Đại sứ Myanmar tại Anh đã cáo buộc một nhân vật có liên hệ với quân đội Yangon đã chiếm Đại sứ quán vào thứ Tư (7/4) và cấm ông vào bên trong. Tình huống ngoại giao bất thường này diễn ra một tháng sau khi Đại sứ kêu gọi chính quyền quân sự thả nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi.
Đại sứ Myanmar tại London nói với Reuters rằng ông đã bị khóa ngoài Đại sứ quán hôm thứ Tư. Một số nguồn tin cho biết cấp phó của ông đã chiếm lấy tòa nhà và thay mặt quân đội chịu trách nhiệm điều hành.
Quân đội đã nắm chính quyền ở Myanmar trong một cuộc đảo chính vào tháng Hai và đã đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Đại sứ Myanmar tại London, ông Kyaw Zwar Minn đã lên tiếng chỉ trích chính quyền quân sự trong những tuần gần đây, kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo dân sự đang bị giam giữ Aung San Suu Kyi.
“Tôi đã bị khóa,” ông nói với Reuters bên ngoài Đại sứ quán ở trung tâm London.
“Đó là một loại đảo chính, ở ngay giữa London … bạn có thể thấy rằng họ chiếm tòa nhà của tôi”, ông cho biết.
Bốn nguồn tin ngoại giao cho biết phó đại sứ Chit Win đã đảm nhận vai trò phụ trách thay ông Minn. Ông này và vị tùy viên quân sự đã ngăn cản Đại sứ ra vào bên trong tòa nhà.
Đại sứ Kyaw Zwar Minn sau đó đã phát biểu bên cạnh Đại sứ quán với những người biểu tình trên đường phố bên ngoài.
Kyaw Zwar Minn nói với tờ Daily Telegraph rằng “khi tôi rời Đại sứ quán, họ đã xông vào bên trong Đại sứ quán và chiếm nó.”
“Họ nói rằng họ đã nhận được chỉ thị từ thủ đô, vì vậy họ sẽ không cho tôi vào”, ông nói thêm, đồng thời kêu gọi chính phủ Anh can thiệp.
Tháng trước, khi Đại sứ Kyaw Zwar Minn đã kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và Tổng thống bị lật đổ Win Myint, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã khen ngợi ông về “lòng dũng cảm”.
Anh đã trừng phạt các thành viên của quân đội Myanmar và một số tập đoàn kinh doanh liên kết với quân đội sau cuộc đảo chính, đồng thời yêu cầu khôi phục nền dân chủ.
Văn phòng đối ngoại của Anh chưa có bình luận ngay lập tức về vụ việc.
“Đây là tòa nhà của tôi, tôi cần vào trong. Đó là lý do tại sao tôi đợi ở đây,” Đại sứ Kyaw Zwar Minn nói với Reuters.
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội phế truất nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi vào ngày 1 tháng 2, với gần 600 người thiệt mạng trong các cuộc đàn áp của chính quyền.
Một nhóm đại diện cho chính phủ dân sự bị lật đổ hôm thứ Tư (7/4) cho biết họ đã thu thập được khoảng 180.000 bằng chứng cho thấy các hành vi vi phạm của chính quyền, bao gồm tra tấn và giết người ngoài tư pháp.
Luật sư Robert Volterra của Ủy ban Đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH) – một nhóm các nghị sĩ từ đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi – đã gặp các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc vào hôm thứ Tư để thảo luận về những hành động tàn bạo của chính quyền. Ông cho biết các cuộc họp tiếp theo đã được lên kế hoạch trong những ngày tới.
“Bằng chứng này cho thấy sự vi phạm nhân quyền trên diện rộng của quân đội”, nhóm này cho biết trong một tuyên bố.
Chúng bao gồm hơn 540 vụ hành quyết phi pháp, 10 cái chết của các tù nhân bị giam giữ, tra tấn, giam giữ bất hợp pháp và sử dụng vũ lực không tương xứng chống lại các cuộc biểu tình ôn hòa, tuyên bố cho biết.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), cho biết 581 thường dân đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp và hơn 2.700 người bị bắt. Gần 50 nạn nhân thiệt mạng là trẻ em.
Nhà cầm quyền cũng đã ban hành lệnh bắt giữ đối với 120 người nổi tiếng, với cáo buộc phát tán thông tin có thể gây binh biến trong lực lượng vũ trang.
Theo AAPP, khi nhiều người biểu tình hiện đang lẩn trốn để thoát khỏi sự truy bắt, chính quyền quân sự đã lùng bắt các thành viên gia đình của họ làm con tin.
Người đứng đầu chính quyền quân sự, Thống tướng Min Aung Hlaing, khẳng định họ đã giải quyết các cuộc biểu tình “theo cách dân chủ” trong một bài phát biểu được truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Tư.
Ông cáo buộc phong trào biểu tình muốn “phá hủy đất nước” và cho biết chỉ có 248 người biểu tình bị giết, cùng với 16 cảnh sát.
Tổ chức Ân xá Quốc tế về quyền vào tháng trước đã báo cáo rằng chính quyền đã sử dụng vũ khí chiến trường vào những người biểu tình không có vũ khí.
Gia tăng đổ máu khiến Myanmar có thể sẽ rơi vào nội chiến.
Ngoài việc dẹp bỏ các cuộc biểu tình và bắt giữ, lực lượng an ninh cũng đã tìm cách ngắt các tin tức về cuộc khủng hoảng, kiểm soát truy cập internet và các phương tiện truyền thông độc lập.