Nga sẽ cấm tàu nước ngoài và các tàu phi thương mại quá cảnh qua Eo biển Kerch để vào Biển Đen, theo các báo báo từ truyền thông Ukraine. Eo biển Kerch nằm giữa bán đảo Crimea và Nga, và nối Biển Đen với Biển Azov.
New Yort Post dẫn nguồn từ báo chí Ukaine cho biết Bộ Ngoại giao nước này hôm thứ Năm (15/4) đã nói rằng Tổng thống Nga Putin sẽ đóng Eo biển Kerch từ tuần tới cho đến tháng Mười.
Theo Kyiv Post, Nga sẽ phong tỏa Eo biển Kerch từ 24/4 cho đến tháng Mười, chưa xác định ngày cụ thể. Động thái phong tỏa này của Moscow được cho là nhằm ngăn chặn các cuộc tập trận quân sự trên Biển Đen và nó đến vào thời điểm ngày càng gia tăng đồn đoán về một cuộc chiến tranh sắp diễn ra giữa Nga và Ukraine.
Quyết định của Điện Kremlin hôm thứ Năm cũng là cụ thể hóa tuyên bố của họ vào hai ngày trước đó rằng Mỹ phải tránh xa khu vực Biển Đen “vì chính điều tốt cho họ”. Cảnh báo này của chính phủ Nga đã khiến chính quyền Biden phải hủy kế hoạch điều hai tài chiến của Hải quân Mỹ tới Biển Đen.
Thông tin Nga phong tỏa cửa vào Biển Đen đến chỉ vài giờ sau khi chính quyền Biden tuyên bố áp đặt chế tài lên hơn 30 công dân Nga và trục xuất 10 nhà ngoại giao của Moscow.
Ngay sau khi loan báo chế tài lên Nga, một đại diện của chính quyền Biden đã nói với báo giới rằng Washington “không mong muốn rơi vào một chu trình leo thang [căng thẳng] với Nga”.
Hãng tin Just the News cho biết họ đã liên lạc với Đại sứ quán Nga tại Mỹ để yêu cầu lên tiếng về thông tin Moscow đóng cửa vào Biển Đen, nhưng không nhận được phản hồi.
Trong khi đó, trong tuyên bố tại Nhà Trắng hôm 15/4 sau khi chế tài các thực thể Nga, ông Biden nói rằng “bây giờ là thời điểm giảm leo thang [căng thẳng]”.
Đầu tuần này, ông Biden cũng đã lên tiếng đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ông Putin ở một nước thứ ba mà hai bên đồng thuận.
Đến ngày 15/4, Điện Kremlin đã loan báo rằng Tổng thống Putin sẽ không chấp nhận lời mời gặp mặt trực tiếp của Tổng thống Biden, ít nhất trong thời điểm này, hãng tin RT của nhà nước Nga đưa tin.
Theo RT, phát ngôn viên chính phủ Nga, ông Dmitry Peskov viện dẫn các vấn đề hậu cần là lý do chính cho việc từ chối đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nga “ở một nước thứ ba trong vòng vài tháng tới”.
“Không, một cuộc gặp song phương tất nhiên không thể được tổ chức nhanh chóng thế”, ông Peskov khẳng định.
Ông Biden dù bất đồng với Nga ở một số vấn đề như tấn công mạng, can thiệp bầu cử và xung đột Ukraine, nhưng cũng thừa nhận giữa Washington và Moscow có nhiều thách thức toàn cầu quan trọng cần làm việc với nhau, trong đó có việc ngăn chặn các mối đe dọa hạt nhân từ Iran, Bắc Hàn, chấm dứt đại dịch virus corona toàn cầu, và ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện hữu về biến đổi khí hậu.