Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Alibaba bị phạt 18,2 tỷ Nhân dân tệ, ai sẽ là người tiếp theo?

Ngày 10/4, Tập đoàn Alibaba, công ty đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) điều tra, đã bị phạt 18,228 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 64 nghìn tỷ VNĐ), con số lớn nhất kể từ khi chính quyền Trung Quốc thực hiện các luật chống độc quyền. Alibaba ngay lập tức phản hồi rằng họ chân thành tiếp nhận và kiên quyết tuân theo.

Báo cáo chính thức của ĐCSTQ cho biết vào ngày 10/4/2021, Tổng Cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước đã phạt Alibaba 18,228 tỷ Nhân dân tệ, mức phạt này tương đương với 4% doanh số bán hàng 455,712 tỷ Nhân dân tệ tại thị trường nội địa năm 2019. Đồng thời, cơ quan này cũng ban hành một “Thư Hướng dẫn Hành chính” cho Alibaba, yêu cầu thực hiện chấn chỉnh toàn diện cũng như gửi báo cáo tự kiểm tra và tuân thủ cho Tổng cục trong ba năm liên tiếp.

Báo cáo nêu rõ, hành vi “độc quyền” của Alibaba đã loại bỏ hoặc hạn chế cạnh tranh trong thị trường dịch vụ nền tảng bán lẻ trực tuyến nội địa Trung Quốc, chống lại quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh nền tảng, gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng.

Ngày 10/4, Alibaba đã đưa ra một thông báo, hồi đáp rằng “chân thành tiếp nhận (hình phạt này) và kiên quyết tuân theo”, đồng thời “tăng cường hơn nữa việc xây dựng hệ thống tuân thủ, dựa trên sự đổi mới và phát triển, đồng thời hoàn thành tốt hơn các trách nhiệm xã hội”.

Về vấn đề này, một số nhà bình luận cho rằng sau khi kết quả của cuộc điều tra chống độc quyền được công bố, Alibaba ngoài mặt phục tùng việc bị giám sát, nhưng trong lòng bất mãn. Bởi vì ở phương Tây, luật chống độc quyền thường là để bảo vệ sức cạnh tranh hiệu quả cho thị trường nội địa, còn các hình phạt chủ yếu là áp cho các công ty nước ngoài. Ngược lại, các hình phạt áp dụng đối với các doanh nghiệp tư nhân dưới sự quản lý của ĐCSTQ lại đúng nghĩa là “cắt rau hẹ” (bòn tiền dân). Nếu Alibaba vẫn còn chưa tỉnh ra, dự đoán số phận cuối cùng sẽ là bị nhà nước tiếp quản và trở thành một doanh nghiệp trung ương.

Như chúng ta đã biết, kể từ một bài phát biểu của Jack Ma chỉ trích hệ thống quản lý của Trung Quốc vào tháng Mười năm ngoái, ông đã liên tục bị chính quyền ĐCSTQ đuổi đánh. Đầu tiên là bị chính quyền hỏi thăm, sau đó đến việc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỷ USD của tập đoàn Ant Group bị chính quyền đình chỉ vài ngày trước khi niêm yết. Và đến tháng 12/2020, Tổng Cục Quản lý Giám sát Thị trường đã khởi xướng một cuộc điều tra về việc Alibaba lạm dụng vị trí thống lĩnh trong thị trường dịch vụ nền tảng bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc theo Luật Chống độc quyền.

Kể từ đó, giá cổ phiếu của Alibaba bắt đầu tụt dốc không phanh, từ 319 USD xuống còn 223 USD (giảm khoảng 30%).

Gần đây, ĐCSTQ lại tiếp tục một đợt mới thanh trừng Jack Ma. Ngày 9/4, truyền thông Đại Lục đưa tin rằng sàn giao dịch đồ cũ Nhàn Ngư (Xianyu) của Alibaba cũng đã bị Ủy ban Nhà ở và Phát triển Đô thị-Nông thôn thành phố Bắc Kinh ‘hỏi thăm’ vì xuất bản bất hợp pháp thông tin cho thuê.

Ngoài ra, ngày 9/4, tờ Financial Times của Anh đưa tin, Đại học Hupan do Jack Ma thành lập đã buộc phải ngừng tuyển sinh viên mới. Nguồn tin cho biết, việc đăng ký của sinh viên năm thứ nhất dự kiến ​​khai giảng vào cuối tháng Ba năm nay đã bị tạm dừng. Hiện vẫn chưa rõ khi nào việc đăng ký của các sinh viên mới sẽ tiếp tục.

Một trong những người trong cuộc nói rằng một số quan chức cấp cao của chính quyền đang coi Đại học Hupan như một phiên bản hiện đại của Học viện Đông Lâm thuộc triều đại nhà Minh, lo sợ rằng Đại học Hupan đã tập hợp những nhà tư tưởng cùng chí hướng như học viện này, đe dọa chế độ Cộng sản Trung Quốc.

Theo báo cáo, các nhà chức trách đã chỉ tay vào Đại học Hupan, điều này cũng có nghĩa là hành động chống lại Jack Ma đang mở rộng từ lĩnh vực kinh doanh sang giáo dục.

