Tin tức Đa Chiều
Thế Giới Tiêu Điểm

Cảnh báo ‘Chiến tranh Nhân dân’ trên biển của TQ không chỉ là lời hăm dọa

Liên quan đến vụ việc hơn 200 tàu mà Philippine gọi là lực lượng “dân quân biển” của Trung Quốc neo đậu tại Trường Sa, tác giả James Holmes đã từng có bài viết về lực lượng này và chiến lược “chiến tranh nhân dân” của Trung Quốc đăng trên The National Interest. Sau đây là nguyên văn bài phân tích của tác giả.

Bắc Kinh dự định triển khai “chiến thuật vùng xám” hậu thuẫn bởi tàu chiến quân sự thông thường nhằm đạt được mục đích mà không cần tới chiến tranh.

Điểm mấu chốt là: Trung Quốc sẽ sử dụng mọi phương tiện có thể để chiếm giữ lãnh thổ tranh chấp, một phần vì tính chính danh trong nước của chính quyền Trung Quốc (nó tồn tại và thị uy được với người dân một phần vì việc đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ). Các nước láng giềng và Mỹ sẽ phản ứng thế nào?

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã từng kêu gọi toàn quốc chuẩn bị cho “chiến tranh nhân dân trên biển”. Mục đích của chiến dịch này là gì? Đó là nhằm “bảo vệ chủ quyền” sau phán quyết bất lợi của Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Tòa án đã ủng hộ cách diễn giải đơn giản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), cho rằng tuyên bố của Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” bao phủ 80-90% diện tích Biển Đông là nhảm nhí.

Nói cách khác, một cường quốc ven biển không thể đơn giản cứ tranh giành quyền kiểm soát nhiều vùng biển thuộc về các nước láng giềng yếu hơn và biến chúng thành của riêng mình.

Hoặc ít nhất, quốc gia đó không thể làm như vậy mà vẫn rêu rao là hợp pháp được. Nhưng có thể hình dung họ có thể làm như vậy thông qua việc xâm chiếm, và sau đó buộc mọi người phải chấp nhận thông qua sự hiện diện quân sự liên tục. Do đó, những quốc gia bảo vệ tự do hàng hải cần lưu tâm đến lời tuyên bố của tướng Thường Vạn Toàn. Các nước Đông Nam Á và các đồng minh ngoài khu vực phải nhìn nhận thật nghiêm túc những tuyên bố như vậy, và suy nghĩ kỹ càng về nguy cơ chiến tranh trên Biển Đông.

Đó là điểm đầu tiên về “chiến tranh nhân dân trên biển”. Va chạm vũ trang hoàn toàn có khả năng xảy ra. Các chính khách và chỉ huy quân đội ở Manila, Hà Nội và Washington không được coi tuyên bố của ông Thường chỉ là lời hăm dọa.

Quả thực, khó có khả năng Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài vào thời điểm này, kể cả khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn đi chăng nữa, chúng ta hãy cùng nghĩ tới viễn cảnh các phán quyết này được tuân thủ, thì điều gì sẽ diễn ra ở trong nước [Trung Quốc]. Trong hai thập kỷ, Bắc Kinh đã mạnh tay đầu tư xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, cũng như các hỏa lực đóng căn cứ trên đất liền bao gồm: máy bay chiến đấu, tên lửa diệt hạm, các chiến hạm tầm ngắn như tàu tuần tra cao tốc hay tàu ngầm diesel.

Các lãnh đạo ĐCSTQ được người dân Trung Quốc tin tưởng nhờ việc rêu rao cách họ sẽ sử dụng các lực lượng trên biển để sửa chữa sai lầm lịch sử và trở thành một cường quốc trên biển, thế nên đã trót đâm lao đành phải theo lao.

