Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có ý mượn “Sự kiện bông Tân Cương” để gây áp lực lên phương Tây bằng cách đàn áp các công ty nước ngoài phụ thuộc thị trường Trung Quốc hòng bảo vệ ĐCSTQ trước áp lực từ quốc tế. Mới đây, có dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình còn có ý mượn sự kiện này để thực hiện một cuộc thanh trừng nội bộ, theo Visiontimes.
Chính quyền ĐCSTQ đã nhân cơ hội H&M và các thương hiệu thời trang quốc tế khác tuyên bố từ chối sử dụng bông Tân Cương kích động tình cảm dân tộc của người dân Trung Quốc, phát động chiến dịch tẩy chay các thương hiệu nước ngoài trên mạng lưới Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ việc người dân Trung Quốc xếp hàng dài trước cửa hàng Nike và các cửa hàng thương hiệu khác để mua hàng giảm giá, có thể thấy Bắc Kinh đã không mấy thành công trong cuộc vận động đả kích nhằm vào các tập đoàn đa quốc gia này.
Tìm ‘Dê thế tội’
Nguồn tin của Vision Times cho hay, chiến dịch tẩy chay H&M đã được Bộ Ngoại giao và ban Tuyên giáo của ĐCSTQ cùng lên kế hoạch để giúp thế lực cầm quyền ở Trung Quốc tránh sự chỉ trích của phương Tây. Nhưng nhìn từ hiệu quả thực tế, Bắc Kinh dường như đã tự ôm đá nện vào chân mình.
Không thành công với chiến dịch tẩy chay, ông Tập Cận Bình dường như bắt đầu tìm con dê thế tội cho vấn đề Tân Cương, và cũng nhân cơ hội lần này làm sạch quan trường, củng cố quyền lực của mình, làm bước chuẩn bị cho Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 sắp tới.
Trong ngày 3/4, tài khoản “Hiệp Khách Điểu” (Xiake Niao) thuộc tờ Nhân dân Nhật báo phiên bản hải ngoại đã đăng một bài viết với tiêu đề “Ai là ‘nội gián’ phá hoại Tân Cương”, đây được cho là một tín hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ sử dụng cơn bão bông Tân Cương cho mục đích làm sạch chốn quan trường. Bài viết cho biết, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đã phát hành một bộ phim tài liệu chống khủng bố Tân Cương vào ngày 2/4, trong đó “nội gián” đằng sau vụ khủng bố bạo lực ở Tân Cương đã trở thành tâm điểm được nói đến.
Bài viết tiếp tục liệt kê rốt cuộc những người nào là nội gián. Người đầu tiên bị chỉ tên chính là “kẻ hai mặt” từ lâu đã chiếm giữ vị trí cao trong Hệ thống Chính trị và Luật pháp của Tân Cương, như nguyên Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tân Cương Shirzat Bawudun. Hiệp Khách Điểu nói rằng ông ta đã liên kết với các lực lượng ly khai nước ngoài từ năm 2001, cố gắng xây dựng một quốc gia và theo đuổi “sự nghiệp độc lập”.
Ngoài ra còn có các quan chức kiểm soát hình thái ý thức của Tân Cương, người bị chỉ tên là Sattar Sawut, giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục Tân Cương từ năm 2001. Hiệp Khách Điểu cho biết trong nhiệm kỳ của mình, sách giáo khoa tiểu học và trung học cơ sở của Tân Cương xuất hiện nội dung “binh sĩ người Hán ép nữ anh hùng Duy Ngô Nhĩ nhảy xuống vách đá”, với ý định biến mượn điều này biến các em học sinh thành “phần tử ly khai”.
Đẩy trách nhiệm cho Hồ Cẩm Đào
Nhà bình luận Giang Sâm Triết (Jiang Senzhe) tin rằng các phương tiện truyền thông chính thức khơi lại chuyện cũ, truy tìm “nội gián” truy cứu đến hơn mười năm trước, mục đích là đẩy vấn đề Tân Cương lên thân người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và các quan chức dưới thời của ông. Trong tiết mục mới nhất của mình, ông Giang Sâm Triết nói rằng hai “nội gian” bị các kênh truyền thông ĐCSTQ chỉ tên này là không thuyết phục, nó giống như việc gán ghép tội danh trước khi đấu đá nội bộ bắt đầu.
Ông cho hay: “Ở Tân Cương, Hệ thống Chính trị Pháp luật, thực quyền đều nằm trong tay các quan chức người Hán. Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Duy Ngô Nhĩ vốn không có thực quyền gì cả, chỉ như một cái bình hoa để trang trí mà thôi. Một phó Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Tân Cương, một bình hoa di động vốn không có thực quyền lại muốn gây dựng đế chế cho riêng mình? Thật quá vụng về khi thêu dệt câu chuyện như vậy”.
“Sách giáo khoa của Trung Quốc được quản chế rất nghiêm ngặt, đặc biệt là sách của người dân tộc thiểu số cần phải qua kiểm duyệt nghiêm ngặt của Bộ Giáo dục Bắc Kinh, chứ không thể có chuyện Bộ Giáo dục Tân Cương tự biên soạn sách giáo khoa cho riêng mình. Đây là điều không thể. Vì vậy, bộ phim tài liệu này chính là đang chỉ gà mắng chó, hơn nữa chính là nhắm vào ông Hồ Cẩm Đào”.
Kể từ năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã đưa ra tín hiệu làm trong sạch Hệ thống Chính trị và Pháp luật. Mới đây, Bộ Công an ĐCSTQ bị tố không đủ năng lực trong việc chấn chỉnh “bốn bề sóng gió” ở Tân Cương. Bộ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ Triệu Khắc Chí đã dẫn đầu một phái đoàn đi khảo sát các địa phương tại Tân Cương. Giờ đây, Hệ thống Chính trị Pháp luật Tân Cương cũng bị nêu tên, giới quan sát cho rằng chính trường Tân Cương sắp trải qua một đợt biến động to lớn.