Tháng trước, chính quyền Bắc Kinh gây áp lực buộc Alibaba phải bán các công ty truyền thông của mình, trong đó có hãng truyền thông nổi tiếng Hồng Kông “Nam Hoa Tảo Báo” (South China Morning Post). Theo nội dung thư nội bộ của Nam Hoa Tảo Báo ngày 9/4, tờ báo này sẽ “tái cơ cấu”, khoảng 4% số nhân viên sẽ bị sa thải.

Bởi vì gã khổng lồ Internet Alibaba có lượng dữ liệu lớn và số tiền khổng lồ, các giám đốc điều hành ở Bắc Kinh tin rằng đó sẽ là mối đe dọa an ninh của chế độ ĐCSTQ. Tờ Wall Street Journal trước đó đã đưa tin, Tổng bí thư Tập Cận Bình của ĐCSTQ đã đích thân ra lệnh đình chỉ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group ở Thượng Hải và Hồng Kông, cũng không hài lòng khi nhiều người có quan hệ chính trị và kinh doanh sẽ kiếm được rất nhiều tiền nhờ việc niêm yết Ant Group.

Ngày 17/2, tờ Wall Street Journal của Mỹ tiết lộ lý do khiến ông Tập Cận Bình phải đích thân rút giấy phép hoạt động niêm yết của Ant Group tại Thượng Hải và Hồng Kông, đó là sau khi nghiên cứu cấu trúc vốn của Tập đoàn Ant, đã phát hiện cháu trai của Giang Trạch Dân là Giang Chí Thành và con rể của Giả Khánh Lâm là Lý Bách Thảo đều là những nhà đầu tư bí mật của Ant Group.

Cháu ông Giang Trạch Dân chuyển tài sản qua Singapore

Ai sẽ là mục tiêu tiếp theo?
Khoản tiền phạt của Alibaba sẽ khiến các công ty công nghệ Trung Quốc khác phải cảnh giác việc có thể trở thành mục tiêu tiếp theo. Tác giả cuốn “Chủ nghĩa ngoại lệ chống độc quyền của Trung Quốc: Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ thách thức quy chế toàn cầu như thế nào” và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật Trung Quốc thuộc Khoa Luật của Đại học Hồng Kông, cô Trương Hồ Nguyệt cho biết: “Đây chính là một mũi tên trúng hai con chim”.

Cô nói: “Mức phạt cao đã khiến các cơ quan quản lý trở thành tâm điểm của giới truyền thông và gửi tín hiệu mạnh mẽ tới ngành công nghệ rằng những hành vi độc quyền như vậy sẽ không còn được dung thứ.”

Giám đốc Điều hành Công ty nghiên cứu Kingston Financial tại Hồng Kông, ông Hoàng Đức Kỳ (Dickie Wong) cho biết: “Kể từ khi đợt IPO của Ant Group bị tạm dừng, Alibaba đã phải nằm dưới sự chú ý của các cơ quan quản lý. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu có thể phải đối mặt với áp lực. Không chỉ Alibaba, mà tất cả những gã khổng lồ Internet khác của Trung Quốc bao gồm cả Tencent, thị trường sẽ bắt đầu dự đoán xem công ty nào sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo.”

Giám đốc điều hành của Geo Securities tại Hồng Kông, ông Lận Thường Niệm (Francis Lun) cũng cho biết sau khi Alibaba bị phạt, các đại gia Internet khác ở Trung Quốc có khả năng cũng sẽ bị tổn hại.

Ông Lận Thường Niệm giải thích rằng giá cổ phiếu của Alibaba có thể bị điều chỉnh do khoản tiền phạt này … Cổ phiếu của công ty Mỹ Đoàn (Meituan) và các công ty công nghệ khác cũng sẽ chịu chung số phận, sẽ cho thấy sự yếu kém trong toàn bộ ngành công nghệ.

Một số người thậm chí còn nhắc nhở rằng vụ kiện chống độc quyền của Alibaba đã đến hồi kết, điều tiếp theo cần theo dõi là liệu ĐCSTQ có tiếp tục yêu cầu Alibaba thoái vốn mảng kinh doanh truyền thông của mình hay không.

Giám đốc Hồng Hạo của công ty đầu tư công nghệ ở Hồng Kông Bocom Holding, tin rằng việc trừng phạt Alibaba hiện chỉ là một chiêu bài, nhưng thị trường vẫn sẽ chú ý đến các biện pháp khác ngoài điều tra chống độc quyền.

“Hình phạt này sẽ được thị trường coi như vụ kiện chống độc quyền tạm thời kết thúc. Đây thực sự là vụ kiện chống độc quyền ở mức cao nhất của Trung Quốc”, giám đốc Hồng Hạo nói. “Thị trường đã dự trù một hình thức trừng phạt nhất định trong một thời gian… Nhưng mọi người cần tập trung vào các biện pháp khác hơn là điều tra chống độc quyền, chẳng hạn như việc bị bóc tài sản truyền thông.”

Related posts

Xuống kiểm tra thực tế, Thủ tướng CSVN mới sực ra cái bệ rạc của chế độ

Tin Tức Đa Chiều

VN công bố các điều kiện công nhận “hộ chiếu y tế” Covid-19 của nhiều nước

Tin Tức Đa Chiều

Quân đội Myanmar không kích, 3.000 dân chạy sang Thái Lan

Tin Tức Đa Chiều

Leave a Comment