Sẽ thật ngớ ngẩn nếu gắn thể diện và chủ quyền của Trung Quốc với yêu sách lố bịch về cái gọi là chủ quyền trên các quần đảo và vùng biển. Tuy nhiên, giới lãnh đạo ĐCSTQ vẫn làm như vậy, tái diễn điều đó nhiều lần một cách công khai và bằng những điều khoản [khiến các nước khác] khó lòng chấp nhận. Thông qua tuyên truyền, họ (giới lãnh đạo ĐCSTQ) đã thổi bùng lên ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc, và họ đã tự buộc mình phải chịu trách nhiệm về điều đó. Họ đã tạo nên một chu kỳ độc hại qua việc làm trỗi dậy những kì vọng của người dân.

Việc phá vỡ vòng luẩn quẩn này đã gần như là điều không thể. Nếu Bắc Kinh nhượng bộ những tuyên bố chủ quyền trên biển, người dân Trung Quốc sẽ đánh giá giới lãnh đạo theo các tiêu chuẩn do chính bản thân họ đã tự đề ra. Các lãnh đạo ĐCSTQ sẽ bị chỉ trích vì nhu nhược, từ bỏ các vùng lãnh thổ thiêng liêng, không rửa được mối nhục hàng thế kỷ dù cho Trung Quốc đã trở thành một cường quốc, cũng như để giới luật gia và các nước láng giềng yếu hơn được chống lưng bởi cường quốc nào đó, khiến họ coi nhẹ quyết tâm của Trung Quốc.

Không lãnh đạo nào muốn bị coi là nhu nhược. Điều này là hết sức nguy hiểm ở Trung Quốc. Như các nhà ngoại giao hàng đầu đã chỉ ra, các nhà đàm phán cũng như giới lãnh đạo khó có thể lùi bước sau những lời cam kết công khai. Đã hứa thì phải làm. Nếu không làm được thì sẽ tự đánh mất uy tín và chuốc về thảm họa.

Như bất cứ nhà lãnh đạo khôn ngoan nào, Bắc Kinh muốn đạt được mục đích mà không cần dùng đến vũ lực. Tuy nhiên, chiến tranh có thể là lựa chọn tồi tệ nhất mà giới lãnh đạo Trung Quốc buộc phải quyết định. Chính họ đã tự đẩy mình vào thế bí.

Điều đó dẫn tới điểm thứ hai. Từ phát ngôn của tướng Thường Vạn Toàn, có thể thấy chính sách “ngoại giao cây gậy nhỏ” (small-stick diplomacy) đã đi đúng hướng. Nội dung đằng sau của chính sách này là triển khai lực lượng hải cảnh và các lực lượng đường biển phi quân sự khác để bảo vệ các vùng biển mà Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền. Chính sách này coi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông như một thực tế hiển nhiên, và thách thức các đối thủ yếu hơn đảo ngược thực tế này.

Khi không bị phản đối, chủ quyền lúc đó của Trung Quốc, vốn giành được nhờ độc quyền trong việc sử dụng vũ lực trên các vùng biển, sẽ được củng cố theo thời gian. Một khi điều này trở thành một điều bình thường thì nó thậm chí sẽ phá hủy tính hợp pháp bấy lâu nay vẫn được đề cao giữa các quốc gia ven biển.

Phán quyết Tòa trọng tài UNCLOS đã giáng một đòn chí mạng vào cách tiếp cận của Trung Quốc, làm sụp đổ những lập luận có vẻ hợp lý đằng sau chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ”. Phán quyết của tòa cũng làm rõ các lực lượng Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines chính là những kẻ xâm lược chứ không phải là lực lượng hải cảnh chính danh.

Nếu Bắc Kinh không thể đạt được mục đích bằng đội tàu vỏ trắng của lực lượng hải cảnh, vũ lực quân sự sẽ được dùng đến. Các quốc gia triển khai lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ những thứ thuộc về mình. Họ triển khai lực lượng quân sự để chiến đấu và bảo vệ những thứ còn đang tranh chấp. Ngôn từ hiếu chiến của tướng Thường Vạn Toàn ngụ ý rằng Bắc Kinh đã từ bỏ cách tiếp cận mềm mỏng và ngầm thừa nhận vùng biển Đông Nam Á là một khu vực tranh chấp.

