Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Đài Loan muốn mua tên lửa hành trình tầm xa của Mỹ

Một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 19/4 nói rằng quốc đảo dân chủ đang theo đuổi thương vụ mua tên lửa hành trình không-đối-đất tầm xa của Mỹ. Đài Loan đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự trong bối cảnh ngày càng chịu áp lực quân sự từ Trung Quốc Đại lục.

Tên lửa JASSM lắp trên oanh tạc cơ B-1B Mỹ hồi năm 2018. Ảnh: Drive.

Đài Loan hiện nay vẫn đang tự sản xuất được các tên lửa tầm xa để giúp quốc đảo có khả năng tấn công vào sâu trong đất liền nhà nước Trung Quốc cộng sản. Và để tăng thêm khả năng răn đe, quốc đảo dân chủ cũng muốn tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để có thêm vũ khí tối tân hơn nữa.

Theo Liberty Times, trong một phiên họp của Ủy ban Tư pháp và Pháp luật của Quốc hội Đài Loan hôm thứ Hai (19/4), nghị sĩ Chao Tien-lin đã hỏi ông Li Shih-Chiang – Cục trưởng Cục Kế hoạch Chiến lược, Bộ Quốc phòng rằng liệu có bất kỳ loại vũ khí nào Đài Loan đã yêu cầu mua của Mỹ nhưng chưa được phê duyệt từ khi chính quyền Biden lên cầm quyền hay không. Ông Li xác nhận rằng tất cả các thương vụ vũ khí đang tiến triển bình thường.

Ông Li tiết lộ thêm rằng hiện tại chỉ có tên lửa AGM-158 do hãng Lockheed Martin sản xuất vẫn nằm trong danh sách vũ khí mong muốn của Đài Loan và chính phủ Đài Loan sẽ tiếp tục thúc đẩy hoàn tất thỏa thuận mua bán này. Ông Li nói thêm rằng các kênh liên lạc giữa Đài Loan và Mỹ là suôn sẻ và bình thường.

“Chúng tôi vẫn đang trong tiến trình theo đuổi nó… Các kênh liên lạc là suôn sẻ và bình thường”, ông Li nói.

AGM-158, viết tắt của Joint Air-to-Surface Standoff Missile (Tên lửa Không-đối-Đất), có thể đạt tầm bắn gần 1.000 km phụ thuộc vào mẫu nào, và có thể được lắp vào các phi cơ chiến đấu, kể cả F-16s có trong biên chế của không lực Đài Loan hiện nay.

Theo hãng Lockheed Martin, tên lửa AGM-158 được thiết kế nhằm phá hủy các mục tiêu giá trị cao, được bảo vệ tốt và có thể phóng từ khoảng cách xa giúp giữ cho các phi cơ đổ bộ tránh xa các hệ thống phòng không của kẻ thù.

Ngoài ra, cũng trong phiên họp nêu trên, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng đã được hỏi về một báo cáo nói rằng chính quyền Biden đã phê duyệt thương vụ bán pháo tầm ngắn tự hành M109 cho Đài Loan.

Ông Chiu nói rằng ông đã xem tin tức về diễn tiến này, nhưng ông khẳng định quân đội Đài Loan vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ Washington hoặc từ Viện Mỹ tại Đài Loan – cơ quan tương đương Đại sứ quán Mỹ tại Đài Bắc.

Trung Quốc Đại lục luôn xem Đài Loan là lãnh thổ ngoài khơi xa của họ và chưa bao giờ từ bỏ ý định sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này về dưới sự kiểm soát của chế độ cộng sản. Trung Quốc thời gian qua đã đang tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan, điều nhiều máy bay quân sự xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không của quốc đảo dân chủ.

Lực lượng vũ trang Đài Loan là nhỏ bé nếu so với quân đội Trung Quốc. Nhưng quốc đảo dân chủ đã đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội để có được khả năng răn đe hiệu quả hơn, trong đó gồm cả khả năng tấn công vào các căn cứ nằm sâu trong đất liền Trung Quốc nếu xảy ra xung đột trên Eo biển Đài Loan.

Lực lượng vũ trang Đài Loan có truyền thống tập trung vào phòng thủ trước khả năng tấn công từ Trung Quốc Đại lục. Nhưng gần đây Tổng thống Thái Anh Văn đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phát triển khả năng răn đe “bất đối xứng” thông qua việc sử dụng các khí tài quân sự cơ động khó bị phát hiện và phá hủy, đồng thời có khả năng tấn công mục tiêu cách xa Đài Loan.

Mỹ và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức từ năm 1979. Nhưng Washington vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho đảo quốc dân chủ, một phần giúp Đài Loan tự vệ, thứ nữa là cũng để tạo ra đối trọng quân sự với lực lượng Trung Quốc mà Bộ Quốc phòng Mỹ gọi là “Pháo đài Đài Loan”.

Related posts

Trung Quốc: Nổ lớn tại khu chợ khiến ít nhất 150 người thương vong

Biển Đông: Mỹ ra cảnh báo nóng với Bắc Kinh

“Hoảng hồn” trước Nga, Ukraine cầu cứu Mỹ: Câu trả lời của ông Biden rất tàn nhẫn

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment