Dịch bệnh ở Ấn Độ đang nằm ngoài tầm kiểm soát, và nhiều quốc gia đều đang chung tay giúp đỡ. Hôm qua (29/4), Đài Loan cho biết họ đã thu thập được 150 máy tạo oxy, và cuối tuần này sẽ gửi tới Ấn Độ. Còn ở bờ bên kia, ĐCSTQ đã hứa giúp đỡ Ấn Độ nhưng hành động thực tế cho thấy điều ngược lại, trang Taiwan News cho hay.
Theo Hãng thông tấn Trung ương (CNA), sáng nay (29/4), Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp, đã đến Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Lập pháp Viện để báo cáo về chuyên đề “Sự phát triển và triển vọng tương lai của quan hệ ngoại giao Đài Loan – Nhật Bản”, và trả lời các câu hỏi.
Trong một cuộc phỏng vấn trước cuộc họp, ông Ngô cho biết Bộ Ngoại giao đã làm việc chăm chỉ từ cuối tuần trước và hy vọng có thể hỗ trợ các vật tư thiết yếu cho Ấn Độ. Hiện tại, Đài Loan đã có được 150 máy tạo oxy và đang chuyển đổi điện áp để máy có thể sử dụng ở Ấn Độ (vì điện áp ở Đài là 110V, trong khi ở Ấn là 230V), và chúng có thể được gửi đi vào cuối tuần này. Ngoài ra, Đài Loan cũng đang tiếp tục mua thêm máy tạo oxy và đồng thời đặt hàng nguyên liệu từ nước ngoài để các nhà sản xuất trong nước tiếp tục sản xuất máy tạo oxy.
Hôm 28/4, Thứ trưởng Ngoại giao Đài Loan – ông Tào Lập Kiệt (Cao Lijie) cũng tuyên bố rằng thiết bị tạo oxy và các vật liệu khác, sẽ được gửi đến Ấn Độ thông qua máy bay chở hàng của China Airlines, và Bộ Ngoại giao sẽ không chỉ cung cấp vật tư y tế cho Ấn Độ một lần này, mà sẽ tiếp tục trong thời gian dài.
Chính phủ Trung Quốc cũng hứa sẽ hỗ trợ Ấn Độ. Vào ngày 26/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tweet: “Chúng tôi lo ngại về tình hình nghiêm trọng ở Ấn Độ. Chúng tôi sẵn sàng trợ giúp nếu Ấn Độ cho chúng tôi biết nhu cầu cụ thể của họ”.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Times of India ngày 26/4, hãng hàng không Tứ Xuyên Airlines của nhà nước Trung Quốc đã đình chỉ tất cả các chuyến bay chở hàng đến Ấn Độ trong 15 ngày. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng người dân địa phương có được máy tạo oxy và các thiết bị y tế cần thiết khác từ Trung Quốc.
Ngoài ra, các thương nhân cũng phàn nàn rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đã tăng giá vật tư y tế lên 35-40%, và phí vận chuyển cũng tăng hơn 20%.