Biệt ngữ ông ta sử dụng cũng rất đáng quan tâm. Chiến tranh nhân dân là một khái niệm mang tư tưởng hiếu chiến của Mao Trạch Đông. Hồng quân của Mao Trạch Đông đã sử dụng chiến tranh nhân dân để giành lại những vùng đất bị chiếm đóng từ quân xâm lược Nhật Bản và Quốc Dân đảng. Có vẻ như Trung Quốc cũng đang nhìn nhận Biển Đông với con mắt tương tự – một chiến trường trên biển, nơi chỉ có vũ lực mới chiến thắng được kẻ thù.

Nhưng không phải chỉ bằng lực lượng quân sự. Bắc Kinh sẽ không rút hải cảnh, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, hay các đội tàu cá – một lực lượng dân quân không chính thức – ra khỏi các vùng biển có tranh chấp. Chúng sẽ tiếp tục ở lại như một phần hạm đội tổng lực của chính phủ Trung Quốc. Tuy vậy, Lực lượng Hải quân và Không quân của Giải phóng quân Nhân dân (PLA) sẽ đóng vai trò chính trong lực lượng tổng hợp này.

Trong thời kỳ thực thi chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ”, lực lượng hải quân “cây gậy lớn” đã gây ra một mối đe dọa ngầm từ xa. Các nước Philippines hay Việt Nam đều hiểu rằng, hải cảnh Trung Quốc sẽ nhận được tiếp viện nếu các nước này phản kháng lại. Trong tương lai, các chỉ huy Trung Quốc rất có thể sẽ vung “cây gậy lớn” (hải quân) này một cách tùy tiện hơn, đe dọa một cách công khai và rõ ràng thay vì ngấm ngầm và kín đáo.

Điểm thứ ba. Chiến lược chiến tranh nhân dân trên biển sẽ phải đối phó với một liên minh hỗn hợp trong đó các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, có thể cả Nhật Bản hoặc Úc sẽ cung cấp phần lớn nguồn lực quân sự hạng nặng. Philippines có vẻ đang lép vế về mặt quân sự. Việt Nam có sự gan dạ và một đội quân đáng gờm, nhưng nước này khó có thể kháng cự cường quốc phương Bắc nếu không được giúp đỡ.

Kết cấu hỗn tạp của liên minh này sẽ tạo cơ hội cho Bắc Kinh phá hủy nó. Trung Quốc có thể cho rằng mọi xung đột trên Biển Đông là “một cuộc chiến ngẫu nhiên” đối với Mỹ, một cuộc chiến mà Washington ấn định quy mô lực lượng được điều động để hỗ trợ các đồng minh trong khu vực, và chỉ thị cho lực lượng này làm những gì tốt nhất có thể với các nguồn lực mà nó có.

Cách tiếp cận này rất tốt trong việc gây nhiễu nhưng ít khi mang tính quyết định. Ví dụ, công tước Wellington đã chỉ huy một lực lượng đổ bộ lên bán đảo Iberia năm 1807. Cuộc viễn chinh này khiến Napoleon phải đối mặt với “vết loét Tây Ban Nha”, và buộc phải tham gia vào một mặt trận trường kỳ mới. Tuy vậy, Wellington không bao giờ ảo tưởng rằng ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến có quy mô lục địa chỉ với lực lượng viễn chinh khiêm tốn, quân du kích và Hải quân Anh.

Nói cách khác, cách tiếp cận này thể hiện sự nửa vời của Washington. Sau cùng, nước Mỹ sẽ phải nhảy vào một cuộc chiến không có kết cục rõ ràng, trên một vùng biển xa xôi của kẻ thù mà không có ý niệm rõ rệt về chiến thắng. Sự nửa vời vô cùng nguy hiểm trong những tình huống như vậy.

