Nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ, nhà máy điện mặt trời lớn nhất tỉnh Bình Định có công suất thiết kế là 330MW, đã chính thức được khánh thành ngày 9/4/2021. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin cùng ngày.
Được xây dựng trên quy mô 325ha tại xã Mỹ Thắng và xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, nhà máy Năng lượng mặt trời Phù Mỹ có tổng vốn đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng, đã hoàn thành xây dựng sau hơn 10 tháng thi công. Ước tính nhà máy sẽ đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh/năm, tương đương mức sử dụng của 200.000 hộ dân và giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2 mỗi năm.
Trước đó, nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1, đóng điện thành công và được công nhận vận hành thương mại (COD) vào ngày 31/12/2020 – ngày cuối cùng còn hiệu lực của quyết định 13 về cơ chế khuyến khích các dự án điện mặt trời tại Việt Nam và được hưởng mức giá bán điện ưu đãi là 7,09 cent/kWh (tương đương 1.644 đồng/kWh).
Mặc dù lễ khánh thành được chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch – Công ty thành viên của BCG Energy trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital – tổ chức khá long trọng, nhưng người ta không khỏi lo ngại về khả năng khai thác hiệu quả dự án này. Hiện tại, không ít nhà máy điện năng lượng tái tạo (NLTT) của Việt Nam đang được yêu cầu giảm phát, chỉ chạy với công suất 30-40% ở nhiều thời điểm do hệ thống truyền tải điện của Việt Nam bị quá tải, hạ tầng hệ thống chưa phát triển kịp so với sự gia tăng đột biến của nguồn cung NLTT trong những năm gần đây.
Theo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, Trung tâm này đã phải cắt giảm 365 triệu KWh điện mặt trời trong năm 2020 để đảm bảo sự an toàn và ổn định của hệ thống và dự kiến có thể cắt giảm 1,3 tỷ kWh điện NLTT trong năm 2021.