Theo bài viết của tác giả Nick Butler được đăng trên trang Nikkei, vào ngày 11/3, Pakistan đã khánh thành dự án điện hạt nhân dân dụng lớn nhất của mình với việc khai trương nhà máy 1,1 gigawatt ở Karachi, tăng gấp đôi công suất của 4 cơ sở điện hạt nhân hiện có của quốc gia Nam Á này.
Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với Pakistan, quốc gia cần thêm công suất từ tất cả các nguồn để tăng cường nguồn cung điện hiện không đủ. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là nhà máy được xây dựng và sẽ được vận hành bởi Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) – một trong những công ty dẫn đầu của Bắc Kinh nhằm hướng tới gia nhập danh sách rất ngắn các quốc gia có khả năng xây dựng và vận hành các dự án điện hạt nhân dân dụng trên thế giới.
Sự phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân của Trung Quốc trong thập kỷ qua là rất đáng chú ý. Với hơn 30 lò phản ứng mới được đưa vào hoạt động và 16 lò khác đang được xây dựng, Trung Quốc hiện là nguồn tăng trưởng chính cho năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới.
Với việc Mỹ và Liên minh châu Âu đều rút lui khỏi việc sử dụng năng lượng hạt nhân và Nhật Bản vẫn bị hạn chế bởi di chứng của thảm kịch Fukushima một thập niên trước, việc mở rộng tăng trưởng của Trung Quốc đã duy trì thị phần hạt nhân khoảng 10% nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Sự tăng trưởng đó chỉ là bước khởi đầu. Mục tiêu là tạo ra một chu trình khép kín, ngành công nghiệp hạt nhân tự chủ của Trung Quốc từ chế biến uranium cho đến sản xuất nguyên liệu cho các lò phản ứng, xây dựng và quản lý các nhà máy đang vận hành. Trong quá trình này, ngành công nghiệp hạt nhân Trung Quốc sẽ giảm bớt hoặc bỏ vai trò của các công ty nước ngoài.
Phần khác trong chiến lược của Trung Quốc là tạo ra một ngành công nghiệp xuất khẩu, với kế hoạch tập trung vào một loạt các quốc gia thiếu nguồn lực. Các nhà máy của Trung Quốc sẽ có chi phí thấp, sử dụng các kỹ thuật như xây dựng mô-đun để ghép các lò phản ứng lại với nhau, đơn giản hơn nhiều các lò đang được xây dựng ở phương Tây. Chi phí thấp của các lò phản ứng xuất khẩu cũng sẽ được hỗ trợ bởi nguồn vốn của Trung Quốc thông qua các khoản vay ưu đãi và các hợp đồng quản lý dài hạn hào phóng.
Một thập niên trước, nhiều người trong ngành công nghiệp Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội tham gia vào quá trình đổi mới lĩnh vực hạt nhân ở các nước phương Tây, bao gồm cả Vương quốc Anh.
Công ty hạt nhân hàng đầu Trung Quốc, Tổng cục hạt nhân Trung Quốc (CGN), đã cùng với Tập đoàn Năng lượng EDF Pháp đã tài trợ 1/3 dự án điện hạt nhân Hinkley Point ở Vương quốc Anh. Mục đích của họ là đảm bảo cơ hội tiếp tục xây dựng, sở hữu và vận hành một lò phản ứng của Trung Quốc ở Anh, bắt đầu bằng một nhà máy mới ở Essex.