Chiến tranh nhân dân nhắm tới việc trụ vững hơn kẻ thù mạnh trong những trường hợp như trên. Trung Quốc yếu hơn nhưng với nguồn lực dự trữ khai thác to lớn thì nó sẽ cần tới thời gian. Lực lượng vũ trang sẽ kéo dài cuộc chiến, vừa để có thời gian tập hợp thêm lực lượng, vừa làm tiêu hao sức mạnh chiến đấu của đối phương.

Tóm lại, Trung Quốc có thể vẫn chiến thắng dù yếu hơn Mỹ về tương quan tổng thể. Quân đội Trung Quốc có thể thu hẹp khoảng cách hoặc thậm chí đảo ngược cán cân sức mạnh trên chiến trường – chế ngự lực lượng Mỹ vào một thời điểm và vị trí thực sự thích hợp. Điều này có thể làm Washington nản lòng. Các nhà lãnh đạo Mỹ có thể tuyệt vọng trong việc duy trì thực hiện một nhiệm vụ không biết ngày hoàn thành. Hoặc Trung Quốc sẽ trụ vững lâu hơn Mỹ bằng cách gây ra nhiều tổn thất chiến thuật cho Mỹ trong thời gian dài, khiến cái giá phải trả cho việc bảo vệ tự do hàng hải cao hơn những gì giới lãnh đạo Mỹ sẵn sàng gánh chịu. Nếu Mỹ rút quân về thì liên minh đó sẽ sụp đổ.

Về mặt tác chiến và chiến thuật, giới chỉ huy quân đội Trung Quốc có thể thực hiện điều này như thế nào? Dựa trên truyền thống chiến tranh Trung Quốc, có thể dự đoán các động thái chính trị và chiến lược của nước này trên Biển Đông, nhưng khó có thể dự đoán các bước đi về chiến thuật tác chiến. Có thể dự đoán về khía cạnh chính trị và chiến lược của nước này bởi giới lãnh đạo ĐCSTQ đã tự dồn mình vào chân tường trước người dân trong nước. Nhưng khó đoán về mặt chiến thuật tác chiến bởi đây là cách thức chiến đấu của các lực lượng vũ trang Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông.

Thật vậy, “phòng thủ tích cực”, khái niệm theo đó Mao đã hệ thống hóa các ý tưởng của mình về chiến tranh nhân dân, vẫn là trọng tâm của chiến lược quân sự Trung Quốc. Điều ẩn chứa đằng sau sự phòng thủ tích cực là một Trung Quốc yếu hơn có thể dẫn dụ một đối phương mạnh hơn vào việc cố gắng quá mức và làm bản thân mệt mỏi trước khi tung ra đòn đáp trả trừng phạt. Nó tương tự như màn trình diễn của võ sĩ quyền anh Muhammad Ali trong trận đấu Rumble in the Jungle năm 1974.

Nếu chiến thuật này thành công ở tầm vĩ mô, các lực lượng Trung Quốc có thể giành được chiến thắng về chiến thuật khiến đối thủ yếu đi theo thời gian. Khi đó, bản chất của phòng thủ chủ động là sử dụng các cuộc tấn công ở tầm chiến thuật cho mục tiêu phòng thủ chiến lược.

Để thực hiện cách tiếp cận này, các tư lệnh quân đội Trung Quốc sẽ tìm kiếm các biệt đội đơn lẻ của kẻ thù ở “tuyến ngoài” nằm trong khả năng họ có thể đột kích, sau đó bao vây và đập tan các biệt đội này. Các thất bại chiến thuật liên tiếp sẽ dần làm kẻ mạnh suy yếu, và khiến giới lãnh đạo nghi ngờ liệu những nỗ lực bỏ ra có đáng so với những khó khăn, hiểm họa và tổn thất mà nó gây ra hay không. Nếu câu trả lời là không, logic giữa lợi ích và chi phí sẽ thúc đẩy giới lãnh đạo Mỹ bước ra khỏi cuộc chiến, và Trung Quốc sẽ chiến thắng dù không có được thắng lợi hoàn toàn trước lực lượng đồng minh.

