Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Thông điệp Trung Quốc gửi Mỹ khi đưa dàn máy bay “vây” Đài Loan

Việc Trung Quốc liên tiếp triển khai hàng loạt máy bay quân sự áp sát Đài Loan được cho là nhằm gửi thông điệp cứng rắn đồng thời tới hòn đảo và Mỹ.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan ngày 12/4 cho biết Trung Quốc đã điều 25 máy bay quân sự vào khu vực phía tây nam vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của hòn đảo, trong đó có 14 máy bay chiến đấu J-16, 4 máy bay chiến đấu J-10, 4 máy bay ném bom H-6K, 2 máy bay tác chiến chống tàu ngầm Y-8 và một máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không KJ-500.

Đài Loan cáo buộc đây là lần xâm nhập có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của máy bay quân sự Trung Quốc vào vùng trời của hòn đảo. Giới phân tích nhận định việc Trung Quốc đưa số lượng máy bay quân sự lớn chưa từng có áp sát Đài Loan nhằm gia tăng sức ép với hòn đảo, đồng thời gửi một thông điệp tới Mỹ.

Theo Jon Grevatt, chuyên gia về máy bay quân sự và là nhà phân tích quốc phòng châu Á – Thái Bình Dương, sự xuất hiện ồ ạt của dàn máy bay quân sự Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh không chỉ coi hoạt động này giống như một cuộc tuần tra tác chiến trên không, mà còn là một màn phô diễn sức mạnh.

“Các hoạt động như vậy (các chiến dịch tuần tra hoặc trinh sát trên không) thường diễn ra ở các vùng lãnh thổ mà nước đó sở hữu – rõ ràng, Trung Quốc coi Đài Loan là vùng lãnh thổ của họ”, chuyên gia Grevatt nói.

Ông Grevatt cũng cho rằng một số máy bay quân sự như máy bay chống ngầm sẽ giúp Trung Quốc thu thập được thông tin hữu ích.

“Khi các máy bay (Trung Quốc) tiến vào vùng trời của Đài Loan, đó là một màn phô diễn sức mạnh nhằm thể hiện rằng Trung Quốc không nhượng bộ, và Trung Quốc không rút lui sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ”, chuyên gia Grevatt nói thêm.

Một ngày trước khi Trung Quốc đưa dàn máy bay quân sự áp sát Đài Loan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Bắc Kinh về việc xâm chiếm Đài Loan – hòn đảo 24 triệu dân mà Trung Quốc coi là vùng lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng sáp nhập bằng mọi cách, kể cả sử dụng vũ lực.

Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng Washington có cam kết lâu dài theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan nhằm đảm bảo rằng hòn đảo này “có khả năng tự vệ”, đồng thời đảm bảo hòa bình và an ninh ở Tây Thái Bình Dương.

Các hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc hôm 12/4 diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi Bắc Kinh đưa 20 máy bay chiến đấu đến cùng khu vực hôm 26/3, ngay sau khi Đài Bắc và Washington ký thỏa thuận đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden về hợp tác tuần duyên.

Sau khi thực hiện số chuyến bay kỷ lục vào ADIZ của Đài Loan trong năm 2020, Trung Quốc vẫn không có tín hiệu “giảm nhiệt” trong năm nay. Báo Liberty Times có trụ sở tại Đài Bắc ước tính, các vụ tiếp cận trên không của Trung Quốc vào ADIZ của Đài Loan đã diễn ra ít nhất 86 trong số 102 ngày tính từ đầu năm đến nay.

Hoạt động của Trung Quốc đã gây căng thẳng cho lực lượng phòng vệ Đài Loan. Người đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan Chiu Kuo-cheng tháng trước nói rằng ngoài máy bay chiến đấu, hòn đảo này có thể sử dụng cả máy bay thông thường ứng phó với các máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiến vào ADIZ để giảm chi phí.

Chuyên gia quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh cho biết cuộc triển khai máy bay quân sự mới nhất của Trung Quốc tại ADIZ của Đài Loan là một thông điệp rõ ràng đối với hòn đảo.

“Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn theo xu hướng độc lập ngày càng xích lại gần Washington, và Bắc Kinh đang sử dụng cuộc tuần tra này để yêu cầu Đài Loan không lợi dụng mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, trong khi vẫn thu được những lợi ích kinh tế từ lục địa Trung Quốc”, chuyên gia Zhou cho biết.

Theo Chieh Chung, giáo sư quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc, cuộc xuất kích của dàn máy bay quân sự Trung Quốc cũng có thể diễn tập cho một cuộc tấn công nhằm vào các tàu hải quân Mỹ.

“Đây là một phi đội tấn công… với máy bay KJ-500 để theo dõi tình hình, máy bay ném bom để tấn công mục tiêu và máy bay chiến đấu để bảo vệ. Nhưng vì Bắc Kinh không triển khai bất kỳ máy bay tiếp dầu nào, nên hoạt động này chỉ là một nhiệm vụ tầm ngắn”, chuyên gia Chieh nói với hãng thông tấn Đài Loan hôm 13/4.

Mỹ cũng tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

Trung Quốc và Mỹ đều điều tàu sân bay tới Biển Đông trong những tuần gần đây, trong đó tàu USS Theodore Roosevelt của Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận với Malaysia vào tuần trước, còn tàu tác chiến đổ bộ USS Makin Island của Mỹ cũng được điều động đến vùng biển này. Cả hai tàu đều tiến hành tuần tra ở khu vực phía nam Đài Loan khi Trung Quốc đưa dàn máy bay quân sự áp sát hòn đảo hôm 12/4.

Trước đó, Tổ chức Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh trích dẫn dữ liệu vệ tinh cho biết, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ đã xuất hiện ở biển Hoa Đông và tiến sát sông Dương Tử của Trung Quốc vào ngày 4/4.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13/4 cảnh báo Mỹ “đừng đùa với lửa” khi ủng hộ Đài Loan. Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Trung Quốc có những hành động “ngày càng hung hăng” với Đài Loan, sau khi hàng chục máy bay Trung Quốc áp sát hòn đảo.

Trong một động thái nhằm thể hiện sức mạnh phòng vệ, Đài Loan ngày 13/4 thông báo đã hạ thủy tàu vận tải và tấn công đổ bộ nội địa đầu tiên.

“Trong thời bình, con tàu sẽ được sử dụng để vận chuyển nhân sự và vật tư đến các đảo ngoài khơi. Khi xảy ra thiên tai, nó có thể hoạt động như một tàu bệnh viện để hỗ trợ nhân đạo cũng như các nhiệm vụ cứu trợ thiên tai. Trong thời chiến, nó có thể hoạt động như một tàu đổ bộ trong các hoạt động chiến đấu”, Cheng Wen-Ion, chủ tịch hãng đóng tàu CSBC cho biết.

Related posts

Cực nóng: Phát hiện nơi ‘trú ẩn’ của sinh vật ngoài hành tinh?

Tin Tức Đa Chiều

Ông Trump: ‘Đảng Cộng hòa thật mềm mỏng, họ chỉ đánh người của mình’

Tin Tức Đa Chiều

Bê bối sốc: Sư Thái hảm hiếp bé gái, lừa tiền dân cho để mua phi cơ “vi vu khắp thế gian”

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment