Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dùng đủ các biện pháp cứng rắn để buộc các công chức trên khắp cả nước phải tiêm vắc-xin COVID-19 được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các tài liệu nội bộ cho thấy các quan chức địa phương cũng không tin tưởng vắc-xin nội địa và viện nhiều lý do khác nhau để trốn tránh việc tiêm chủng, theo Sound of Hope.
Thời báo Epochtimes ngày 4/4 đưa tin, theo tài liệu nội bộ có được từ huyện Đài An, thành phố Yên Sơn, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, nhân viên và quan chức trong nhiều cơ quan chính phủ của huyện đã từ chối tiêm chủng với lý do như bị dị ứng, mang thai, huyết áp cao…
Ví dụ, một bảng thống kê về tình hình tiêm chủng ở thị trấn Tân Đài, huyện Đài An, cho thấy 53 người trong chính quyền thị trấn, cộng với trạm thủy lợi, văn phòng tư pháp, nhà tù và đội thực thi pháp luật hành chính, tổng cộng 65 người, trừ 3 người đã được tiêm và 2 người đã đăng ký tiêm chủng ra, những người khác đều chưa được tiêm.
Trong số 60 người từ chối tiêm phòng, có 21 người bị dị ứng, 20 người bị cao huyết áp, 6 người bị cảm mạo, và những người còn lại mắc các bệnh khác như tiểu đường, tim mạch, chuẩn bị mang thai,… tỷ lệ chấp nhận tiêm phòng chỉ 7,7%.
Ngoài ra, trong một bảng thống kê tiêm chủng của Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị, nông thôn huyện Đài An, trong tổng số 56 người chỉ có một người đã tiêm vắc-xin, những người còn lại đều mượn lý do bị dị ứng (21 người), cao huyết áp (17 người), và cảm lạnh hoặc thể chất không được tốt để từ chối việc tiêm vắc-xin.
Trong danh sách tiêm chủng cập nhật của cơ quan này, chỉ có 4 người trong đó nguyện ý tiêm vắc-xin, tỷ lệ nguyện ý tiêm phòng chỉ là 7,1%.
Một bảng thống kê khác về tình hình tiêm chủng cho Ủy ban Chính trị và Pháp luật của huyện Đài An cho thấy 11 trong số 40 thành viên của Ủy ban Chính trị và Pháp luật đã được tiêm chủng, 29 người còn lại từ chối tiêm chủng với lý do cao huyết áp, dị ứng, đang mang thai, ngoài ra có người còn đang dùng thuốc, suy giáp, v.v. Chỉ có 27,5% số người trong cơ quan này nguyện ý tiêm chủng.
Ngoài các cơ quan chính phủ, trong thống kê tình huống 24 người tiêm chủng của công ty viễn thông huyện này, chỉ có 4 người được tiêm chủng, 2 người “có việc bận không đi tiêm được”, và 16 người còn lại từ chối với lý do “không tuân thủ các yêu cầu tiêm chủng gần đây”, cũng có người lấy lý do chuẩn bị mang thai, tỷ lệ cũng chỉ là 25%.
Theo thống kê của 119 người trong danh sách tiêm chủng của Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp huyện Đài An, chỉ có 2 người được tiêm chủng, và 39 người “đã không tiêm (do) thiếu vắc-xin”. Những người khác từ chối tiếm vắc-xin với các loại lý do: Gần 1/3 số người cho biết họ bị dị ứng và hơn 20 người cho biết đã dùng thuốc hạ huyết áp trong thời gian dài. Ngoài ra, một số người cho biết họ đang khỏi bệnh cảm cúm, có người đang trong quá trình hồi phục tại nhà sau phẫu thuật, có người chuẩn bị mang thai hoặc đang dùng thuốc Trung y, có người rối loạn chức năng tự miễn dịch, v.v.
Vắc-xin cúm Vũ Hán do Trung Quốc sản xuất không nhận được sự tin tưởng cả về hiệu quả và độ tin cậy. Ít nhất 11 người ở Hồng Kông đã chết sau khi tiêm vắc-xin của hãng dược Sinovac (Trung Quốc) vào tháng trước. Nhưng ở Trung Quốc, các phương tiện truyền thông chính thức không đưa tin về trường hợp này.
Kể từ khi các cơ quan chức năng thực hiện việc tiêm chủng toàn dân, nhiều người đã kêu gọi cán bộ công chức đi đầu trong công tác tiêm chủng để tạo dựng niềm tin cho người dân. Hoa Pha (Hua Po), nhà phân tích Thời cuộc Bắc Kinh, gần đây đã đề xuất rằng các cán bộ, công chức và nhân viên y tế đi đầu trong việc tiêm chủng công khai để xóa bỏ những nghi ngờ của người dân. Ông Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong), Giám đốc Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Hoa Sơn thuộc Đại học Phục Đán, cũng đề xuất rằng hãy để các cán bộ lãnh đạo nên tiêm phòng trước.