Quân đội Mỹ và các đồng minh cần nghiên cứu truyền thống quân sự Trung Quốc, xem xét cách phòng ngự tích cực trên biển được áp dụng cho Biển Đông. Sau khi xây dựng một lực lượng dân quân biển, một lực lượng hải cảnh hùng mạnh, một lực lượng hải quân lớn nhất châu Á, và một kho vũ khí đáng kể trên mặt đất có khả năng tác động tới những sự kiện diễn ra trên biển, thì Bắc Kinh sẽ kết hợp những thành phần này để trở thành một công cụ chiến tranh sắc bén và củng cố quyền kiểm soát đối với một vùng biển nửa kín như thế nào?

Nghiên cứu các vấn đề này sẽ có ích nếu Trung Quốc thực sự đưa quan điểm chiến lược của tướng Thường Vạn Toàn – và của Mao Trạch Đông – vào thực tiễn.

Tướng Thường Vạn Toàn đã sử dụng các ngôn từ truyền thống ở Trung Quốc, đặc biệt là “chiến tranh nhân dân”, để mô tả cách Bắc Kinh giải quyết các vấn đề ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, đối với Mao Trạch Đông lựa chọn chiến lược của kẻ yếu vì lợi ích nó mang lại chứ không phải vì ưa thích. Ông vạch ra chiến lược này cho một Trung Quốc yếu thế, đang bị tàn phá bởi nội chiến và ngoại xâm.

Chiến lược này hầu như không thể làm được điều gì khác. Tuy nhiên, mục tiêu của phòng ngự tích cực trong chiến tranh nhân dân là giúp Hồng vệ binh trở thành một địch thủ mạnh hơn. Khi các lực lượng của Mao Trạch Đông đảo ngược thế mất cân bằng về lực lượng, họ sẽ phản công và chiến thắng trong cuộc chiến thông thường.

Hiện tại không phải là Trung Quốc của Mao Trạch Đông nữa. Trung Quốc hiện đã trở thành một cường quốc hùng mạnh về kinh tế và quân sự, và sẽ chiến đấu trên sân nhà. Quân đội Trung Quốc PLA ngày nay có nhiều lựa chọn tấn công hơn so với Hồng quân của Mao Trạch Đông. Thay vì quay trở lại mô hình chiến tranh nhân dân thuần túy của Mao Trạch Đông, lãnh đạo quân đội Trung Quốc PLA có thể kết hợp các cuộc giao tranh quy mô lớn và nhỏ, chống lại liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Khi đó, một cuộc chiến tranh nhân dân sẽ giống với một cuộc chiến trên biển thông thường, nếu Bắc Kinh tin rằng cán cân quân sự và các xu thế đang có lợi cho Trung Quốc.

Đương nhiên, cần xem xét kỹ binh lược của Trung Quốc, đúc rút những thói quen và phản xạ chiến tranh của Trung Quốc. Nhưng đây không phải sự lặp lại một cách máy móc những kịch bản của Mao Trạch Đông từ những năm 30,40 của thế kỷ trước. Cách Trung Quốc đưa học thuyết của Mao Trạch Đông ra đại dương – cũng như cách một liên minh vượt qua thách thức này là câu hỏi được đặt ra cho những ai đề cao tự do hàng hải.

Related posts

Hà Nội: Cách ly tòa nhà T6 khu đô thị Times City, hàng nghìn cư dân không được ra khỏi nhà

Tin Tức Đa Chiều

VN sẽ nhận “hàng thải” của Nhật Bổn, dân lo ngay ngáy về chầu trời hàng loạt

Tin Tức Đa Chiều

Hàng loạt các nghề như cắt tóc, may đồ chuẩn bị phải đóng thuế cho nhà cầm quyền

Leave a Comment