỏi chủ quyền theo một chiến lược kiên trì, chậm rãi, tạm gọi là « trì hoãn chiến lược » (strategic delay).

Vị trí chiến lược quân sự, con đường huyết mạch giao thương hàng hải chỉ là bề nổi. Nguồn cung khoáng chất đất hiếm dưới đáy những vùng biển tranh chấp này mới là điều cốt lõi cho tham vọng bá chủ công nghệ của Trung Quốc.

Trong cuộc đua này, khi đưa ra tầm nhìn « Made in China 2025 », Bắc Kinh khẳng định hai mục tiêu : Tham vọng trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sản xuất bình điện (ắc-qui), pin sử dụng trong giao thông và nhiều lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời sẽ là một trong những nước sản xuất các thiết bị điện tử tiên tiến nhất trên thế giới. Do vậy, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là tập trung phát triển và đổi mới các lĩnh vực như chip bán dẫn, công nghệ hàng không hay như robotic.

Để thực hiện hai mục tiêu này, việc tiếp cận nguồn cung đất hiếm đóng một vai trò thiết yếu. Chiến lược cốt lõi của Trung Quốc là tiếp tục duy trì vị thế thống trị thị trường sản xuất và xuất khẩu đất hiếm mà nước này có được từ ba thập kỷ qua. Là quốc gia cung cấp 90% lượng đất hiếm tiêu thụ trên toàn cầu, Trung Quốc có đủ sức mạnh để hạn chế hay mở rộng xuất khẩu đất hiếm nhằm duy trì nguồn cung và mức giá theo ý của mình.

Vậy vai trò của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm tác động ra sao đến chính sách Biển Đông ? Theo hai tác giả, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với hai mối đe dọa tiềm tàng cho nguồn cung ứng đất hiếm.

Thứ nhất, vào lúc kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh và tầng lớp trung lưu tăng nhanh, chính phủ Trung Quốc dự báo khả năng cạn kiệt các mỏ khai thác đất hiếm to lớn ở trong nước. Thứ hai, Trung Quốc cũng đã tận dụng được nhiều nguồn đất hiếm thô từ nhiều nước khác như Cộng hòa Dân chủ Congo, nhưng sự ổn định lâu dài hạn trong việc tiếp cận những nguồn tài nguyên bên ngoài vẫn còn là một vấn đề.

Để đối phó với những mối đe dọa trên, Trung Quốc phải mở rộng nguồn cung đất hiếm ở bên ngoài. Đáy Biển Đông chứa đựng một lượng dồi dào các mẫu khoáng chất nhỏ : Hạch đa kim (Nodules polymétalliques). Và Trung Quốc đã có được một công nghệ khai thác ở vùng nước sâu tân tiến nhất thế giới. Khả năng thu hoạch các hạch đa kim và đất hiếm mà Trung Quốc đang có là vô song.

Với việc Cơ quan quản lý Đáy biển Quốc tế đưa ra những quy định về khai thác các mỏ khoáng sản dưới đáy biển, Bắc Kinh cho rằng cách tốt nhất để tiếp tục bảo đảm việc tiếp cận và nguồn cung ứng khoáng sản đáy biển cũng như là đất hiếm ngoài khơi, là coi những vùng biển này như là lãnh thổ có chủ quyền.

Tin Biển Đông ngày 28/4: Trung Quốc lại khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa

Do vậy, theo hai tác giả, Trung Quốc sẽ không được lợi gì nếu chiến tranh xảy ra, bởi vì mục tiêu chính của nước này là tìm cách kiểm soát nguồn cung ứng và giá cả của đất hiếm ít nhất là trong vòng ¼ thế kỷ tới. Hơn bao giờ hết, Trung Quốc cũng hiểu rõ những hạn chế về sức mạnh thị trường đất hiếm hiện nay của mình.

Bài học kinh nghiệm năm 2010 sau vụ Bắc Kinh trừng phạt Tokyo trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cho thấy việc ban hành lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản và ra thế giới đã làm giá cả đất hiếm tăng vọt đến 2.000%, làm xói mòn chính thị trường của Trung Quốc khi có nhiều tác nhân mới tham gia vào ngành khai thác đất hiếm.

Từ những nghiên cứu này, các tác giả đưa ra các kết luận : Việc bảo đảm nguồn cung ứng đất hiếm dồi dào, có chi phí thấp để ổn định nhu cầu ngày càng lớn trong nước sẽ mang lại cho Trung Quốc một vị thế tốt tạo thành công trong các nỗ lực kinh tế đầy tham vọng nhưng đồng thời tiếp tục thống trị thị trường toàn cầu là mục tiêu chính. Với những đích ngắm này, các cuộc đối đầu ở Biển Đông sẽ không sớm kết thúc nhưng chiến tranh cũng có thể không xảy ra.

Các mục tiêu về sức mạnh thị trường sẽ tiếp tục thúc đẩy Bắc Kinh từng bước mở rộng phạm vi tiếp cận hàng hải và khẳng định các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Việc bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016 cho thấy rõ bất kỳ đề xuất giải pháp nào cho những tranh chấp lãnh hải mà bỏ qua những đòi hỏi kinh tế đều có khả năng gặp thất bại !

Related posts

Đại sứ quán TQ đáp trả: “Mỹ mới là kẻ thật sự cưỡng ép, bắt nạt tại Nam Hải!”

Tin Tức Đa Chiều

Mỹ: Ca tử vong liên quan đến vắc-xin trong quý 1/2021 nhiều hơn 10 năm cộng lại

Tin Tức Đa Chiều

Niềm tin của người dân Mỹ vào Big Tech rớt xuống mức kỷ lục, đặc biệt là mạng xã hội

Leave a Comment